Ảnh hưởng của đất hiếm đối với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

QUẢNG CÁO

Đất hiếm là nguyên tố không thể thiếu của ngành công nghiệp điện tử, đây cũng là thứ tài nguyên được khai thác rất nhiều tại Trung Quốc bằng một quá trình độc hại, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới môi trường. Nhưng tạm gác lại chuyện cứu Trái Đất vô cùng cấp bách, để phân tích về cách đất hiếm có thể trở thành “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang tới hồi căng thẳng.

Sau vụ việc cấm điện thoại Huawei và yêu cầu mọi giao dịch giữa Huawei và các doanh nghiệp phần cứng Mỹ phải có sự chấp thuận từ chính phủ, chính quyền dưới thời ông Trump còn đưa thêm một danh sách dài những sản phẩm Trung Quốc phải chịu thuế nặng hơn. Tuy nhiên, cả danh sách ban đầu và danh sách “dọa dẫm” của ông Trump đều không có món hàng đất hiếm, thứ được sử dụng để làm từng chiếc iPhone cũng như hệ thống dẫn đường tên lửa của quân đội Mỹ.

Trung Quốc đang có trong tay thứ “hiếm có” gì?

Kim loại đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố bao gồm: cerium (Ce), dysprosium (Dy), erbium (Er), europium (Eu), gadolinium (Gd), holmium (Ho), lanthanum (La), lutetium (Lu), neodymium (Nd), praseodymium (Pr), promethium (Pm), samarium (Sm), scandium (Sc), terbium (Tb), thulium (Tm), ytterbium (Yb), and yttrium (Y). Danh sách dài những thứ trên xuất hiện trong pin, thiết bị chuyển pha điện, nam châm và vô vàn thứ linh kiện điện tử khác.

dat-hiem1

Tại sao đất hiếm lại … hiếm?

Trong vỏ Trái Đất, lượng đất hiếm không hề ít, thế nhưng nó thường xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng hợp chất, vì thế phải qua quá trình xử lý quặng, tách chất thì mới có đất hiếm để sử dụng. Quá trình này không phức tạp, nhưng ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người công nhân và tới môi trường xung quanh các mỏ, các trung tâm xử lý quặng.

Đây là lý do khiến đất hiếm có cái tên như vậy.

Đất hiếm có ở đâu?

Đất hiếm có trong đất.  Đất có đất hiếm thì nằm tại Trung Quốc, Mỹ (chủ yếu tại California), Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Nga, Thái Lan và Việt Nam. Trữ lượng toàn cầu ước tính 120 triệu tấn.

mo-dat-hiem

Mỏ quặng đẩt hiếm khổng lồ Bayan Obo.

Suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đứng đầu trong sản lượng đất hiếm. Tới thập niên 80, Trung Quốc đề ra một loạt chính sách mới, tìm cách tận dụng triệt để lượng đất hiếm dồi dào của địa phương. Thời điểm hiện tại, nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc chiếm 90% tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu.

Năm ngoái, Trung Quốc lấy lên 120.000 tấn đất hiếm, khoảng 71% tổng lượng đất hiếm khai thác được trên Trái Đất.

Đất hiếm được dùng trong:

Ngành công nghiệp kính sử dụng nhiều đất hiếm nhất. Cerium, lanthanum và lutetium được dùng trong cả việc đánh mặt kính lẫn thêm màu sắc cho kính.

Nam châm vĩnh cửu là thứ tiếp theo sử dụng nhiều đất hiếm nhất. Còn nam châm thì là một phần thiết yếu của ổ đĩa, mô tơ nhỏ, bất cứ thứ loa nào phát ra âm thanh, turbine chạy điện và máy phát.

Gadolinium, samarium and yttrium được dùng trong các hệ thống nhận và phát tín hiệu vô tuyến. Có thể kể tới những thiết bị radar dẫn đường cho máy bay cũng như tên lửa.

Chất siêu dẫn, thiết bị phát tia laser cũng sử dụng đất hiếm.

quang-dat-hiem

Quặng đất hiếm.

Hiện trạng đất hiếm trong mối quan hệ Mỹ – Trung …

Mỏ Mountain Pass tại California là nơi cung ứng đất hiếm duy nhất trên đất Mỹ. Nó đóng cửa năm 2015, sau này được bán cho công ty do Trung Quốc hậu thuẫn. Mỏ đã đi vào hoạt động hồi năm ngoái, chuyển đất hiếm khai thác được ngược về Trung Quốc để tinh chế.

Trung Quốc thì là nhà xuất khẩu đất hiếm lớn nhất của Mỹ; chỉ nội trong năm ngoái, 59% lượng đất hiếm đi vào Mỹ tới từ Trung Quốc. Không mấy kỳ lạ nếu như trong khoảng thời gian tới, Trung Quốc sẽ có chính sách liên quan tới những nguyên tố quý giá này.

Chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra trong quá khứ, khi Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột thương mại. Trung Quốc, với vị thế thống trị mặt hàng đất hiếm thiết yếu cho những công ty như Toyota, Panasonic, đã giảm lượng đất hiếm xuất khẩu sang nước bạn và áp mức thuế mới.

Nhật Bản vẫn có những cách đối phó của riêng mình.

… sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghệ

Khi Trung Quốc áp thuế mới lên đất hiếm, những sản phẩm sử dụng loại nguyên tố thiết yếu này sẽ tăng giá thành sản xuất. Hệ lụy tất yếu: người tiêu dùng hàng công nghệ có nguồn gốc Hoa Kỳ sẽ gặp rắc rối to.

Không ít những công ty công nghệ lớn phải nhờ cậy Trung Quốc để gia công thiết bị. Khi Trung Quốc nắm cả quyền phân phối đất hiếm lẫn lượng nhân công dồi dáo, cần có để đảm bảo dây chuyền sản xuất đồ điện tử được trơn tru, họ sẽ có ít nhiều khả năng kiểm soát các mặt hàng điện tử có trên thị trường.

Khó có thể nói chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ ảnh hưởng ra sao tới tình hình thế giới, nhưng những nạn nhân đầu tiên đã xuất hiện. Vụ việc Mỹ cấm Huawei gây ra một loạt sự kiện khác như hiệu ứng cánh bướm, còn đất hiếm thì đang nằm trong tầm ngắm.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: GenK.vn

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *