(Hóa học ngày nay-H2N2) Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học bang Ohio – Mỹ, vừa tìm ra một phương pháp mới để tăng gấp đôi năng suất của việc sản suất nhiên liệu sinh học butanol, loại nhiên liệu này trong tương lai có thể sẽ được thay thế xăng dầu dùng cho các phương tiện giao thông. Phương pháp mới đã cải tiến việc sản xuất butanol bằng phương pháp truyền thống là dùng những bình ủ có chứa vi khuẩn lên men.
Giáo sư Sinh hóa học Shang-Tian Yang cho biết, thông thường trong 1 lít nước vi khuẩn chỉ có thể sản sinh ra 15gram chất lên men trước khi chất lên men này trở lên quá độc hại đối với sự sống sót của vi khuẩn.
Ông đã cùng đồng nghiệp tạo ra một loại vi khuẩn hình que đột biến có tên khoa học là Beijerinckii trong một bình phản ứng sinh học có chứa các chùm sợi vải polyester (vải nhân tạo dùng để may quần áo). Trong môi trường này, lượng butanol mà vi khuẩn đột biến Beijerinckii sản sinh ra trong một lít nước có thể lên tới 30 gram.
Hiện nay, butanol chủ yếu được dùng như một chất dung môi hoặc dùng trong ngành công nghiệp để sản xuất các hóa chất khác. Tuy nhiên các nhà khoa học tin tưởng rằng, trong tương lai loại rượu butanol này rất có thể sẽ là một loại nhiên liệu sinh học. Khi đó butanol có thể thay thế xăng, dầu làm nhiên liệu cho các loại ô tô. Hơn nữa, so với các loại nhiên liệu thay thế khác thì butanol tạo ra nhiều năng lượng hơn.
Ông Yang cho biết, phát minh về việc lên men trong ống nghiệm có sợi sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí sản xuất: “Hiện nay, việc tái chế và tinh lọc butanol chiếm 40% tổng chi phí sản xuất, khi chúng tôi có thể sản xuất butanol với năng suất cao hơn thì chúng tôi tin tưởng sẽ giảm được những khoản chi phí này và như vậy việc sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ có hiệu quả kinh tế hơn”.
Hiện tại, giá của butanol là xấp xỉ 3 USD một gallon, cao hơn giá của xăng dầu một chút.
Theo KH&PT