Vũ khí hóa học trong chiến tranh là khí mù tạt có khả năng phá hủy tế bào bạch cầu bình thường, cũng có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Phương pháp hóa trị hiện đại có nguồn gốc từ các chiến trường: Trong Thế chiến thứ nhất, khí mù tạt ( mustard) được sử dụng như vũ khí hoá học và có khả năng phá hủy các tế bào bạch cầu bình thường. Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm và chứng minh khí mù tạt cũng có thể tiêu diệt tế bào ung thư bạch cầu. Một hợp chất cấu trúc tương tự là nitrogen mustards được nghiên cứu thêm trong chiến tranh thế giới thứ hai tại Đại học Yale University. Chúng tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh như tế bào bạch cầu, do đó, có tác dụng tương tự trên tế bào ung thư. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó, phương pháp này không mang lại hiệu quả nhiều, thậm chí gây ngộ độc cho bệnh nhân và còn đe dọa tới tính mạng của họ.
Chỉ một thời gian ngắn sau Thế chiến thứ 2, cuộc tiếp cận khoa học thứ hai với bệnh ung thư bắt đầu. Tiến sĩ Sidney Farber – người được mệnh danh là cha đẻ của phương pháp hóa trị được ứng dụng chủ yếu trong điều trị ung thư ngày nay, là người đứng đầu nghiên cứu này tại Đại học Harvard, Mỹ. Khi đó, Farber tập trung nghiên cứu vào tác động của axid folic đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu – leukemia. Và đây mới là hướng đi đúng đắn. Chất kháng axid folic – antifolate có thể kiềm chế sự nhân lên và phát triển của các tế bào ác tính, đồng thời tạo điều kiện để tái cấu trúc lại chức năng của tủy sống. Tại phòng thí nghiệm Lederle, cùng với các đồng nghiệp, tiến sĩ Farber tìm ra cách trị liệu ung thư đầu tiên vào năm 1948. Phương pháp hóa trị của ông giúp đẩy lùi quan niệm ung thư tủy sống là bệnh không thể chữa khỏi. Không dừng ở đó, Farber cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu và tìm ra nhiều hóa chất khác như methotrexate, 6-mercatopurine… cũng có tác dụng chống lại ung thư tương tự. Nghiên cứu này của Farber mở đường cho hai nhà khoa học sau này là James Holland và Emil Freireich hoàn thiện liệu pháp hóa trị với sự góp mặt của nhiều loại hóa chất kết hợp hay còn gọi là liệu pháp hóa trị kết hợp. Ảnh: Cancer Treatment Centers.
Khủng long cũng bị ung thư: Mặc dù những mô tả đầu tiên về ung thư xuất hiện vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên ở Ai Cập cổ đại nhưng trên thực tế, căn bệnh quái ác này đã tồn tại từ hàng chục triệu năm trước. Nhà khoa học Bruce Rothschild cùng các cộng sự tại Đại học Northeastern Ohio ở Rootstown đã du lịch tới vùng Bắc Mỹ và sử dụng chiếc máy chụp X quang để khảo sát 10.000 con khủng long từ hơn 700 mẫu vật tại bảo tàng. Họ nghiên cứu cả những con khủng long nổi tiếng như Stegosaurus, Triceratops và Tyrannosaurus (khủng long bạo chúa). Họ phát hiện thấy nhóm khủng long mỏ vịt – hadrosaur có bệnh ung thư. 29 khối u đã được tìm thấy trong xương của 97 con hadrosaur từ Kỷ bạch phấn, khoảng 70 triệu năm trước.
Các nhà khoa học từng nghĩ ung thư là bệnh truyền nhiễm: Hai bác sĩ người Hà Lan – Zacutus Lusitani (1575 – 1642) và Nicholas Tulp (1593 – 1674) đã kết luận gần như cùng lúc rằng ung thư có khả năng lây nhiễm, dựa trên kinh nghiệm của họ với ung thư vú gặp ở những thành viên trong một gia đình. Lusitani và Tulp công bố thuyết lây nhiễm lần lượt vào năm 1649 và 1652. Họ đề xuất những bệnh nhân ung thư nên được cách ly, tốt nhất là bên ngoài các thành phố và thị xã, để ngăn ngừa sự lan rộng. Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà nghiên cứu dần chứng minh ung thư ở người không phải là bệnh truyền nhiễm, mặc dù việc nhiễm trùng mãn tính với một số loại virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Phương pháp phẫu thuật ung thư xuất hiện vào thế kỷ 18: Phương pháp phẫu thuật lúc đầu được thực hiện mà không cần gây mê và có thể bị biến dạng nghiêm trọng. Ngày nay, bệnh nhân mắc nhiều bệnh ung thư phổ biến có thể được điều trị bằng phẫu thuật nội soi xâm lấn, các khối u được cắt bỏ thông qua những vết mổ nhỏ.
80% bệnh ung thư ở các nước thu nhập thấp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn: Điều này khiến việc chữa trị khó khăn hơn rất nhiều và khả năng kéo dài sự sống là rất khó. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong thời đại 4.0, dù việc chẩn đoán và điều trị ung thư dễ dàng hơn nhưng việc tiếp cận và phổ biến thông tin cũng như nâng cao y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở những nước thu nhập thấp vẫn là một thách thức toàn cầu.
Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư: Theo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu về ung thư của Anh, béo phì và thừa cân đã vượt qua hút thuốc lá, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều căn bệnh ung thư như: ruột, thận, buồng trứng, gan, đại trực tràng… Nghiên cứu chỉ ra gần 23.000 trường hợp mắc ung thư mỗi năm liên quan đến béo phì và thừa cân và tổng cộng 13 căn bệnh ung thư khác nhau có liên quan đến béo phì. Trong đó, ung thư ruột là nhiều nhất với khoảng 4.800 trường hợp mắc mới mỗi năm. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa béo phì và ung thư này chỉ đúng ở người lớn.
Hệ thống miễn dịch hỗ trợ con người chống lại ung thư: Hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng nhờ các phản ứng tới những tế bào bị hư tổn hay nhiễm trùng, còn được gọi là phản ứng miễn dịch. Vì vậy, việc chủ động tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên sẽ giúp con người sống khỏe mạnh. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn nghiên cứu phương pháp chữa trị bằng cách thiết lập lại trạng thái cân bằng chính xác giữa ung thư và hệ miễn dịch, cũng như liệu phái miễn dịch (hay liệu pháp sinh học) giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư.
Số người mắc ung thư sống sót ngày càng tăng: 7 trong số 10 trẻ em đang được chữa khỏi bệnh ung thư. Ung thư ở trẻ em đáp ứng tốt với hóa trị vì chúng thường là các tế bào u phát triển nhanh và hầu hết dạng hóa trị đều ảnh hưởng đến các tế bào phát triển nhanh. Cơ thể của trẻ em cũng có khả năng phục hồi tốt hơn sau khi điều trị với liều cao hơn cơ thể người lớn. Hai trong số ba người hiện sống thêm ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc ung thư. Chỉ trong một thập kỷ qua, tỷ lệ đáp ứng với các phương pháp điều trị trên tất cả bệnh ung thư đã tăng gần gấp đôi.
Tiến sĩ Claudia Allemani, trường Vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết việc theo dõi liên tục xu hướng về sự sống sót khi bị ung thư của một người rất quan trọng. Điều này giúp đánh giá hiệu quả của các hệ thống y tế thế giới và lập kế hoạch chiến lược tốt hơn để kiểm soát ung thư.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: VnExpress.net