Ba Lan và Nga đã thương lượng với nhau về quy mô hợp đồng cung cấp khí đốt để đảm bảo nguồn cung khí đốt của Nga cho Ba Lan cho tới năm 2037. Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Aleksander Grad nói rằng thỏa thuận này nên bao gồm các điều kiện linh hoạt trong thời gian dài, phù hợp với bối cảnh phát triển đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng và các mỏ khí đá phiến trong nước.
Theo dữ liệu của cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) so sánh lượng khí phát thải từ khí đốt, than, và dầu lửa thì khí tự nhiên là nguồn nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. 96% điện năng của Ba lan được cung cấp từ các nhà máy chạy bằng than, và đất nước này đứng thứ 25 trong số các quốc gia thải ra nhiều khí CO2 nhất thế giới (theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng của Mỹ).Các mỏ đá phiến của Ba Lan đang do ExxonMobil, Chevron và một số công ty khác của Mỹ khai thác. Nếu như có thể thu được khí đá phiến, nó có thể bù đắp phần nào sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga – cụ thể là người khổng lồ Gazprom và giúp cho cả khu vực này phát thải ra lượng khí carbon thấp hơn.
Ở quy mô toàn cầu, khí đá phiến được coi là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi”xét về khía cạnh ảnh hưởng tiềm năng của nó đối với an ninh năng lượng và chính sách về khí hậu. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ước tính rằng lượng khí đá phiến có thể chiếm 7% trong tổng số nguồn cung khí đốt toàn cầu năm 2030.
Nhờ có đá phiến, Mỹ đã giảm dần sự phụ thuộc vào lượng khí đốt nhập khẩu trong suốt hơn hai thập kỷ qua và trở thành một nhà xuất khẩu khí đốt. Theo EIA, việc sản xuất khí đá phiến của Mỹ đã tăng gấp 8 lần trong 10 năm qua, và chiếm 20% các mỏ khí tự nhiên vẫn còn có thể khai thác tại Mỹ.
Bùng nổ khí tự nhiên đã mang lại các hứa hẹn về công ăn việc làm, các nguồn thu từ thuế, và các đặc quyền cho các quốc gia sở hữu các mỏ đá phiến. Ngày nay, hàng nghìn giếng khai thác đã được khoan tại 34 bang của nước Mỹ để phát triển các mỏ đá phiến, và các công ty đã mang lại cho người dân địa phương hàng nghìn USD tính trên mỗi mẫu Anh (khoảng 0.4 hecta) để thuê đất và các quyền khai khoáng.
Mỏ đá phiến Marcellus có kích thước 95.000 dặm vuông (24.600 hecta) và một số bang khác, từ New York cho tới Tây Virgina. Một nghiên cứu của Đại học Penn State cho rằng lượng khí đốt tại mỏ đá phiến Marcellus có thể trị giá tới 2 tỉ USD và có thể tạo ra hơn 180.000 việc làm.
Công nghệ hydrofracking có an toàn?
Nhờ có công nghệ khoan ngang và quá trình được gọi là hydrofracking, việc lấy khí đốt từ đá phiến trở nên hiệu quả hơn và kinh tế hơn nhiều so với trước kia. Hydrofracking lần đầu tiên được Halliburton sử dụng vào năm 1949. Quá trình này bao gồm việc bơm hàng triệu tấn nước sạch, trộn lẫn với cát và hóa chất vào trong lòng đất với áp suất rất lớn để tạo ra các vết nứt trong đá, nhằm giải phóng khí tự nhiên.
Range Resources là một trong số những công ty đầu tiên tự nguyện tiết lộ hợp chất hóa học trong quá trình hydrofracking, trong khi rất nhiều công ty trong ngành công nghiệp này coi đây là một bí mật kinh doanh.
Trong số các hóa chất thường dùng có benzene, toluene, ethylbenzene, và xylenes và các hóa chất độc khác. Hai trong số các công ty có công nghệ hydrofracking lớn nhất, là Halliburton và BJ Services, cũng đã thừa nhận sử dụng các chất lưu có gốc từ diesel trong các giải pháp hydrofracking, tức là đã vi phạm một bản ghi nhớ thỏa thuận giữa EPA và các công ty vào năm 2003.
Bang Wyoming yêu cầu các thành phần trong quá trình hydrofracking phải được công bố rộng rãi, và một số bang đã yêu cầu công bố thành phần hóa chất trước khi cấp phép khoan khai thác. EPA gần đây đã yêu cầu 9 công ty phải công bố các hóa chất được sử dụng trong quá trình hydrofracking như là một phần trong bản điều tra khai thác 2 năm.
Bản điều tra của EPA các năm tiếp theo đã rất lên án công nghệ hydrofracking và nhiều lần phàn nàn rằng hoạt động này đã làm nhiễm độc các tầng ngậm nước và các nguồn nước ngầm bằng các hóa chất và các hợp chất dầu lửa. Các chỉ trích và các vụ kiện đã diễn ra tại các bang Louisiana, Pennsylvania, và các bang khác giàu trữ lượng đá phiến liên quan tới việc làm mất giá đất đai, các bệnh hiểm nghèo, và trong một trường hợp là 17 vật nuôi đã chết vì uống phải nước có chứa các chất lưu sử dụng công nghệ hydrofracking.
Nhà làm phim tài liệu Josh Fox đã thăm rất nhiều khu vực để thực hiện bộ phim Gasland năm 2010, ông đã mô tả các chủ hộ dân ở một số nơi đã phải thắp lửa lên các vòi nước của mình do trong nước có nhiễm dầu. Với nguồn nước rõ ràng là đã không thể uống nổi, nhiều công ty đã phải cung cấp các thùng nước rất lớn để thay thế cho nguồn nước đã nhiễm độc. Nhiều người dân địa phương miễn cưỡng phải trả lời phỏng vấn trước camera của Fox vì họ đã ký các thỏa thuận giấu kín thông tin với các công ty khai thác.
Những lo ngại tương tự về tình trạng nhiễm độc trong các nguồn nước tại thành phố New York đã khiến người dân và các chính trị gia náo loạn, và hệ quả là một lệnh ngừng hoạt động khoan khai thác trên thực tế trong hai năm qua.
Tuy nhiên, bản thân lệnh cấm này cũng gây ra thiệt hại không nhỏ cho New York. Một nghiên cứu của Penn State cho thấy giữa năm 2011 và 2020, việc ngừng khoan sẽ gây thiệt hại cho New York trên 2 tỉ USD nguồn thu từ thuế và hơn 11 tỉ USD nguồn thu về mặt kinh tế khi tính toán thiệt hại trực tiếp, gián tiếp và các hoạt động kinh doanh mà các công ty đầu tư khí đốt mang lại cho bang này.Lệnh này đã được Thượng viện của New York thông qua vào tháng Tám, nhưng một luật tương tự sẽ phải được quốc hội thông qua nhằm đưa lệnh cấm trên trở thành luật. Ban này hy vọng nghiên cứu thêm về tình hình và học hỏi được kinh nghiệm từ Pennsylvania và Tây Virgina.
Hội đồng Bảo vệ Nước ngầm phi lợi nhuận đã thiết lập các cơ quan điều chỉnh của bang, cho biết không hề có mối liên hệ nào giữa quá trình hydrofracking và việc nhiễm độc của nước ngầm. Các công ty đã quả quyết rằng nước nhiễm độc là kết quả của quá trình sinh hoạt hoặc lỗi kỹ thuật, chứ không phải do quá trình hydrofracking, và sẽ không có chuyện đó xảy ra nếu như các tiến trình khoan và các nghị định thư được tuân thủ nghiêm chỉnh.
Tuy vậy, việc vi phạm các tiến trình trên vẫn thường xuyên xảy ra. Khoảng hai năm rưỡi qua, bang Pennsylvania đã thông báo 1.400 lỗi vi phạm cho các nhà khai thác đá phiến, trong đó phải đến 2/3 vụ việc đã hoặc có thể gây nên các thiệt hại về môi trường.
Khí đá phiến toàn cầu
Với việc khí đá phiến đang được khai thác trên hầu hết các châu lục, liệu cơ quan lập pháp của Mỹ có tính đến việc điều chỉnh cho ngành công nghiệp ở ngoài khơi?
Tháng 11/2009, Tổng thống Barack Obama đã đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để chia sẻ công nghệ khí đá phiến của Mỹ và thúc đẩy đầu tư khí đá phiến tại Trung Quốc. Tháng 4/2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thông báo các đề xuất để hợp tác với Mỹ Latinh để phát triển các mỏ khí đá phiến như là một phần của chương trình Đối tác Năng lượng và Khí hậu của châu Mỹ.
Chính quyền Mỹ đã khởi động Sáng kiến Khí Đá phiến Toàn cầu để “giúp các quốc gia tìm các cách thức để tận dụng các nguồn khí đốt tự nhiên không thông thường để nhận dạng và phát triển các nguồn tài nguyên này an toàn và kinh tế”. Thông qua chính sách “từ chính phủ tới chính phủ”, các chương trình đào tạo, và các sự kiện trong khu vực công và tư nhân, Mỹ đang tìm cách chia sẻ các kinh nghiệm kỹ thuật cũng như các bài học rút ra từ việc điều chỉnh và bảo vệ môi trường. Bên cạnh quan hệ với Trung Quốc, các quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ, Ba Lan cũng đã được tạo dựng.
Tuy nhiên, liệu các kinh nghiệm về khí đá phiến của Mỹ có thể trở thành một mô hình tốt nhất cho môi trường tại các quốc gia khác hay không thì vẫn còn đang tranh cãi. Giáo sư Terry Engelder thuộc Đại học Pennsylvania trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, cho biết trong tháng 6/2010m các tiêu chuẩn công nghiệp cấp quốc tế rất khó để thực thi bởi vì công nghệ hydrofracking sẽ thay đổi tùy thuộc vào các khác biệt về địa hình và các điều kiện của mỗi địa phương quanh các mỏ đá phiến.
Ông cũng cho biết thêm, việc phát triển các kinh nghiệm thực tiễn có thể đòi hỏi các lãnh đạo công nghiệp phải “thử nghiệm” và chính sách không khoan nhượng đối với thiệt hại về mặt môi trường sẽ khó có thể đạt được.
Nếu các vấn đề môi trường và sức khỏe được coi là những hệ lụy không thể tránh khói của việc khoan khai thác khí đá phiến, các chính quyền tự trị có thể sẽ có những khoảng thời gian khó khăn trong việc theo đuổi nguồn tài nguyên này. Trong lúc tiềm lực của đá phiến đang được thổi phồng lên thì các dấu hiệu cản trở sự phát triển của khí đá phiến lại đang có xu hướng trỗi dậy. Hàng trăm người dân ở Nam Phi đã phản đối khai thác mỏ đá phiến ở Karoo, vì lo ngại ô nhiễm tới nguồn nước.
Liệu các công ty và các chính quyền có biết cách tránh các sai lầm trong quá khứ và tận dụng được khí đá phiến mà không tạo ra các tổn thất đi kèm? Liệu nỗi sợ hãi của công chúng có bị thổi bùng lên và làm trì hoãn các nỗ lực khai thác và phát triển?
Ở quy mô toàn cầu, các câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, chẳng hạn như liệu khí đá phiến có thể biến các tiềm năng của nó trở thành một điều kỳ diệu, hay là nó sẽ trở thành một lời nguyền tài nguyên khác?
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: Vietnamnet