Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

QUẢNG CÁO

Ngày 30/05/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Dưới đây là tóm tắt nội dung của bản phê duyệt:

1. Quan điểm

quang_sata) Quặng sắt Việt Nam phải được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh trật tự xã hội tại các địa bàn có quặng sắt.

b) Quy hoạch thăm dò và khai thác quặng sắt là cơ sở để lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có quặng sắt.

c) Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt với công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản.

d) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên.

2. Mục tiêu

a) Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu quặng sắt cho các cơ sở luyện kim trong nước, dành một phần xuất khẩu để đối lưu đổi lấy than cốc, than mỡ cho nhu cầu luyện kim.

b) Công tác thăm dò địa chất tập trung vào các điểm quặng manhetit có triển vọng và tiến hành kết hợp với việc thực hiện những nhiệm vụ địa chất khác.

c) Chuẩn bị đầy đủ cơ sở tài liệu về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác của các mỏ sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020.

d) Xác định các vùng thăm dò, khai thác, thể hiện các vùng cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản để đảm bảo cho các hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

3. Nội dung Quy hoạch

a) Nhu cầu quặng sắt: đáp ứng nhu cầu quặng sắt cho các cơ sở luyện gang, công nghiệp xi măng, xuất khẩu một phần ở các mỏ không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở luyện kim và để đổi đối lưu nhập khẩu than cốc và than mỡ (dự kiến năm 2006 là 1,5 triệu tấn; năm 2010 là 9 triệu tấn; năm 2015 là 15 triệu tấn và năm 2020 là 16 triệu tấn).

b) Quy hoạch thăm dò: từ nay đến năm 2020 tiến hành quy hoạch thăm dò 14 mỏ và vùng mỏ, trong đó: thăm dò bổ sung 2 mỏ, giao địa phương quản lý 3 mỏ. Kết quả của công tác thăm dò phải đảm bảo chuẩn bị đủ trữ lượng để khai thác ổn định cho các vùng mỏ tại địa bàn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang; chuẩn bị tài nguyên để sau năm 2015 quy hoạch khai thác và chế biến các khu mỏ mới: Trấn Yên (Yên Bái), Tòng Bá (Hà Giang), Thanh Sơn (Phú Thọ), Mộ Đức (Quảng Ngãi).

c) Quy hoạch khai thác, chế biến:

– Quy hoạch khai thác:

+ Từ nay đến năm 2020 sẽ khai thác 26 mỏ thuộc địa bàn 9 tỉnh để đáp ứng đủ nhu cầu về quặng sắt cho các hộ tiêu thụ; trong đó: Lào Cai 6 mỏ; Yên Bái 4 mỏ; Hà Giang 2 mỏ; Tuyên Quang 2 mỏ; Cao Bằng 3 mỏ; Bắc Kạn 4 mỏ; Thái Nguyên 2 mỏ; Thanh Hoá 2 mỏ và Hà Tĩnh 1 mỏ. Công suất khai thác năm 2010 là 9 triệu tấn/năm; giai đoạn 2011 – 2015 là 14 – 15 triệu tấn/năm; giai đoạn 2016 – 2020 là 15 – 16 triệu tấn/năm.

+ Sản lượng trên có thể điều chỉnh tùy theo thực tế phát triển ngành luyện kim Việt Nam và yêu cầu cụ thể của các dự án đầu tư nước ngoài về luyện kim tại Việt Nam.

– Quy hoạch chế biến: phần lớn quặng sắt của các mỏ đều có chất lượng thấp, cần phải chế biến, làm giàu trước khi tiêu thụ. Đầu tư đồng bộ giữa khâu khai thác và tuyển khoáng để làm giàu quặng đảm bảo yêu cầu cho khâu luyện kim.

– Sản lượng khai thác, chế biến quặng sắt trên từng địa phương như sau:

+ Giai đoạn đến 2010:

(1) Tại tỉnh Lào Cai: khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa và các mỏ khác với tổng công suất 3,5 – 4,5 triệu tấn/năm để cung cấp cho Nhà máy sản xuất gang tại Lào Cai có công suất 500.000 tấn/năm, cho Công ty Gang thép Thái Nguyên và cho xuất khẩu đổi than mỡ, than cốc và nguyên liệu khác.

(2) Tại Cao Bằng: khai thác và chế biến quặng sắt các mỏ trên địa bàn của tỉnh với tổng công suất 350.000 – 450.000 tấn/năm để cung cấp cho 02 lò cao xây dựng tại Cao Bằng với công suất 30.000 tấn gang/năm và cung cấp cho Công ty Gang thép Thái Nguyên.

(3) Tại Bắc Kạn: khai thác và chế biến quặng sắt các mỏ trên địa bàn của tỉnh với tổng công suất 200.000 – 350.000 tấn/năm để cung cấp cho 02 lò cao (25 m3) đang xây dựng tại Bắc Kạn và cung cấp cho Công ty Gang thép Thái Nguyên.

(4) Tại Thái Nguyên: khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Trại Cau, mỏ Tiến Bộ và các mỏ khác trên địa bàn của tỉnh với tổng công suất 400.000 – 500.000 tấn/năm để cung cấp cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II và III của Công ty Gang thép Thái Nguyên với tổng công suất 750.000 tấn gang lỏng/năm.

(5) Tại Hà Tĩnh: chuẩn bị khai thác mỏ sắt Thạch Khê công suất ban đầu là 5 triệu tấn/năm.

+ Giai đoạn sau 2010:

(6) Tại Hà Tĩnh: khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê với tổng công suất từ 5 – 8 triệu tấn/năm để cung cấp cho Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh công suất 2,5 – 4,5 triệu tấn/năm.

Các tỉnh khác có quặng sắt (như Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hoá) chỉ được phép xây dựng khu luyện thép trên địa bàn của tỉnh khi đã có tài liệu thăm dò xác định chắc chắn nguồn quặng sắt, các yếu tố nguồn lực khác và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Vốn đầu tư

a) Vốn đầu tư cho công tác thăm dò (khoảng 60 tỷ đồng), chủ yếu từ nguồn vốn của chủ đầu tư.

b) Vốn đầu tư cho khai thác và tuyển quặng sắt (khoảng 6.900 tỷ đồng) do chủ đầu tư thu xếp từ các nguồn vốn tự có, vốn vay và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác.

c) Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định hình thức hỗ trợ cụ thể.

5. Giải pháp và chính sách thực hiện

a) Giải pháp

– Quản lý và phát hiện tiềm năng quặng sắt: sớm xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu địa chất về quặng sắt bằng công nghệ tin học trên phạm vi cả nước để lưu trữ quốc gia; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình điều tra nhằm phát hiện thêm các mỏ và điểm quặng sắt có tiềm năng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Trung Bộ; khoanh định diện tích mỏ và các công trình phục vụ khai thác của các mỏ, điểm mỏ trong quy hoạch để sử dụng đất hợp lý, nhằm giảm thiểu đền bù và giải tỏa sau này. Đẩy mạnh công tác thăm dò chi tiết để chuẩn bị tài nguyên cho các dự án đưa vào khai thác giai đoạn 2006 – 2020.

– Về khai thác và sử dụng quặng sắt:

+ Ưu tiên các dự án khai thác mỏ phục vụ sản xuất phôi thép trong nước.

+ áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khai thác, chế biến quặng sắt, nâng cao năng suất lao động, quản lý giá thành chặt chẽ để sản phẩm có khả năng cạnh tranh.

+ Tập trung nghiên cứu lựa chọn các công nghệ luyện kim thích hợp để sử dụng hiệu quả tối đa nguồn quặng sắt và các nguyên liệu khác trong nước.

+ Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ khai thác, chế biến quặng.

– Giải pháp về cơ sở hạ tầng: ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng tại các tỉnh có nguồn quặng đang và sẽ được khai thác phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

b) Các chính sách

– Xây dựng chính sách sử dụng, kinh doanh xuất nhập khẩu quặng sắt với phương châm sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế của việc khai thác, chế biến quặng sắt, đưa dần các hoạt động xuất khẩu quặng sắt đi theo đường chính ngạch, trên cơ sở hợp đồng trung và dài hạn, đảm bảo hài hoà sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và nâng cao giá trị kinh tế của khoáng sản quặng sắt.

– Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, đất đai đối với dự án đầu tư khai thác quặng sắt làm nguyên liệu cho sản xuất phôi thép trong nước. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt theo quy hoạch phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Tạo nguồn vốn ngân sách và tín dụng nhà nước để hỗ trợ cho công tác thăm dò và đầu tư khai thác một số mỏ quặng sắt.

– Có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học chuyên ngành địa chất, tuyển khoáng và khai thác thực hiện các dự án thăm dò, khai thác quặng sắt và luyện kim trong nước.

Về hợp tác quốc tế:

+ Đối với các dự án mỏ Quý Xa và Thạch Khê, để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu khai thác mỏ và luyện kim, có thể hợp tác đầu tư phần mỏ dưới hình thức liên doanh với nước ngoài, phía Việt Nam nắm cổ phần chi phối.

+ Đối với các mỏ khai thác quy mô nhỏ, khai thác tận thu, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự làm.

Nguồn Người Xây dựng/Vusta

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *