Thương mại hóa chất trên thế giới dưới tác động của dịch COVID-19

QUẢNG CÁO

Năm 2019, tổng giá trị kinh doanh thương mại các hợp chất hữu cơ trên toàn thế giới đã đạt 846 tỉ USD, tuy nhiên đây là mức giảm 10% so với năm trước. 2019 là một năm đầy sóng gió trong thương mại hóa chất thế giới, với những vấn đề như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu.

Trung Quốc, Mỹ và Đức vẫn tiếp tục là 3 quốc gia sản xuất hóa chất hàng đầu thế giới, mỗi nước trong 3 nước này cũng đóng vai trò chi phối trong hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất ở khu vực của mình, trong khi đó Trung Quốc chiếm 12%, Mỹ chiếm 11% và Đức chiếm 8% thị phần trên thị trường hóa chất toàn cầu.

thi truong hoa chat

Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động lớn đối với thương mại toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Trên toàn cầu, đại dịch này đã trở thành yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Lần thứ hai. Tổng GDP thực của thế giới ước tính đã giảm 6,0% trong năm 2020 – mức giảm lớn nhất kể từ thập niên 1940. Thế giới hiện đang chứng kiến nhu cầu suy yếu ở tất cả các nền kinh tế, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động du lịch, tất cả những yếu tố đó đã góp phần gây ra mức giảm lớn cả trong thương mại và GDP toàn cầu. Giá dầu thấp kỷ lục trong năm 2020 cũng đã ảnh hưởng đến các ngành sản xuất hóa chất và hóa dầu. Nhu cầu nhiên liệu thấp do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 đã dẫn đến sản lượng nhiều hóa chất suy giảm. Nhìn chung, năm 2020 tổng giá trị kinh doanh thương mại các hợp chất hữu cơ trên thế giới đã giảm gần 10% so với năm 2019.

Các số liệu về tàu vận chuyển hóa chất ở các cảng trên thế giới cho thấy, thương mại hóa chất của Trung Quốc đã giảm 6% trong tháng 2/2020, khi quốc gia này đang trong tình trạng phong tỏa, sau đó đã phục hồi trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2020. Điều đó phản ánh mối tương quan giữa sự sụt giảm khối lượng thương mại trong thời gian phong tỏa và sự trở về tình trạng bình thường sau thời gian đó.

Nhưng tình hình ở Mỹ còn căng thẳng hơn nhiều. Tháng 4/2020, khối lượng thương mại hóa chất của Mỹ giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó tiếp tục giảm đến tháng 7, khi khối lượng hóa chất vận chuyển bằng các tàu chở hàng giảm 50%.

Thương mại etylen

Etylen là một trong những sản phẩm hóa dầu được sản xuất với khối lượng lớn nhất trên thế giới. Hơn nữa, do quy mô lớn và phạm vi sử dụng rộng, etylen thường được sử dụng như mốc tham chiếu cho hiệu quả hoạt động của ngành hóa dầu. Động lực cho sự tăng trưởng nhu cầu etylen chủ yếu là sự tăng trưởng của những sản phẩm polyetylen và nhu cầu PVC ngày càng tăng trong xây dựng cũng như sản xuất ống dẫn. Phần lớn etylen được vận chuyển thông qua các đường ống dẫn trực tiếp hoặc được sử dụng trong thương mại của khu vực.

Khối lượng thương mại etylen đã giảm 21% trong năm 2019 do những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc. Như vậy, thương mại etylen đã giảm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Nhưng tình hình nhập khẩu đã trở nên xấu hơn trong năm 2020. Nhập khẩu etylen của 5 nước nhập khẩu etylen hàng đầu trên thế giới đã giảm trong toàn bộ năm 2020. Thương mại etylen của Trung Quốc giữ ở mức thấp cho đến khi phục hồi trong tháng 5 và 6/2020, khi nhu cầu phục hồi và hoạt động sản xuất tăng trở lại.

Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu etylen hàng đầu trên thế giới, trong khi đó thương mại etylen giữa Mỹ và châu Á đóng vai trò then chốt trên thị trường etylen. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại đã tác động lớn đến xuất khẩu etylen của Mỹ trong vài năm qua. Mặc dù đây chỉ là lượng nhỏ trong tổng khối lượng nhập khẩu etylen của Trung Quốc, nhưng lại là sự thay đổi lớn đối với Mỹ. Mặt khác, xuất khẩu etylen năm 2019 của Mỹ sang các nước châu âu, ví dụ Bỉ, đã tăng và có khả năng sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong những năm tới. Những công ty trước đây cung ứng etylen sang Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm các tuyến thương mại mới với châu âu để bù đắp cho sự suy giảm ở thị trường Trung Quốc.

Thương mại propylen

Propylen là hóa chất được sản xuất với sản lượng lớn thứ hai trên thế giới. Tiêu thụ propylen đã tăng do nhu cầu của các nước mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc), khi sự cải thiện tiêu chuẩn sống và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng đã thúc đẩy xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm polyme và hóa chất khác nhau. Khu vực Đông Bắc Á hiện đang chi phối thương mại propylen toàn cầu. Năm 2019, khu vực này chiếm khoảng 52% xuất khẩu và 61% nhập khẩu propylen trên toàn cầu. Ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 87% nhập khẩu propylen trong khu vực.

Thương mại propylen trong suốt toàn bộ năm 2019 tương đối ổn định. Nhưng năm 2020 đã khởi đầu với tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng trên thị trường. Nhu cầu yếu khiến cho lượng hàng tồn kho đạt những mức cao kỷ lục. Nhìn chung, thương mại propylen trong năm 2020 đã giảm mạnh. Nhập khẩu propylen của Trung Quốc chủ yếu dựa vào Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng khối lượng nhập khẩu đã giảm gần 50% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2020, sau đó mới hồi phục chậm trong quý II. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nặng đến nhu cầu xăng khi tình trạng phong tỏa làm giảm lượng xe lưu thông trên đường, các nhà máy lọc dầu đã phản ứng lại bằng cách giảm sản lượng vận hành. Kết quả là tổng sản lượng propylen trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 1,2 tỉ pao so với cùng kỳ năm trước.

thi truong hoa chat the gioi

GDP các nước trên thế giới năm 2020

Thương mại etylen diclorua (EDC)

Được sản xuất từ clo và etylen, EDC có nhiều ứng dụng và thường được sử dụng để sản xuất những mặt hàng PVC quan trọng như đường ống dẫn, đồ nội thất và các hàng hóa khác. Tổng giá trị thương mại EDC trên thế giới đã tăng trong suốt 5 năm qua, trong khi đó khối lượng thương mại cũng tăng cho đến năm 2017. Châu Á là thị trường sôi động nhất đối với sản phẩm hóa chất hàng hóa này, hiện lượng nhập khẩu của châu Á chiếm 73% tổng giá trị thị trường EDC trên thế giới. Trong khi đó, các nước châu Mỹ thường xuất khẩu với lượng lớn và nhập khẩu rất ít cho đến thời gian gần đây, khi Braxin bắt đầu nhập khẩu từ Mỹ.

Tháng 5/2019, Cục Khảo sát địa chất Braxin đã công bố báo cáo cho thấy có mối liên hệ giữa hoạt động ở mỏ khai thác muối của Công ty Braskem với những thiệt hại địa chất được quan sát thấy ở các khu vực xung quanh, ví dụ các hiện tượng sụt lún và nứt đất. Mỏ này cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất xút-clo và EDC của Braskem. Việc đóng cửa mỏ đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh sản lượng EDC ở Braxin.

Trước đây, Braxin chỉ nhập khẩu những lượng EDC rất nhỏ, nhưng sau khi mỏ nói trên bị đóng cửa thì nhập khẩu EDC đã tăng dần và ảnh hưởng đáng kể đến cung cầu EDC trên thế giới.

Braxin mới đây cũng đã công bố dự án mở rộng nguồn cung nước sạch cho 99% dân số vào năm 2034. Hiện nay chỉ có 80% dân số quốc gia này được tiếp cận nước sạch, vì vậy điều kiện vệ sinh ở đây thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Dự án nói trên sẽ kéo dài nhiều năm và đòi hỏi tăng đáng kể sản lượng clo để xử lý nước cũng như mở rộng hệ thống ống PVC. Dự kiến, nhập khẩu EDC sẽ tăng để hỗ trợ sự gia tăng sản lượng PVC. Đối tác thương mại chính của Braxin trong lĩnh vực EDC là Mỹ, tuy nhiên đây cũng sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất Trung Đông. Dự án mới của Braxin sẽ trở thành cơ hội quan trọng cho một số công ty xuất khẩu EDC của Trung Đông.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Vinachem/IHS Markit

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *