“Chủ trương được Nhà nước thống nhất cách đây 3 năm, nhưng đến lúc này chúng tôi vẫn ở vạch xuất phát trong Dự án mở rộng và nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang nói và đề nghị: Phải nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất gấp!
Theo ông Nguyễn Hoài Giang, nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ đang cạn kiệt cả về khối lượng và chất lượng, trong thời gian ngắn sẽ không đảm bảo vận hành nhà máy theo thiết kế như hiện tại. “Nhà máy lọc dầu (NMLD) không phải là ốc đảo, NMLD Dung Quất không mãi cứ là NMLD số 1. Trong 5 năm tới, sẽ có thêm vài NMLD nữa được hình thành và đi vào sản xuất. Dung Quất buộc phải cạnh tranh với các NMLD khác. Để gia tăng tính cạnh tranh của NMLD phải tăng hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa nên tăng công suất và mở rộng là bắt buộc để phát triển hóa dầu, dùng các nguồn dầu thô khác để giá trị đầu vào thấp hơn dầu từ mỏ Bạch Hổ (các nguồn dầu thô khác rẻ hơn dầu Bạch Hổ từ 15% – 30%)” – ông Giang khẳng định.
Nguy cơ dừng nhà máy
Theo tính toán của BSR, tổng chi phí giá trị đầu vào của NMLD Dung Quất chiếm hơn 92% tổng các loại chi phí đầu vào của nhà máy. Có nghĩa chỉ cần giảm 1% chi phí đầu vào dầu thô (khi pha trộn với dầu nước ngoài sẽ thực hiện được) sẽ tương đương với hơn 10% các dịch vụ còn lại. Vì vậy, BSR đang tìm kiếm các nguồn dầu thô đi kèm, tăng tỷ lệ pha trộn các nguồn dầu thô nước ngoài vào các nguồn dầu thô Bạch Hổ, bổ sung gấp phân xưởng thu hồi lưu huỳnh để cứu vãn NMLD Dung Quất trong 5 – 7 năm tới khi chưa thực hiện xong nâng cấp, mở rộng.
Cho rằng vấn đề cổ phần hóa nhà máy và tìm nguồn vốn 1 – 2 tỷ USD nâng cấp nhà máy trong thời điểm hiện nay là quá khó, ông Nguyễn Hoài Giang kiến nghị: “Chúng ta đừng đặt ra quá nhiều rào cản cho việc cổ phần hóa nhà máy. Tại sao phải chấp nhận bán cổ phần 49%? Tôi cho rằng có thể bán 100% cũng chẳng có vấn đề gì. Nhà máy đặt trên đất nước chúng ta, đừng đặt nặng vấn đề nắm cổ phần chi phối để giành quyền kiểm soát”.
“Trong vòng 2-3 năm nữa, nếu không nâng cấp, mở rộng thì NMLD Dung Quất sẽ không hoạt động được nữa hoặc giảm công suất rất nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và chất lượng thiết bị của nhà máy” – ông Nguyễn Hoài Giang khẳng định.
PVN tự đầu tư?
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Vận chuyển và chế biến dầu khí (Bộ Công thương) cho rằng việc nâng cấp NMLD Dung Quất là cực kỳ cấp bách. Ban chỉ đạo Nhà nước và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công thương đã nhiều lần đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhưng đang vướng do qua nhiều lần kêu gọi đầu tư mà cứ mỗi lần nhà đầu tư đến thì lại đề xuất nguồn dầu khác, công nghệ khác, cứ quay vòng như vậy. Nhà đầu tư này vào lại đi ra, lại mời nhà đầu tư khác, cứ làm đi làm lại từ đầu nên dự án nâng cấp kéo dài quá lâu.
Ông Sơn đề nghị PVN có phương án cuối cùng chọn được nguồn dầu ổn định, đối tác cố định để triển khai. Nếu không tìm được đối tác nước ngoài thì mạnh dạn đề xuất tự đầu tư, tự tìm nguồn dầu. Về phần cổ phần hóa, ông Sơn cho biết theo Nghị quyết của Quốc hội là cổ phần hóa 49%, nhưng BSR và PVN cứ mạnh dạn đề xuất cao hơn, nếu bán được. Tuy nhiên, nếu không nâng cấp nhà máy nhà đầu tư chưa chắc dám mua.
“Về an ninh năng lượng quốc gia, bây giờ đang vận hành bình thường, nếu xảy ra đột biến thì vai trò vốn nhà nước trong nhà máy rất quan trọng trong công tác điều hành. Nếu giao 100% cho nước ngoài thì sẽ không điều hành được” – ông Sơn trăn trở.
Trong khi đó, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu thì lại cho rằng cá nhân ông chưa thấy bức xúc như ý kiến đại diện của NMLD Dung Quất. “Nếu chúng ta vận hành như hiện tại, chả có lý gì chúng ta phải bán. 6 tháng đầu năm Dung Quất lãi 1.500 tỷ đồng. Nguồn cung cấp dầu của chúng ta vẫn đảm bảo. Hiện 80% – 90% cung cấp từ trong nước, 10% – 15% cung cấp từ nguồn dầu nước ngoài. Chúng ta sẽ tăng dần lượng dầu thô từ nước ngoài để làm gia tăng tính an toàn nguồn cung và gia tăng hiệu quả hoạt động của nhà máy”- ông Hậu cho biết.
Tuy nhiên, ông Hậu cũng thừa nhận một thực tế là phải nâng cấp nhà máy vì thiếu nguồn cung cấp dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Muốn vậy phải có tiền nên phải mời nhà đầu tư nước ngoài vào và chấp nhận bán một phần tài sản của NMLD Dung Quất. Theo ông Hậu, nếu có bán cũng không bán 100% cổ phần NMLD Dung Quất vì đây là một trong những sản phẩm, công trình trọng điểm quốc gia bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng. “Phải giữ lại phần bảo đảm tính quyết định trong trường hợp cần thiết. Không bàn chuyện bán cả hay mua cả nhà máy, vì chẳng có ai đặt mua hết nhà máy cả” – ông Hậu cho biết.
Ông Đỗ Văn Hậu cũng thừa nhận đối với việc bán cổ phần của NMLD Dung Quất nhiều nhà đầu tư đến lại đi nên làm chậm quá trình nâng cấp. Vì vậy, để nhanh chóng nâng cấp, mở rộng, PVN đang tính đến các phương án: ưu tiên PVN tự đầu tư và hiện đã giao cho BSR xây dựng phương án nhưng chỉ nâng công suất lên khoảng 10% – 20% chứ không thể lên 10 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng vụ Vận chuyển và chế biến dầu khí (Bộ Công thương) cho biết trong 5 nhà máy lọc dầu được quy hoạch phát triển của nước ta đến năm 2015 thì có đến 4 nhà máy chậm tiến độ và không khả thi, chỉ NMLD Dung Quất là đúng tiến độ. Còn lại, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Rô (Phú Yên), Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Vân Phong (Khánh Hòa) đều chậm. Nguyên nhân là do quy hoạch xây dựng thời điểm kinh tế Việt Nam phát triển thuận lợi, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu có xu hướng cao. Tuy nhiên, đến năm 2015 quy hoạch nhiều dự án lọc hóa dầu hơn dự kiến lại gặp thời điểm kinh tế khủng hoảng nên gặp khó trong triển khai đầu tư. Hai NMLD Dung Quất và Nghi Sơn là các dự án chiến lược của Việt Nam, có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước, cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên đối với các dự án NMLD khác không nhất thiết phải đầu tư bằng mọi giá vì Chính phủ sẽ không có cơ chế đặc thù (như bảo lãnh Chính phủ) với khung ưu đãi hiện nay (được hưởng theo cơ chế của các dự án trước). |
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: SGGP Online