Phát hiện «hành lang» đưa CO2 xuống đáy Biển Nam Cực

QUẢNG CÁO

ocean_australTừ trước đến nay, khoảng một phần tư lượng CO2 do các hoạt động của con người tạo ra trên trái đất được tích lại trong lòng các đại dương, và khoảng 40% của lượng khí này được tích lại trong lòng Biển Nam Cực (vùng biển bao xung quanh lục địa băng Nam Cực). Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được, bằng cách nào mà Biển Nam Cực lại có thể lưu lại được khối lượng C02 ở dưới độ sâu 1.000 mét. Các nghiên cứu mới đây cho thấy, chính nhờ ở gió, các xoáy nước và các dòng chảy khổng lồ, tạo nên các « hành lang » rộng đến 1.000 km và sâu khoảng 1.000 mét, đưa CO2 vào lòng Biển Nam Cực.

Theo AFP, đây là kết quả của 10 năm nghiên cứu, được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào tháng Bảy 2012.

Xem thêm: Lần đầu tiên Đức lưu trữ CO2 vào lòng đất

Trả lời AFP, nhà nghiên cứu Jean-Baptiste Sallée, một tác giả của nghiên cứu kể trên, cho biết đã xác định được quá trình vận chuyển của khí CO2 trong đại dương, đặc biệt với tác động của gió, các xoáy nước và dòng chảy ngầm. Các nhà khoa học cho rằng, gió là sức mạnh chủ yếu đẩy nước có chứa CO2 tới một điểm hội tụ, trước khi CO2 được đưa vào trong lòng biển.

Nghiên cứu được thực hiện với các robot hoạt động dưới mặt nước trong vòng 10 năm nay, còn cho biết, các xoáy nước khổng lồ, có đường kính trung bình khoảng 100 km, giữ một vai trò quan trọng trong việc đẩy CO2 xuống đáy biển. Chính nhờ ở gió, các xoáy nước và các dòng chảy khổng lồ, tạo nên « các hành lang » rộng đến 1.000 km và sâu khoảng 1.000 mét, mà CO2 được đưa vào lòng biển. Các xoáy nước cũng có vai trò làm cán cân để đối trọng với hiệu ứng ngược của một số trận gió, đưa CO2 tích dưới đáy lên mặt biển, những khi biển động.

Tại Biển Nam Cực, các nhà khoa học đã phát hiện được tổng cộng 5 hành lang khổng lồ đưa CO2 cất giấu trong biển.

Nghiên cứu được công bố trên Nature Geoscience sử dụng nhiều dữ liệu về nhiệt độ, độ mặn và áp lực nước, được ghi nhận từ những năm 1999.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào nói về sự tồn tại của một cơ chế tương tự tại các đại dương khác.

Phát hiện mới kể trên, theo tác giả của công trình nghiên cứu, cần phải được bổ sung vào các mô hình khoa học về biến đổi khí hậu hiện nay, hiện chưa biết đến cơ chế này. Về mặt lý thuyết, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các dòng chảy trên bề mặt và các xoáy nước ở Biển Nam Cực, với sự thay đổi tốc độ gió và nhiệt độ của biển, và làm biến đổi khả năng lưu trữ CO2 của biển.

Nghiên cứu kể trên hoàn toàn chưa đề cập đến quá trình hấp thụ CO2 của các vi sinh vật sống ở phần bề mặt các đại dương và mang theo CO2 xuống đáy biển, khi chúng chết đi.

Cũng về khả năng các đại dương hấp thu CO2, mới đây, ngày 01/08/2012, các nhà khoa học thuộc đại học Colorado (Hoa Kỳ) công bố một nghiên cứu cho thấy, lượng CO2 được cây cối và các đại dương hấp thu trong vòng 50 năm qua đã tăng gấp đôi, từ 2,4 tỷ tấn năm 1960, thành 5 tỷ tấn năm 2010. Các nghiên cứu cũng cho thấy, khả năng hấp thu CO2 tăng lên cùng với lượng CO2 được phát ra. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mức độ hấp thu CO2 cụ thể của các vùng đại dương. Và điều đặc biệt quan trọng là, liệu CO2 được cất giữ trong các đại dương sẽ ở lại lâu dài, trong hàng trăm, hàng nghìn năm hay lại trở lại bầu khí quyển chỉ trong vài năm, vài thập niên.

Dù gì đi chăng nữa, ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học nhắc chúng ta là, nhiệt độ trái đất, nếu vượt quá một ngưỡng nhất định, sẽ để lại các hậu quả khủng khiếp.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: RFI

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận