Khai thác dầu ở vùng biển sâu: Thảm họa rình rập

QUẢNG CÁO

gian_khoan(H2N2)-Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi dàn khoan Deepwater Horizon phát nổ ở Vịnh Mexico, nỗi lo về những thảm họa tương tự vẫn còn đó.

Liệu có tái diễn thảm họa tràn dầu? Một cuộc điều tra trong ngành dầu khí về vấn đề này cho câu trả lời: “Chắc chắn là có”.

Chính phủ Mỹ đã “bật đèn xanh” cho việc nối lại các hoạt động khai thác dầu mỏ đầy rủi ro ở khu vực nước sâu bằng cách nói rằng họ tin việc khoan dầu sẽ được thực hiện một cách an toàn. Ngành dầu khí cũng đưa ra những đảm bảo tương tự.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Charles Perrow thuộc Đại học Yale chuyên nghiên cứu tai nạn do rủi ro công nghệ, vẫn còn nhiều nghi vấn xoay quanh việc người ta đã học hỏi được những gì từ bài học Deepwater Horizon.

Giáo sư Charles Perrow nhận định ngành dầu khí chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với sự cố và “không có gì chắc chắn rằng những nỗ lực của họ đủ để đối phó với một thảm họa tràn dầu lớn khác”. Ông khẳng định “Trong tương lai… thảm họa dầu tràn là không thể tránh khỏi”.

Thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ đã xảy ra hôm 20/4/2010, làm 11 công nhân làm việc tại giàn khoan Deepwater Horizon thiệt mạng, khiến hơn 200 triệu gallon (757 triệu lít) dầu thô tràn ra Vịnh Mexico. Kể từ sau sự cố này, hàng loạt quy định mới về khoan dầu đã được áp dụng và các nhà chức trách từng bước đẩy mạnh giám sát hoạt động khai thác dầu khí ở vùng nước sâu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn cao và gây nên nỗi lo sợ rằng hàng nghìn giếng dầu ở Vịnh Mexico có thể bất chợt rò rỉ hoặc phát nổ.

Hiện có hơn 3.200 giếng dầu “bị bỏ rơi” trên Vịnh Mexico và chủ sở hữu chẳng màng đến bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào. Trên giấy tờ, các giếng đó vẫn còn hoạt động nhưng chúng không hề được khai thác trong ít nhất 5 năm và chưa có kế hoạch hồi phục sản xuất. Chính phủ Mỹ cũng chưa yêu cầu các công ty giành được quyền khai thác những giếng này phải đổ ximăng bịt chúng lại vì chưa hết hạn hợp đồng. Hầu hết trong số những giếng dầu này đều trên 10 tuổi, đặc biệt một số được khoan cách đây 60 năm.

Các chuyên gia cảnh báo những lớp ximăng và kim loại bên trong giếng bị bỏ hoang cũng như bộ phận đậy miệng giếng có thể bị ăn mòn theo thời gian, khiến dầu rò rỉ ra ngoài. Đó là chưa kể các sự cố không lường trước như động đất… đều có thể gây ra những vụ tràn dầu không kém gì thảm họa Deepwater Horizon. Theo giới kỹ sư dầu khí, những giếng dầu không được tiếp tục khai thác nhưng vẫn chưa hết hạn thuê trên hợp đồng là mối đe dọa chủ yếu đối với môi trường sinh thái.

Những nhà khai thác dầu khí thường không muốn bịt giếng dầu vẫn còn thời hạn sử dụng vì khi cần sẽ có thể khởi động lại việc khai thác vào bất cứ lúc nào. Khi giếng dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon của BP bị nổ hồi năm ngoái, giếng này đã bị bỏ hoang tạm thời và BP chỉ trám tạm lớp xi măng bên trên. Các nhà điều tra xác định đây là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa 20/4/2010.

Kể từ vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon, BP đã và đang phải đối mặt với hàng trăm vụ kiện cùng các khoản tiền phạt và bồi thường khổng lồ. Ngoài ra, một số vụ điều tra đang tiến hành cũng có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của hãng.

Tập đoàn BP đã khởi kiện công ty Transocean (đơn vị chủ quản giàn khoan Deepwater Horizon) gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD vì đã cung cấp các hệ thống và thiết bị thiếu an toàn cũng như quy trình điều khiển giếng dầu trên giàn khoan Deepwater Horizon không đạt chuẩn. Ngoài ra, BP cũng kiện Halliburton Co. (công ty chịu trách nhiệm bịt giếng dầu bị rò rỉ bằng ximăng) và công ty Camron International vì cung cấp các thiết bị chống cháy nổ bị lỗi thiết kế. Dự kiến phiên tòa xét xử liên bang về vụ việc này sẽ diễn ra trong năm tới. Trong khi đó, Transocean khởi kiện lại đòi BP bồi thường 12,9 triệu USD vì đã gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh của họ.

Những vụ kiện tụng chưa có dấu hiệu chấm dứt và giá dầu cũng chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Kể từ thảm họa 20/4 năm ngoái, giá dầu thô kỳ hạn trên thị trường thế giới thường xuyên trên ngưỡng 100 USD/thùng. Sau đó, những bất ổn địa-chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục đẩy giá dầu lên trên 110 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích thuộc Barclays Capital, mặc dù Saudi Arabia khẳng định thế giới hiện vẫn rất dồi dào nguồn cung dầu mỏ, song tình trạng bạo lực leo thang ở Libya có nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn xuất khẩu và có thể đẩy giá nhiên liệu này lên trên 200 USD/thùng.

Trang Nhung (Theo AP)

Nguồn Tamnhin.net

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *