(Hóa học ngày nay-H2N2)-Một nhóm khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Công nghiệp Điện Trung ương (CRIEPI) hợp tác với Cơ quan Phát triển Năng lượng mới và Kỹ thuật Công nghiệp (NEDO) đã phát triển một phương pháp mới cho phép sản xuất “dầu thô sinh học” từ vi tảo. Phương pháp mới này sử dụng dimethyl ether (DME) trong quá trình chiết xuất dầu, giúp tiết kiệm năng lượng hơn so với các phương pháp trước đó. Dầu tạo ra có giá trị nhiệt khoảng 10.950 calo/g (tương đương 45.792,9J/g – bằng lượng nhiệt của nhiên liệu xăng và diezel).
Trong thành phần tự nhiên của vi tảo có chứa dầu nặng và nhẹ được tổng hợp trong quá trình quang hợp. Xuất phát từ đặc điểm này, vi tảo đã được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất “dầu thô sinh học”. Quá trình chiết xuất dầu rất phức tạp vì tảo sinh trưởng trong môi trường nước, do đó nước cũng chiếm một phần đáng kể trong thành phần cấu tạo của tảo. Hiện nay, các loại tảo được ép hoặc vắt ráo nước rồi phơi khô trong lò dưới ánh sáng mặt trời và cuối cùng được tán thành bột. Các công đoạn trên không phá hủy được thành tế bào, do đó cần phải có dung môi hữu cơ để “phá vỡ” các bức tường thành, sau đó mới có thể chiết xuất được dầu. Quy trình sản xuất phức tạp này đòi hỏi tiêu thụ năng lượng rất lớn.
Phương pháp mới của CRIEPI dựa trên việc sử dụng dimethyl ether (công thức hóa học là CH3OCH3) có đặc tính dễ liên kết với các phân tử dầu trong môi trường nước. Hợp chất này có thể thẩm thấu qua các thành tế bào (vốn được tạo nên phần lớn từ nước) để liên kết với các phân tử dầu.
Trong thí nghiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã dùng 6,65g tảo và sử dụng phương pháp quay ly tâm để loại bỏ 9% nước của chúng. Sau đó, số tảo này được đưa ngâm trong dung dịch dimethyl ether 20oC trong 11 phút, dưới áp suất 0,5 Mpa và cho kết quả 0,24g “dầu sinh học” được chiết xuất (tương đương 40,1% trọng lượng khối vật liệu khô trong khi nếu áp dụng phương pháp cũ chỉ thu được 0,6%). Dimethyl ether và dầu sẽ được tách ra bằng cách làm bay hơi dung môi (nhiệt độ sôi -23oC). Lượng dung môi bốc hơi sẽ được thu lại và tái sử dụng cho những lần sau. Ngoài ra, có thể làm bay hơi dung môi dưới áp suất mạnh ở nhiệt độ 50oC.
CRIEPI hy vọng sẽ đưa vào áp dụng thực tiễn công nghiệp phương pháp mới này trong 2 năm tới.
Theo Techno-Sciences/Nasati