Việt Nam cần nguồn năng lượng nào cho thế kỷ 21

QUẢNG CÁO

nang_luong_gio(Hóa học ngày nay-H2N2)-Năng lượng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao. Trên thế giới các nước đang phát triển có nhu cầu năng lượng lớn đến 75%, các nước phát triển cần 25% tổng nhu cầu năng lượng của thế giới.Còn Việt Nam thì sao?

Cơ cấu năng lượng tiêu dùng hiện nay bao gồm các loại sau: Dầu mỏ – 38%; than – 30%, khí thiên nhiên – 20%, hạt nhân – 5%, các loại khác – 7%.

Dầu khí

Dầu khí là nguồn khoáng sản rất quan trọng cung cấp phần lớn năng luợng cho đời sống con người. Trên thế giới hiện có 97 nước có trữ lượng và đang khai thác dầu khí. Hiện nay, các nhà địa chất đã phát hiện và tính được toàn thế giới có trữ lượng dầu thô là 1.277,7 tỷ thùng và khí là hơn 176 ngàn tỷ m3. Dầu khí phân bố ở các khu vực như sau: Trung Đông 729,340 tỷ thùng dầu và 2,5 triệu bcf khí; Bắc Mỹ 200,691 tỷ thùng dầu và 245.644 bcf khí; Mỹ la tinh 115,194 tỷ thùng dầu và 265.370 bcf khí; Châu Phi 100,783 tỷ thùng dầu và 476.509 bcf khí; Các nước SNG 77,832 tỷ thùng dầu và 1,952 triệu bcf khí; Châu Á – Thái Bình Dương 36,246 tỷ thùng dầu và 383.913 bcf khí; Châu Âu 17,613 tỷ thùng dầu và 194.047 bcf khí;

Trong 97 nước có trữ lượng dầu thì Saudi Arabia có trữ lượng dầu nhiều nhất là 259,4 tỷ thùng chiếm 20% trữ lượng dầu toàn thế giới. Tiếp sau là các nước Canada – 178,8 tỷ thùng; Iran – 125,8 tỷ thùng; Iraq – 115 tỷ thùng; Kuwait – 99 tỷ thùng v.v…

Các nước có trữ lượng khí lớn là Liên bang Nga – 1,680 triệu bcf; Iran – 940.000 bcf; Qatar – 910.000 bcf, Saudi Arabia – 234.500 bcf và Tiểu vương quốc Ả Rập Xêut (UAE ) – 212.100 bcf.

Với trữ lượng dầu khí đã biết và sản lượng khai thác hàng năm không biến động lớn thì đến năm 2053 thế giới sẽ cạn kiệt dầu khí. Tất nhiên đó chỉ là phép tính cơ học giản đơn, vì thực tế cho thấy thế giới đang vận động, cung và cầu dầu khí của nhân loại cũng biến động rất phức tạp. Trở lại lịch sử, vào những năm 1970, 1980 qua tính toán trữ lượng dầu khí và sản lượng khai thác đã biết thì từ năm 2007 – 2010 trên Trái đất sẽ không còn tài nguyên dầu khí để khai thác. Vào thời điểm đó một chiến dịch lớn tìm dầu đã được triển khai và đến năm 1990 các nhà địa chất đã tăng trữ lượng dầu lên 154% so với năm 1980. Tiếp đến những năm đầu thế kỷ 21 trữ lượng dầu khí được phát hiện thêm đã đảm bảo cung cầu cân đối cho 50 năm nữa.

Than

Sau dầu khí, than là loại khoáng sản năng lượng truyền thống: Vào thế kỷ thứ 19, than đã được khai thác sử dụng nhiều ở Tây Âu với sản lượng hàng năm tới hàng trăm triệu tấn, sang thế kỷ 20, nhiều nước ở Châu Á đã phát triển khai thác than đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện tại có hơn 60 nước khai thác than với sản lượng hàng năm đạt trên 5 tỷ tấn. Với trữ lượng hiện biết, trên thế giới có hàng chục ngàn tỷ tấn thì nguồn than năng lượng còn đảm bảo thoả mãn cho tiêu dùng của loài người hàng trăm năm nữa.

Năng lượng hạt nhân

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nhiều năm qua, người ta đã sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Hiện có 19 nước khai thác sản xuất Urani với tổng sản lượng khoảng trên dưới 40.000 tấn Urani. Trong đó Canada chiếm 29%, Úc – 22%, Kazakhstan – 5%, Nga – 8%, Niger – 8%, Namibia – 8%, Uzbekistan – 5%.

Đến trước năm 2009, các nước đã khai thác từ lòng đất được hơn 2 triệu tấn Urani. Trong tương lai, khả năng khai thác Urani sẽ tăng lên đáng kể và có thể đạt đến 86.900 tấn vào năm 2025 (tăng 120% so với năm 2004).

Mặc dầu trong những năm trước đây có những sự cố trong một số nhà máy điện nguyên tử, nhưng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sang thế kỷ 21 người ta dự đoán sự cố về hoạt động của lò phản ứng sẽ nhỏ hơn một phần triệu (có nghĩa là rất an toàn). Do vậy, việc sử dụng năng lượng hạt nhân là một yêu cầu cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của loài người ở thế kỷ này. Uỷ ban năng lượng nguyên tử quốc tế dự báo tỷ trọng của điện nguyên tử trong nguồn năng lượng chung của thế giới sẽ tăng lên trong tuơng lai đến năm 2020 đạt 7% (hiện tại là 5% ).

Hiện nay có 31 nước đã triển khai 440 lò phản ứng hạt nhân (đang xây dựng tiếp 27 lò) với công suất 369,19 GWe cần 67.320 tấn Urani. Đến năm 2015, với kịch bản tăng cao công suất lên 533 GWe cần 100.760 tấn Urani, còn với kịch bản tăng 449 GWe thì chỉ cần 82.275 tấn Urani.

Với những hiểu biết về trữ lượng của Urani hiện tại đủ đảm bảo phục vụ cho phát triển năng lượng hạt nhân trong nhiều năm nữa.

Ngoài các khoáng sản năng lượng dầu khí, than, urani thì vài chục năm trở lại đây người ta đã chú ý đến nguồn địa nhiệt và đã có hàng trăm nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất tới hàng nghìn Me bổ sung vào nguồn năng lượng chung. Các nguồn thuỷ điện, sinh khối, năng lượng mặt trời, gió…vẫn đang được sử dụng phục vụ cho nhu cầu tăng cao năng lượng của thế giới.

Việt Nam là nước có tiềm năng về các loại khoáng sản năng lượng và đang được huy động tích cực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay các nhà địa chất dầu khí đã phát hiện và xác định được tiềm năng dầu khí ở các bể trầm tích Đệ tam khoảng 4,3 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng là 1,2 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn. Tổng tài nguyên khoáng sản than của bể than Quảng Ninh đạt trên 10 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đạt hàng tỷ tấn. Than lignit ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng với tiềm năng khoảng 200 tỷ tấn là nguồn năng lượng lớn cho thế kỷ 21.

Về năng lượng hạt nhân, các nhà địa chất đã xác định được tài nguyên Urani đạt vài trăm ngàn tấn U­3O8 đảm bảo nguồn cung cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam năm 2015 – 2020.

Nguồn địa nhiệt ở Việt Nam rất phong phú. Chúng ta đã phát hiện được 287 nguồn nước nóng – nước khoáng, trong đó có 60 nguồn có nhiệt độ >500 cần được nghiên cứu sử dụng bổ sung cho nguồn năng lượng chung của đất nước.

Việt Nam có nhiều sông suối, nguồn thuỷ điện hiện nay đang chiếm tỷ trọng cao trong việc cung cấp điện năng cho đất nước.

Để đảm bảo năng lượng cho tiêu dùng trong những năm tới rõ ràng cần phải sử dụng nhiều nguồn năng lượng, do đó ngoài các nguồn năng lượng truyền thống cần phải chú ý nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng mặt trời, biển, gió, sinh khối…

Theo VFEJ

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *