Chất khử trùng: Muốn hiệu quả, chớ xem thường

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Đề phòng từ xa các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng bằng các chất khử trùng sẽ hiệu quả nếu đúng cách. Không phải ai cũng rõ về đặc tính và cách dùng một số chất khử trùng để “dọn sạch” bề mặt.  

Kết quả hình ảnh cho chất khử trùng

Không nên quá… thần tốc

Dù đánh nhanh diệt gọn thần tốc thế nào thì mọi chất khử trùng đều cần thời gian triển khai tối thiểu (vd: 3 phút/ cồn, 10-60 phút hay hơn/Chloramine B, javel tùy nồng độ pha và độ bẩn của đối tượng). Lỗi “dục tốc bất đạt” điển hình của nhiều người là rửa tay với xà phòng kiểu xoa xoa vài giây rồi rửa sạch ngay. Tương tự việc khử trùng sàn nhà với Chloramine B, javel vừa xong lượt chưa đợi thuốc ra tay đã lau lại ngay bằng nước.  

Lượng hóa chất gốc cần pha thành dung dịch có nồng độ mong muốn được tính theo công thức: lượng (gam) hóa chất gốc = (nồng độ % hóa chất cần pha x số lít x 1.000) / nồng độ % hóa chất gốc).

Ví dụ: Để pha 1 lít dung dịch Chloramine B 0,5% từ bột Chloramine B 25% cần: (0,5 x 1/25) x 1.000 = 20 gam bột Chloramine B 25%.

Dễ hiểu là cần pha 20 gam bột Chloramine B 25% vào 1 lít nước để có dung dịch Chloramine B 0,5% cùng thể tích.

Bụi bẩn của nơi ẩn náu có thể tạo màng chắn cơ học ngăn chất khử tiếp cận đối tượng. Chẳng hạn sàn nhà dơ có thể giúp virus tay chân miệng “chém vè” tránh thoát thanh trừng. Do vậy, trước khi khử trùng cần “phát quang” bề mặt trước bằng nước và xà phòng giúp thuốc khử phát huy tối đa.

Chất khử sau nhiều lần nhúng lau hoặc phải thao tác với bề mặt quá bẩn sẽ nhanh chóng biến chất. Lỗi là nhiều người chỉ dùng một thau thuốc khử cho cả diện tích sàn mênh mông từ tầng trên xuống tầng dưới (thậm chí để dành mai dùng lại hay tận dụng nước khử ngâm đồ chơi trẻ để lau nhà). Có thể căn cứ dấu hiệu đổi màu của thuốc để thay mới. Tương tự, tránh dùng lại nước khử đã qua lượt ngâm vật dụng, đồ chơi.

Sự hình thành các sản phẩm trung gian của đợt khử trước có thể cản trở đợt khử sau. Do vậy, nên chen một lượt rửa bằng nước giữa hai lần khử. Việc rửa lại bằng nước sau khử trùng còn giúp giải độc hoạt chất (nếu có) tránh nguy hiểm cho người tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là trẻ con.

Pha thuốc và bảo quản

Pha thuốc là một vấn đề gây lúng túng, nhầm lẫn phổ biến. Việc sử dụng nhiều nồng độ khác nhau với cùng chất khử nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh và tránh quá liều gây độc cho vật chủ. Đơn cử từ bột Chloramine B 25% (chlor hoạt tính) gốc có thể được pha với nhiều nồng độ 0,05%, 0,1%, 0,2%, 0,5%, 1,25%, 2,5%, 5% tùy nhiều yếu tố như độ “bẩn” của bề mặt (khử trùng bồn cầu cần mạnh tay hơn sàn nhà), có ca bệnh hay chưa, dùng hằng ngày hay định kỳ…

Sự “nhiêu khê” trong việc pha thuốc dễ gây lúng túng, bất an cho người dùng. Tựu trung xài thuốc khử có nồng độ dưới “đô” mới lo, còn dư một chút chủ yếu gây phiền ở khoản dư lượng độc hại.

Đừng quên vấn đề bảo quản. Các chất khử trùng gốc chlor nhanh biến chất nên yêu cầu bảo quản khá cao: vật đựng kín, sẫm màu, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng trực tiếp. Tốt nhất pha xong dùng ngay trong ngày, hạn chế pha sẵn tích trữ. Nhiều gia đình lo xa pha sẵn hàng chục lít Chloramine B đựng can nhựa đặt ngoài hiên phơi nắng mưa, khi dùng không biết rằng chúng chẳng còn bao nhiêu “công lực”.

Đừng bỏ qua độ độc của chất khử trùng. Người dùng nên mang bao tay lúc pha hay thao tác tránh kích ứng da, cẩn thận thuốc khử văng vào mắt. Lỡ bị văng vào mắt, cần rửa mắt nhiều lần với nước sạch và khám bác sĩ nếu cần. Phòng bị tương tự với đối tượng tiếp xúc, nhất là trẻ em. Việc rửa lại bằng nước sạch sau khử khuẩn sàn, tường, đồ chơi nhằm mục đích chống “phơi nhiễm” này.

Sau cùng, muôn thuở vẫn là nhắc nhở “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”. Cái khó là nhiều loại chất khử trùng hiện nay không có mảnh giấy hướng dẫn… lận lưng nên chủ yếu “thượng đế” tự lo. Cần xem chất khử trùng ngang hàng với thuốc men với đầy đủ chỉ định, liều lượng và cả tác dụng phụ.

BS ĐỖ MINH TUẤN

<

p style=”text-align: justify;”>Nguồn Tuổi trẻ

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *