Thực phẩm có formol tác hại thế nào?

QUẢNG CÁO

 

formaldehydeFormol là chất không được dùng trong chế biến thực phẩm. Sử dụng bất cứ liều lượng nào đều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh, formol không phải là chất gây ung thư qua đường tiêu hóa (ăn uống).

 

Năm 2003, sự cố formol (formaldehyde), mà báo chí thời đó gọi là “chất ướp xác” được dùng trong bánh phở, gây hoang mang trong xã hội. Nhiều người không dám ăn phở, mà đâu chỉ có quán phở đìu hiu, những người làm tương đỏ, tương đen, giá sống, rau thơm, thịt bò, ớt, tiêu, hành,…cũng lâm cảnh ế ẩm. Chỉ có phòng thí nghiệm là làm không hết việc (hồi đó trong nước chỉ có vài phòng TN có khả năng định lượng formol).

Vậy thực chất thực phẩm có forrmol tác hại thế nào?

Đa số thực phẩm đều có formol

Formol là sản phẩm trong quá trình chuyển hóa ở sinh vật, do đó được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm: rau củ, trái cây, nấm khô, thịt cá, và ngay cả trong nước uống. Hàm lượng formol tự nhiên trong thực phẩm có từ 3-23mg/kg, tùy loại thực phẩm (IARC, 1982 – International Agency for Research on Cancer).

Hàm lượng formol tự nhiên trong thực phẩm (mg/kg)

 

Thực phẩm

Hàm lượng formol (mg/kg)

Trái cây và rau củ Táo

6,3 – 22,3

Chuối

16,3

Súp lơ

26,9

38,7 – 60

Nấm Shiitake (khô / tươi)

100- 406 / 6-54,4

Thịt và sản phẩm thịt Thịt bò, heo,cừu và thịt gia cầm

2,5 – 20

Thủy sản Cá Tuyết (Cod)

4,6 – 34

Cá viên

6,8

Tôm, cua, ghẹ,..

1- 98

Cá Bombay-duck (tươi)

≤140

 

(Nguồn : Food Safety Focus (6th Issue, January 2007) – Centre for Food Safety, The Government of the Hong Kong Specia Administrative )

Trong nước uống cũng tìm thấy formol, nhất là nước được sát khuẩn bằng ozone hoặc chlorine, với nồng độ formol lên tới 30 µg/lít (Krasner et al., 1989; Tomkins et al., 1989). Nước đóng chai, đóng thùng ở Đài Loan ở mức cao hơn, tới 129 µg/lít (Chia- Fen et al., 2003). Trích dẫn này lấy từ WHO Guidelines for Drinking-water Quality, 2005.

Formol trong thủy sản là trường hợp khá đặc biệt, vì ngư dân đánh bắt xa bờ thường dùng formol để bảo quản cá. Sự cố formol trong cá cũng một thời ồn ào ở Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc,…, nhưng không dữ dội như “chất ướp xác” trong bánh phở ở Việt Nam.

Nguồn gốc của formol trong thủy sản có thể giải thích thế này. Chất Trimethylamine oxide (TMAO) hiện diện khá nhiều trong thủy sản bị phân giải dưới tác động của enzyme để tạo thành Dimethylamine (DMA) và formol với số lượng mol bằng nhau. Người ta có thể định lượng DMA để xác định độ biến tính protein (thịt cá bị dai do formol) của thủy sản, đồng thời suy ra lượng formol tự nhiên hay thêm vào cố ý. Việc suy diễn này chỉ có tính tương đối vì một phần formol bị kết dính vào mô, khó chiết xuất để định lượng chính xác.

Lượng formol tự nhiên nhiều ít tùy thuộc chủng loại cá, và chênh lệch đáng kể, chẳng hạn formol trong cá thu (King Mackerel) chứa 1,1 mg/kg, còn cá Bombay Duck có tới 140 mg/kg.

Thủy sản đông lạnh chứa nhiều formol hơn thủy sản tươi, vì quá trình phân giải TMAO vẫn tiếp tục xảy ra trong quá trình trữ đông. Thời gian trữ đông càng lâu, lượng formol càng nhiều. Cá lizard chứa 17mg/kg, sau 24 tuần trữ đông formol lên tới 42 mg/kg (Dusadee Tunhun et al, 1996).

Thực phẩm có formol tác hại thế nào?

Một bài báo của tác giả BTT bằng tiếng Việt trên mạng, trích dẫn một câu xanh rờn thế này: “…Theo sự nghiên cứu của Stanley (1992) thì con người nếu uống formaldehyde, vào khoảng 60-90ml formalin, thì chết ngay”. Tìm trong phần tham khảo, thì trích từ sách Toxicology Chemistry của Stanley E.M. Tôi không có quyển sách này, nhưng với một quyển sách chuyên ngành như thế, nên chỉ đoán Stanley trích lại từ đâu đó, chứ không phải đích thân làm nghiên cứu này. Vài thắc mắc được nêu ra:

•    Formol có mùi hăng, khó chịu vô cùng. Chỉ cần mở nắp thùng là đủ chảy nước mắt, hắt hơi. 60-90 ml formalin tương đương với 22 -33 gr formol (formaline thương phẩm có nồng độ 37%). Chán sống thì chơi thuốc rầy coi bộ còn dễ chịu hơn, chứ nốc cả chén formalin thế này, thì…sặc ngay.

•    Con người chứ có phải khỉ hay chuột đâu mà mang ra thí nghiệm ngọt sớt thế này.

•    Hay tác giả có cách tính toán gián tiếp nào chăng?

Dọa nhau kiểu này thì… hãi quá. Thôi quay trở lại với WHO cho chắc ăn. Tổ chức này tập hợp những nghiên cứu có độ tin cậy cao và đưa ra hướng dẫn cho công chúng.

WHO đưa ra những thí nghiệm trên động vật ỏ 3 mức: cấp tính, ngắn hạn và dài hạn.

•    Ở mức cấp tính: Liều LD50 là 800 mg cho chuột và 260 mg cho heo guinea tính trên mỗi kg thể trọng (Smyth et al, 1941) – LD 50 là liều lượng formol làm chết 50% động vật thí nghiệm, thí dụ, nếu bạn là…chuột và nặng 60 kg, và uống 800 mg x 60 = 4.600 mg formol, thì bạn có 50% cơ may lìa…đời

•    Ở mức ngắn hạn: Thử nghiệm kéo dài 4 tuần trên chuột Wistar (uống hàng ngày) cho thấy, ở liều 125 mg / kg thể trọng, chuột có những biến đổi về mô bệnh học ở bao tử. Còn liều 25mg/kg không thấy dấu hiệu bệnh tật (Til et al., 1988; IPCS, 1989).

•    Ở mức dài hạn: Thử nghiệm kéo dài 2 năm trên chuột Wistar (uống hàng ngày) cho thấy, ở liều 82 mg / kg thể trọng chuột có những biến đổi về mô bệnh học ở bao tử, kém ăn,… Còn dưới 15mg/kg không thấy dấu hiệu bệnh (Til et al., 1989).

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của WHO đưa formol vào danh sách chất có khả năng gây ung thư cho người (carcinogenic to humans), nhưng chỉ có bằng chứng đủ mạnh để nói formol có thể gây ung thư mũi thanh quản (nasopharyngeal), còn bệnh bạch cầu và nghề nghiệp thì chưa đủ chứng cớ. Nói cách khác formol chỉ có thể gây ung thư qua đường hô hấp.

WHO cũng nhấn mạnh, formol không phải là chất gây ung thư qua đường tiêu hóa (ăn uống).

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) xác định nước uống có 1 ppm formol không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người lớn. Tương tự, 10 ppm trong một ngày hoặc 5 ppm trong suốt 10 ngày ở trẻ em. Cũng nên biết, mỗi ngày con người uống khoảng 2 lít nước.

Trung tâm An toàn Thực phẩm (Hồng Công) cho rằng, ăn thực phẩm có lượng nhỏ formol không gây hiệu ứng cấp tính, nhưng với lượng lớn, có thể gây đau bụng, nôn mửa, hôn mê, đau thận, và có thể chết. Nhưng lại không xác định lượng nhỏ là bao nhiêu, lượng lớn là bao nhiêu.

Rút ra được điều gì?

Lượng formol phát hiện trong bánh phở chỉ có từ vài ppm đến 10 ppm (ppm = mg/lít), quá nhỏ so với các thực phẩm khác (cá, nấm,…), nhưng một thời lại gây hoang mang qúa lớn. Hiện nay, thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin, kiểm tra phát hiện có khi 30%, có khi 40% bánh phở có formol,… Người tiêu dùng đọc cũng thấy… nhột.

Cho dù thế nào đi nữa, formol là chất không được dùng trong chế biến thực phẩm. Sử dụng bất cứ liều lượng nào đều vi phạm pháp luật. Các nước trên thế giới cũng cấm như thế. Ở Mỹ, năm 1986, FDA mới cho phép dùng formol làm chất diệt khuẩn trong chế biến thức ăn gia súc.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận. Rất nhiều bài báo đang nói về formol trong bánh phở, lại trích dẫn bên cạnh phát biểu của các vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ rằng, formol gây ung thư thanh quản, đột biến gen,… Đặt mũi thay miệng như thế thì…ngượng chết. Lại có tờ báo “máu” lên: “ Tai sao lại cho phép tự do bày bán những chất độc như thế? Phải quản lý chặt ”. Trời đất ! Formol nhập về cả 40-50 ngàn tấn/năm, hơn 90% được dùng công nghiệp keo, làm nhựa, dệt,…, chỉ có vài phần trăm là vô ngành y tế để bảo quản xác và bệnh phẩm. Quản lý chặt một nguyên liệu phổ biến như thế thì mua ở đâu, và sẽ phát sinh cái gì?

Còn nhiều sự cố nữa liên quan đến an toàn thực phẩm, như thủy ngân trong cá, chất tẩy màu sulfite, hàn the, 3-MCPD trong nước tương, quinine trong cà phê, phẩm màu Tartrazin trong mì gói,… từ từ sẽ được bóc tách một cách sòng phẳng, đặt đúng mức độ tác hại của chúng. Dư luận phát hoảng hay không, phần lớn là do truyền thông, phần còn lại là kiến thức và lương tâm của người phát biểu.

Cảnh báo an toàn thực phẩm là điều cần thiết, nhưng đừng làm người tiêu dùng…sợ.

Vũ Thế Thành

Nguồn Tạp chí Tia sáng

 

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *