Thông thường, nhu cầu TiO2 chỉ cao ở những nước phát triển như Mỹ và Tây Âu với mức tiêu thụ trên đầu người 4,1 kg và 3 kg tương ứng, trong khi đó nhu cầu TiO2 tại Trung Quốc chưa đến 1 kg/người, tức là chỉ bằng 25% hoặc 32% nhu cầu của Mỹ và các nước Tây Âu phát triển. Tiêu thụ TiO2 ở Trung Quốc cũng thấp hơn mức tiêu thụ trung bình ở các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác.
Ngay từ năm 2001, khi sản lượng TiO2 nội địa của Trung Quốc chỉ đąt 180.000 tấn/năm, ngành sản xuất TiO2 tại đây đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng cung vượt cầu. Cho đến nay, tình hình này vẫn không được cải thiện. Đầu năm 2012, Trung Quốc thông báo sản lượng TiO2 trong nước đã đạt 2,8 triệu tấn do ngày càng nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với sản lượng 200.000 tấn/năm đã được thành lập trong những năm vừa qua. Các nhà phân tích thị trường dự báo, sản lượng TiO2 hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt 5 triệu vào năm 2015.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường nhà đất và các thị trường liên quan khác, dẫn đến sự sụt giảm mạnh nhu cầu TiO2. Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu TiO2 tại Trung Quốc đến năm 2020 sẽ tăng 50% và đạt 3,5 triệu tấn.
Trên thực tế, vấn đề cung vượt cầu chủ yếu chỉ tồn tại đối với các sản phẩm chất lượng thấp. Theo các chính sách mới công bố và các điều kiện thị trường, trong 2 năm tới dự kiến gần 20% các nhà sản xuất trong nước tại Trung Quốc sẽ phải đóng cửa do năng lực cạnh tranh thấp. Trong bối cảnh đó, xu hướng sát nhập và kết hợp sẽ là không thể tránh khỏi đối với ngành sản xuất TiO2 Trung Quốc, các nhà sản xuất quy mô lớn chắc chắn sẽ nắm vai trò dẫn dắt thị trường.
Thị trường TiO2 toàn cầu
Theo Công ty phân tích thị trường TZ Minerals International, ngành sản xuất bột màu TiO2 đã trải qua thời kỳ suy yếu đáng kể trong năm 2012, do khách hàng giảm dự trữ hàng và các nhà sản xuất bột màu cắt giảm sản xuất trong bối cảnh nhu cầu suy giảm. Tuy nhiên, hiện đã có những dấu hiệu tích cực nổi lên và các nhà phân tích thị trường tin rằng tình hình trong ngành sản xuất này sẽ bắt đầu được cải thiện từ nửa sau của năm 2013, sau đó bước vào giai đoạn phục hồi trong năm 2014.
Ngành sản xuất TiO2 toàn cầu đã đáp ứng lại Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách cắt giảm công suất và giảm hàng tồn kho để bảo tồn nguồn tiền mặt. Vì vậy, khi nhu cầu khôi phục dần trong quý II/2009, khoảng cách giữa cung và cầu đã bắt đầu nới rộng. Năm 2010, xu hướng trong ngành đã bắt đầu đảo chiều mạnh và tiếp tục trong năm 2011, khi nguồn hàng dự trữ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử và các nhà cung ứng lại có quyền định đoạt giá cả còn các khách hàng lớn phải tranh nhau đặt hàng để đảm bảo nguồn cung. Nhờ đó, giá TiO2 đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2010 và tiếp tục tăng trong năm tiếp theo, sau đó đến cuối năm 2012 mới giảm mạnh do nhu cầu giảm.
Năm 2012, 7 nhà sản xuất lớn trên thế giới đã chiếm hơn 56% công suất danh định của ngành sản xuất TiO2 toàn cầu, đó là các công ty DuPont, Cristal Global, Tronox, Hunstman, Kronos Dachtleben và Ishihara Sangyo Kaisha. Trong số đó, DuPont và Trononoxx chỉ vận hành các nhà máy theo công nghệ clorua, các nhà sản xuất khác vận hành các nhà máy theo cả hai công nghệ sulfat và clorua.
Trong năm 2012, Trung Quốc tiếp tục tăng công suất sản xuất TiO2 và chiếm 34% công suất toàn cầu.
Trong một báo cáo khác, Công ty phân tích thị trường Ceresana cho rằng thị trường TiO2 toàn cầu sẽ tăng trưởng năng động và đạt khối lượng giao dịch khoảng 7,5 triệu tấn/năm.
Những nơi tiêu thụ chính đối với nguyên liệu này là các nhà sản xuất bột màu tại Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Tây Âu. Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu chế biến ilmenit, còn các nhà sản xuất Bắc Mỹ và Tây Âu chủ yếu sử dụng xỉ titan với chất lượng cao hơn và đắt hơn ilmenit.
Khoảng 80% TiO2 tiêu thụ trên toàn cầu được sử dụng trong các lĩnh vực áp dụng chính là sơn, vecni cũng như giấy và chất dẻo. Các lĩnh vực áp dụng khác như mực in, sợi, cao su, mỹ phẩm và thực phẩm chiếm 8% tiêu thụ TiO2, 12% còn lại được tiêu thụ trong các lĩnh vực như sản xuất titan tinh khiết kỹ thuật, sản xuất kính xây dựng và gốm thủy tinh, sản xuất vật liệu sứ trong ngành điện, sản xuất các chất xúc tác và các hóa chất trung gian.
Trong thời gian 2010-2012, giá TiO2 trung bình đã tăng gần 250%. Tuy nhiên, Công ty Ceresana dự báo giá TiO2 sẽ giảm trong những năm tới do một yếu tố quan trọng là nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất TiO2 đang tăng. Trong những năm tới, các nhà máy mới trong sản xuất ilmenit, rutil và xỉ titan có khả năng sẽ được xây dựng, nhờ đó tình trạng cầu vượt cung sẽ giảm đi.
Sản xuất và tiêu thụ TiO2 tại Trung Quốc
Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ TiO2 có cơ hội tăng trưởng đáng kể tại các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc. Hiện nay, nhu cầu TiO2 ở Trung Quốc mới đạt khoảng 0,5 kg/đầu người, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Những dữ liệu lịch sử trong ngành cho thấy, thị trường TiO2 liên quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng GDP của các quốc gia. Vì vậy, các thị trường mới nổi với tiềm năng tăng trưởng GDP khá cao sẽ trở thành những thị trường tăng trưởng đối với các nhà sản xuất bột màu nói chung và bột màu TiO2 nói riêng.
Trung Quốc, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và lớn thứ hai trên thế giới, đã trở thành thị trường TiO2 quan trọng trong những năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục là động lực cho ngành sản xuất này trong những năm tới.
Trong năm 2012, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1999, với tốc độ tăng GDP chỉ đạt 7,8%. Tình trạng suy giảm này, đặc biệt là giảm đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nhu cầu TiO2, khiến cho giá TiO2 giảm theo.
Các nhà kinh tế dự báo, kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 sẽ tăng trưởng với tốc độ 8,4%/năm, chủ yếu nhờ sự gia tăng thu nhập của người dân. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi thu nhập trên đầu người so với hiện nay. Về dài hạn, đây sẽ là yếu tố tích cực cho ngành sản xuất TiO2, vì thu nhập của người dân đang trở thành yếu tố ngày càng quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng GDP và gia tăng tiêu dùng tại Trung Quốc.
Trong những năm qua, ngành sản xuất TiO2 Trung Quốc đã tiến hành một số thay đổi và tối ưu hóa cơ cấu theo cơ chế thị trường. Dựa trên nguồn tài nguyên, thị trường và cơ sở sản xuất hiện có, ngành sản xuất TiO2 Trung Quốc đã hình thành các vùng sản xuất TiO2 ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây, Sơn Đông, Giang Tô và một số nơi khác. Cuối năm 2012, tổng công suất của ngành sản xuất TiO2 Trung Quốc đã đạt 2,5 triệu tấn, sản lượng đạt 1,89 triệu tấn.
Năm 2012, nhu cầu tiêu thụ TiO2 tại Trung Quốc đạt 1,82 triệu tấn, trong đó ngành sản xuất sơn tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 62,5% tổng khối lượng tiêu thụ, tiếp theo là ngành sản xuất chất dẻo với 18,5 % và các ngành sản xuất khác (giấy, mục in,…) chiếm 19,1%.
Với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và sự cải thiện trong mức sống của người dân, nhu cầu TiO2 sẽ gia tăng, đặc biệt là TiO2 chất lượng cao. Trong 5 năm tới, nhu cầu TiO2 tại đây dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 10-15%/năm, nhưng nhu cầu TiO2 chất lượng cao sẽ tăng hơn 20%/năm.
Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ TiO2 hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này mạnh mẽ trong vài năm qua, các trở ngại đối với quá trình phát triển tiếp theo đang ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là các vấn đề công nghệ, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Công nghệ clorua tại Trung Quốc vẫn còn kém phát triển, các bí quyết công nghệ then chốt vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ.
Mặt khác, do sản xuất TiO2 tại Trung Quốc phát triển nhanh, nguồn cung nguyên liệu đang trở thành ngày càng eo hẹp. Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 50% quặng titan từ nước ngoài, trong khi đó giá tinh quặng trong nước đã tăng đến 388 USD/tấn vào tháng 3-2012. Vì vậy, một trong những mối quan tâm lớn đối với các nhà sản xuất tại đây là vấn đề đảm bảo nguồn cung quặng titan.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: T/C Công nghiệp Hóa chất/Titanos News