Độc tố PSP

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Thủy hải sản là thực phẩm có thành phần dinh dưỡng cao và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần thận trọng với một số nguy cơ tiềm ẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhóm sản phẩm này, đặc biệt là với các loài nhuyễn thể (ngao, sò, ốc …) và giáp xác (cua, ghẹ, tôm …).

Ảnh: bepgiadinh

Các loài nhuyễn thể có an toàn cho sử dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của điều kiện nuôi trồng. Trong quá trình sinh trưởng, các loài này hút nước, ngậm, ép nước và giữ lại các loài phù du, trong đó có tảo. Trường hợp tảo chứa chất độc (các độc tố sinh học) sẽ không thoát ra được mà tích lũy lại trong ruột và thịt của nhuyễn thể. Có thể liệt kê các độc tố nguy hại đối với con người có thể có trong ngao, sò, ốc … là: ASP và NPS (nhóm độc tố thần kinh và gây mất trí nhớ), DSP (độc tố gây tiêu chảy), và PSP.

PSP là gì?

PSP (Paralytic Shellfish Poisoning) – độc tố gây liệt) là loại độc tố nguy hiểm có trong các loài nhuyễn thể hoặc giáp xác sinh trưởng trong điều kiện môi trường có tảo độc.

Các triệu chứng nhiễm độc PSP

Các triệu chứng nhiễm độc PSP có thể bắt đầu xuất hiện sau khi ăn vài phút cho đến 10 giờ. Triệu chứng bao gồm cảm giác tê ở môi, cổ, mặt, cùng cảm thấy như có kiến bò trong các ngón tay và ngón chân, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn, nói năng không còn mạch lạc, mạch đập nhanh, thở khó… Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp.

Các nguy cơ nhiễm độc PSP

Nhiễm độc PSP là do tiêu dùng các sản phẩm thủy hải sản có chứa độc tố PSP. Độc tố này không hề bị tiêu hủy ngay cả sau khi đã nấu chín. Các loài nhuyễn thể và giáp xác có thể chứa các độc tố sinh học này ở mức cao tại mọi thời điểm trong năm và điều này phụ thuộc chính vào chất lượng của điều kiện nuôi trồng.

Lời khuyên của chuyên gia

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị nào đặc hiệu cho nhiễm độc PSP. Các thủy hải sản nhiễm độc cũng không thể kiểm tra bằng mắt thường. Do vậy ở nhiều nước phát triển thì việc phân tích kiểm tra độc tố PSP trên thủy hải sản bằng các phương pháp hóa sinh hoặc hóa lý là bắt buộc.

Ở nước ta, việc kiểm định độc tố PSP chưa được thực hiện trên các sản phẩm tiêu dùng trong nước do thị trường của các sản phẩm này còn rất trôi nổi, việc đánh bắt và buôn bán chưa được quản lý tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp theo dõi và ghi nhận thấy các triệu chứng của nhiễm độc PSP, cần đưa bệnh nhân tới ngay các trung tâm Y tế và bệnh viện nơi gần nhất để có chỉ định điều trị của các chuyên gia.

Chú ý theo dõi các cảnh báo về tảo độc và tuyệt đối tránh tiêu dùng các sản phẩm thủy hải sản thu hoạch ở những nơi nhiễm tảo độc. Nên tiêu dùng các sản phẩm nuôi trồng tại các vùng mở. Và cuối cùng, để loại bớt độc tố, khi ăn nên bỏ ruột.

Thọ Sơn

Nguồn angi.com.vn

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *