Ấn Độ, Trung Quốc lao đao vì thiếu than

QUẢNG CÁO

Hai nước có đặc điểm chung là sử dụng nguồn điện năng dựa nhiều vào than, đang khó khăn trước nhu cầu lớn ở giai đoạn phục hồi kinh tế và mùa đông đến gần.

Ấn Độ, Trung Quốc lao đao vì thiếu than

Dưới hầm lò khai thác than ở Trung Quốc. Ảnh: EPA.

Giá than nhiệt trên Sở Giao dịch hàng hóa Trịnh Châu sáng hôm qua 12/10 tăng vọt 8% ngay lúc mở cửa để lập một đỉnh mới sau mức tăng 12% hôm đầu tuần, khi tin tức thời tiết ở “vương quốc mỏ” Sơn Tây gửi đến chẳng có gì tốt đẹp. Ít nhất 15 người được ghi nhận thiệt mạng do mưa lũ và hơn 1,76 triệu người bị ảnh hưởng sinh hoạt. Hơn 70 huyện và thành phố cấp tỉnh chịu thiệt hại tính đến thứ Ba.

Mưa lớn nhiều ngày liên tục gây lụt tràn lan khiến cho hàng chục điểm mỏ phải đóng cửa tạm thời hoặc giảm công suất hay tốn thêm không ít chi phí để duy trì sản xuất. Sơn Tây là nơi sản xuất 1/3 lượng than tiêu thụ hàng năm ở Trung Quốc.

Cú bồi này tiếp sau mưa lụt uy hiếp vùng than Hà Nam hồi tháng 7 càng khiến ngành nhiệt điện Trung Quốc thêm căng thẳng.

Thực ra, không có mưa lũ thì tình trạng thiếu điện đã diễn ra ở Trung Quốc. Đang vào chu kỳ phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, thiếu điện tạo ra trở ngại lớn. Ở nhiều vùng đã phải cắt điện và kể cả khối doanh nghiệp sản xuất được ưu tiên cũng không là ngoại lệ.

Tình hình nghiêm trọng đến mức hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền trung ương đã phải có chỉ thị yêu cầu các mỏ than tìm phương án tăng sản lượng khai thác.

Theo trang tin Caixin, chính quyền 3 địa phương sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc là Nội Mông, Sơn Tây và Hà Nam đã cam kết sẽ thực hiện chỉ đạo của trung ương. Tin cho hay, Nội Mông – nơi có sản lượng than lớn thứ hai Trung Quốc – đã gửi thông báo đến hơn 70 công ty mỏ nâng công suất thêm khoảng 100 triệu tấn, tương đương với 3% nhu cầu than nhiệt trong năm nay của cả nước.

Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp ngành than và điện lực phải ngồi lại với nhau tìm phương án và ký các thỏa thuận đảm bảo cân đối cung – cầu.

Ấn Độ, Trung Quốc lao đao vì thiếu than

Tàu chở than cập cảng một nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

Tình hình ở Ấn Độ được cho là còn nghiêm trọng hơn Trung Quốc khi quốc gia Nam Á đang ở bờ vực một cuộc khủng hoảng điện năng lớn chưa từng có.

Ấn Độ phụ thuộc 75% nhu cầu điện năng vào than nhiệt và hiện tại hơn một nửa trong số 135 nhà máy nhiệt điện đang chạy cầm chừng cho dự trữ than thiếu hụt trầm trọng.

Tình hình ở Ấn Độ đã kéo dài nhiều tháng, nhưng nay lên đến đỉnh điểm do sản xuất bắt đầu phục hồi sau dịch. Lượng điện tiêu thụ tăng 17% chỉ trong 2 tháng 8 – 9 nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá than trên thị trường toàn cầu tăng vọt 40% khiến cho nhập khẩu chỉ còn nhúc nhắc.

Ấn Độ có trữ lượng than lớn thứ tư thế giới, nhưng vì nhiều lý do mà họ lại là quốc gia nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới. Các nhà máy nhiệt điện trước hoạt động dựa vào nguồn than nhập khẩu thì nay trầy trật tìm kiếm nguyên liệu trong nước.

“Chúng tôi đã nhìn thấy trước tình thế thiếu than, nhưng điều không lường được đang xảy ra đấy là giá than hiện quá đắt”, tiến sĩ Aurodeep Nandi từ tạp chí India Economist kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn Nomura chia sẻ.

Dường như giới chuyên gia kinh tế đã tính đến khả năng tăng giá điện. “Bấp bênh”, Giám đốc Viện nghiên cứu chỉ số kinh tế Ấn Độ Vivek Jain nhận xét về khả năng lạm phát không tránh khỏi, khi mà ở thời điểm này mọi thứ từ dầu mỏ đến thực phẩm đều đã tăng giá.

Bộ trưởng Năng lượng RK Singh hoàn toàn đồng tình với ông Jain. Theo ông Bộ trưởng, Ấn Độ sẽ phải gồng mình trong 5 đến 6 tháng tới.

Bà Zohra Chatterji, cựu Giám đốc Công ty Than Ấn Độ cho rằng “tình thế là lời thức tỉnh” để Ấn Độ tìm cách giảm thiểu dần vào than và chuyển sang các nguồn năng lượng khác.

Trái ngược với sự lo lắng trong giới chuyên gia kinh tế, theo BBC, Bộ Than Ấn Độ ra thông báo trấn an rằng quốc gia vẫn đủ nguồn than dự trữ để đảm bảo sản xuất điện năng. “Bất cứ sự lo lắng nào hoàn toàn không có cơ sở”, thông báo viết.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *