Dùng điện thoại di động xác định nước nhiễm thủy ngân

QUẢNG CÁO

Theo một nghiên cứu mới công bố năm 2013 của Liên hợp quốc, thủy ngân là mối đe dọa ngày càng lớn đối với hàng triệu người trên thế giới và môi trường của họ, nhất là ở các nước đang phát triển.

Đặc biệt, hoạt động khai thác vàng và đốt than để sản xuất điện ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới đang góp phần gia tăng lượng phát thải kim loại nặng độc hại này vào môi trường.

Ở các đại dương, nồng độ thủy ngân trong phạm vi vài trăm mét đầu tiên dưới mặt nước biển đã tăng gấp đôi trong thế kỷ qua. Nồng độ thủy ngân ở các vùng nước biển sâu cũng đã tăng 25%. đối với con người, các loại thủy hải sản từ biển, sông ngòi và ao hồ nhiễm thủy ngân đang trở thành rủi ro sức khỏe ngày càng lớn. Vào thập niên 1950, một trong những sự cố ô nhiễm công nghiệp và nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở thành phố Minamata, Nhật Bản. Tại đây, một công ty hóa dầu và chất dẻo đã thải khoảng 27 tấn các hợp chất metyl-thủy ngân xuống vịnh biển trong suốt thời gian 37 năm, dẫn đến hậu quả là hàng triệu người dân bị mắc các chứng bệnh thần kinh và hơn 900 người đã chết vì những căn bệnh đó.

Vừa qua, các nhà hóa học tại Đại học Tổng hợp Burgos, Tây Ban Nha, đã phát triển một loại màng có khả năng thay đổi màu khi có mặt thủy ngân trong nước. Màng mỏng này sẽ được đặt 5 phút trong nước, khi nó chuyển sang màu đỏ thì có nghĩa là trong nước có thủy ngân. Kết quả này có thể được nhìn thấy bằng mắt thường và bằng cách đó bất cứ ai cũng có thể xác định xem nguồn nước có bị nhiễm thủy ngân trên mức giới hạn đã định trước hay không.

Tuy nhiên, nếu sử dụng điện thoại di động để chụp hình ảnh của màng đó thì có thể xác định phạm vi nồng độ cụ thể của thủy ngân. Để làm việc việc này, các nhà khoa học cài đặt một chương trình phần mềm xử lý hình ảnh (chương trình „GIMP“ nguồn mở thông thường) vào điện thoại di động. Phần mềm này sẽ so sánh màu của màng mỏng nói trên với các giá trị tham chiếu để xác định lượng thủy ngân.

Màng mỏng nói trên có chứa rhodamin, một hợp chất hữu cơ phát huỳnh quang và có tác dụng như chất cảm biến thủy ngân. Rhodamin không tan trong nước, nhưng các nhà khoa học đã cố định nó vào một kết cấu polyme kỵ nước theo cách sao cho khi đặt vào nước thì nó sẽ nở ra, khiến cho các phân tử cảm biến bắt buộc phải tiếp xúc và tương tác với thủy ngân trong nước.

Thành phần chính xác của màng cảm biến có thể được điều chỉnh đến các thông số mong muốn. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu đã hiệu chỉnh màng mỏng này sao cho nó thay đổi màu khi nồng độ Hg(II) vượt quá 2 ppb – giá trị giới hạn theo quy định của Cục bảo vệ môi trường Mỹ.

Thiết bị nói trên có thể được sử dụng để xác định nhanh thủy ngân trong các trường hợp rò gỉ, chảy tràn hóa chất và xác định sự có mặt của thủy ngân trong các loại thủy hải sản.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: Chemie.de

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *