Bổ sung canxi cho bà mẹ và trẻ em

QUẢNG CÁO

bo_sung_canxiHiện người ta chú ý nhiều đến việc bổ sung sắt, axit foric nhưng chưa chú ý đúng mức việc bổ sung canxi cho bà mẹ có thai cho con bú.

Vì sao bà mẹ có thai, cho con bú cần bổ sung canxi?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, lượng canxi hấp thu (lượng thực tế hấp thụ được qua thức ăn) mỗi ngày ở một người trưởng thành là 800 mg. Thống kê cho biết mức đạt được ở mỗi nước khác nhau (tuỳ chế độ ăn, giới, chủng tộc) nhưng thường thấp: Mỹ (nam: 1.179mg, nữ da trắng 640mg, nữ da đen 452 mg), Trung Quốc (thành phố lớn 600, thị xã 452, nông thôn 378), Việt Nam (khoảng 400mg). Như vậy, mức canxi hấp thu từ thức ăn chỉ đủ cho một số ít người, còn đa số vẫn chưa đủ mức cần thiết.

Lượng canxi hấp thu mỗi ngày cho thai nhi trung bình là 350mg (thời kỳ đầu 1 – 50mg, giữa 100 – 150mg, cuối 150 – 450mg); cho trẻ bú mẹ trung bình là 300 – 500mg. Tất cả lượng canxi đều do bà mẹ cung cấp. Do đó nhu cầu ở các bà mẹ này tăng, nếu không bổ sung thì lượng canxi hấp thu sẽ bị thiếu.

Những tác hại khi bà mẹ có thai, cho con bú bị thiếu canxi?

Thiếu nhưng vẫn phải cung cấp cho thai nhi, nên nồng độ canxi máu của thai phụ bị hạ thấp. Theo phản xạ tự nhiên, hormon tuyến cận giáp tiết ra nhiều, làm cho hợp chất canxi của xương phân giải, phóng thích vào máu để đáp ứng cho nhu cầu. Tuy nhiên, sự đáp ứng này chỉ “có giới hạn”. Thai nhi không thể tránh khỏi các ảnh hưởng xấu khi thiếu canxi: chậm phát triển, sinh ra có thể bị chứng hạ canxi huyết nặng (co rút, giật các cơ, thậm chí nín thở, ngừng hô hấp), bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè bẩm sinh, dị hình xương, lùn nhỏ (so với mức bình thường).

Trong thời kỳ cho con bú, nếu thiếu canxi, sữa mẹ kém chất lượng, trong 100ml sữa không có đủ 34ml canxi. Từ đó, trẻ sẽ bị thiếu, có thể bị chứng hạ canxi máu nhẹ (dễ bị giật mình, ngủ không yên, quấy) hay nặng (co giật). Những biểu hiện thiếu canxi ngày một rõ, xuất hiện vài ba ngày, vài tuần hay một tháng sau sinh.

Thiếu canxi còn trực tiếp gây hại cho bà mẹ. Khi có thai thường bị tê chân, bắp chuối cẳng chân co rút, mệt mỏi, mất ngủ, dễ sinh chứng cao huyết áp khi mang thai. Khi nuôi con bú cơ thể suy yếu, đổ mồ hôi trộm, dễ sinh ra đau lưng, đau vai, đau khớp. Những chứng bệnh này có thể hết sau thời kỳ này nhưng cũng có thể kéo dài. Sự thiếu canxi hấp thu trường diễn sau nhiều lần sinh là tiền đề gây loãng xương khi bước vào tuổi mãn kinh.

Làm thế nào để bổ sung canxi hiệu quả, an toàn?

Bổ sung canxi bằng thức ăn:

Khi thiếu không nghiêm trọng nên bổ sung canxi bằng thức ăn nhưng cần chú ý:

– Hợp chất canxi trong thức ăn phải hoà tan, chuyển thành ion mới hấp thu được. Thức ăn động vật thường có lactose, muối mật, một số amino – axit (như lysin, argynin, tryptophan, histidin…) thúc đẩy sự hoà tan hợp chất canxi. Thức ăn thực vật thường chứa các axit thực vật, oxalat, cenllulose, phosphat kiềm làm hạn chế hoà tan canxi, gây trở ngại cho việc hấp thu.

– Tỷ lệ canxi/ photpho trong thức ăn tốt nhất cho sự hấp thu canxi là 1/1 hay 1,27 – 136/1 (khối lượng canxi cao hơn photpho). Tỷ lệ này ở sữa bò là 1,41/1, đó là tỷ lệ tốt nhất. Thức ăn thực vật (gạo, đậu, rau) có hàm lượng canxi không kém nhưng tỷ lệ canxi/ photpho không tốt bằng thức ăn động vật. Hải sản (cá, tôm, cua) tốt hơn các loại thịt động vật trên cạn vì tỷ lệ canxi/ photpho tốt.

Nguồn canxi động vật (nhất là tôm, cá, ếch) tốt hơn nguồn canxi thực vật.

– Ăn nhiều chất béo thì axit béo kết hợp với canxi thành chất khó tan; ăn nhiều protein thì lượng axit uric tăng hình thành urat canxi bài tiết qua nước tiểu, làm mất canxi.

Để tạo thuận lợi cho việc hấp thu canxi nên ăn uống cân đối: năng lượng do chất béo chiếm 20 – 30% (mỗi ngày ăn 60 – 70g dầu mỡ, trong đó 2/3 là dầu), chất protein không quá 20% (mỗi ngày ăn 80 – 105g protein tinh = khoảng 144 – 150g thịt).

Rau rất cần để bổ sung dinh dưỡng (chứa vitamin, chất khoáng, vi lượng) làm dễ tiêu hoá (chứa cellulose) nhưng chỉ ăn rau đúng lượng (khoảng 350 – 400g rau). Những rau chứa nhiều chất oxalat (rau chân vịt), nhiều cellulose (măng tre nứa) không thuận lợi cho việc hấp thu canxi, có thể vẫn dùng, nhưng cần xen kẽ với các loại rau khác (nhiều canxi, ít các chất gây trở ngại hấp thu). Không ăn rau cùng lúc với việc uống thuốc canxi vì cellulose trong rau sẽ giữ hết canxi và thải vào phân.

Bổ sung bằng thuốc chứa canxi:

Nếu thiếu canxi nhiều thì nên bổ sung bằng thuốc. Nhu cầu canxi hấp thu của bà mẹ mỗi ngày trong đầu thai kỳ 800mg, giữa 1.000 mg cuối 1500 mg, trong năm đầu cho con bú 1.500 mg. Căn cứ vào lượng canxi hấp thu đã có từ thức ăn, thầy thuốc sẽ bổ sung phần thiết (khoảng 600 – 1.000mg canxi). Tốt nhất nên dùng biệt dược chứa canxi kết hợp với vitamin D3 (khoảng 200 – 400 IU). Không được bổ sung thừa canxi, vitamin D vì thừa cũng gây hại. Thừa canxi có thể gây tăng tiết dịch vị (viêm dạ dày), không lợi cho người vốn có bệnh tim mạch. Trong thời gian dùng canxi và vitamin D thì không dùng thêm một loại sản phẩm nào chứa các chất này vì dùng trùng lặp sẽ gây thừa canxi và vitamin D.

Thai phụ khoẻ mạnh dùng biệt dược chứa canxi nào cũng được. Nhưng có một số trường hợp phải cân nhắc: người bị đái tháo đường, không nên dùng biệt dược chứa canxi gluconat, người cần kiêng muối (ví dụ: bị cao huyết áp), không dùng biệt dược canxi có chứa nhiều natri (ví dụ mỗi viên Canxium Sandoz chứa tới 279 mg natri). Người cần dùng lâu dài, không dùng loại biệt dược có thể tạo axit lactic vì sẽ gây mỏi mệt.

DS Bùi Văn Uy

Nguồn Thuốc & Sức khoẻ
Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *