Việt Nam: Đã tổng hợp thành công Insulin

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Gần đây, một nhóm nghiên cứu tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã thành công trong việc tổng hợp được Insulin có độ tinh khiết cao.
Chế phẩm thương mại của Insulin TTH có tên Humulin đã được thương mại hóa từ năm 1982 bởi công ty Eli Lilly (Mỹ), mặc dù vậy việc sản xuất insulin dùng làm thuốc vẫn là một công nghệ mũi nhọn, tiên tiến trên thế giới vì tính phức tạp và tinh tế của các bước trong quy trình công nghệ này. Khi giấy phép độc quyền về công nghệ sản xuất Insulin TTH chính thức hết hiệu lực vào năm 2001, các nước đang phát triển có cơ hội để tiếp cận và nghiên cứu sản xuất loại biệt dược này để tự đáp ứng nhu cầu trong nước.

Đã tổng hợp được 200mg Insulin

Ở Việt Nam, đến thời điểm hiện tại đã có một số công trình nghiên cứu sản xuất Insulin TTH, trong đó một nghiên cứu cấp nhà nước do PGS.TS Phạm Thành Hổ và các đồng nghiệp tại bộ môn Công nghệ sinh học phân tử và Môi trường (ĐHKHTN, TP.HCM) vừa được nghiệm thu với đánh giá là “hoàn thiện nhất Việt Nam hiện nay”.

Theo báo cáo nghiệm thu về nghiên cứu sản xuất Insulin TTH trong điều trị ĐTĐ, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được 4 chủng E.Coli tổng hợp nên mini-proinsulin (MPI – tiền chất insulin), từ đó xử lý thành Insulin và tinh chế được 200mg Insulin TTH có độ tinh khiết cao, chất lượng tương đương thương phẩm Insulin TTH Sigma của Mỹ.

TS Võ Minh Trí thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Sản phẩm Insulin mà nhóm đã sản xuất thành công được thí nghiệm trên chuột bị ĐTĐ để chứng minh hoạt tính giảm đường huyết. Điều này mở ra triển vọng cung cấp nguồn nguyên liệu để tiếp tục hoàn thiện công nghệ và triển khai thành thương phẩm Insulin dược dùng cho người”. Sau quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đúc kết các quy trình sản xuất Insulin TTH và chuẩn hóa các tiêu chí về độ tinh khiết, hoạt tính, dư lượng độc tố của Insulin TTH.

Kiểm tra chất lượng Insulin trên máy HPLC ở phòng thí nghiệm Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử và môi trường – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Báo cáo đã được hội đồng nghiệm thu nhận xét “là một bước phát triển vượt bậc về mặt khoa học và công nghệ trong nước”.

Hướng đến thương mại hóa

Với những người bị tiểu đường phải lệ thuộc Insulin, mỗi ngày họ cần lượng Insulin trung bình tính trên mỗi kg cân nặng là 0,5 – 1 IU (IU: 1 đơn vị Insulin tương đương 0,0348mg). Nếu một người nặng 50kg, họ cần khoảng 25 – 50 IU/ngày. Theo báo cáo từ Hội thảo khoa học về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tổ chức tại TP.HCM vào tháng 5/2010, hiện cả nước có 4,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Như vậy có thể thấy nhu cầu sử dụng Insulin trong điều trị ĐTĐ là rất lớn. Tuy nhiên, nước ta vẫn chưa có một quy trình sản xuất Insulin hoàn thiện mà đa số chế phẩm Insulin đều nhập khẩu.

Đặt vấn đề về việc thương mại hóa Insulin TTH mà nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công, TS Võ Minh Trí cho biết “Insulin có thị trường bán ra rất lớn, vì vậy nó được nhiều công ty lớn trên thế giới sản xuất với giá tương đối rẻ. Trong khi đó công nghệ sản xuất Insulin TTH ở nước ta hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, nếu thương mại hóa mà giá thành vẫn cao sẽ khó lòng cạnh tranh với Insulin nhập khẩu”.

Nói về hướng đi tiếp theo trong nghiên cứu sản xuất Insulin TTH, TS Trí cho biết “Nhóm nghiên cứu dự định sẽ xin nhà nước tiếp tục cấp kinh phí để tiếp tục nghiên cứu sản xuất Insulin từ tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae. Nấm men cho hiệu suất tiết MPI cao hơn, đồng thời tiết ra môi trường nên dễ thu nhận, điều này có thể làm giảm giá thành sản xuất Insulin”.

Insulin là hóc môn được tiết ra từ những tế bào trong tuyến tụy có vai trò kiểm soát lượng glucose (đường) trong máu và duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Lượng đường trong máu tăng lên thì Insulin sẽ được tiết ra nhiều hơn. Insulin chuyên chở glucose trong máu vào các tế bào, nhờ vậy mà tế bào được cung cấp năng lượng để có thể hoạt động bình thường. Cũng nhờ quá trình này, lượng đường trong máu trở lại mức bình thường trong vài giờ. Vì vậy, nếu cơ thể sản xuất không đủ Insulin hoặc Insulin hoạt động không hiệu quả, chúng ta có thể mắc bệnh ĐTĐ.

Nguồn Đất Việt/Hoahocngaynay


Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *