Báo động nạn kinh doanh hóa chất độc hại tràn lan

QUẢNG CÁO

Kinh doanh hóa chất, đặc biệt là các loại hóa chất bị cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng có thể mang lại lợi nhuận cao. Chính vì vậy, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều người vẫn lao vào buôn bán mặt hàng này. Hàng loạt vụ thực phẩm, hoa quả được tẩm hóa chất cấm sử dụng bị phát hiện trong thời gian gần đây khiến người dân lo lắng về thực trạng buôn bán hóa chất.

Hóa chất độc hại bán tràn lan

Cuối năm 2011, UBND TP.HCM chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với Sở Y tế và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, sử dụng các loại hóa chất, hương liệu độc hại. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều mặt hàng hóa chất độc hại (hàn the, formol, rhodamin B) cũng như các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm không nhãn mác vẫn được chào bán công khai.

Chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) là nơi nổi tiếng về buôn bán hoá chất. Ở đây là “vựa sỉ” của hàng trăm hàng ngàn các loại hóa chất. Trong khuôn viên chợ này, có tới hàng chục quầy kinh doanh mặt hàng này. Những người kinh doanh hóa chất ở đây cho biết, trên thế giới hiện có loại hóa chất gì thì ở Kim Biên đều có bán. Từ các lọai hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, kể cả hóa chất độc hại bị cấm, khách đến đây đều mua rất dễ dàng.

Các loại hóa chất ở chợ Kim Biên được bày bán một cách công khai, kể cả các loại hàng nằm trong danh mục hạn chế sử dụng hoặc cấm sử dụng. Các loại hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, xử lý hầm cầu, lọc sạch không khí, làm sạch kim loại cũ đều rất sẵn.

Mặt hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm ở đây rất phong phú, đa dạng. Phổ biến nhất là các loại hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như cà phê, ca cao, chanh, dâu, nho, táo, sầu riêng, cho tới trà sữa… Giá các loại hương liệu này chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/100ml.

Ngoài những mặt hàng “truyền thống” như trên, gần đây, tại chợ Kim Biên xuất hiện nhiều loại hương liệu chế biến thực phẩm mới. Đó là hương liệu nấu hủ tiếu, bún riêu tạo mùi và màu như thịt heo, bò, gà, tôm, cua… với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/100g hoặc 100ml. Điều đáng nói, các loại hương liệu này được đựng trong bịch ni lông, chai nhựa, không nhãn mác, không nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng, không có thông tin nào về cấu tạo thành phần, không hạn sử dụng…

Một số tiểu thương ở chợ Kim Biên còn tiết lộ, dù chất tạo màu cho xôi, thịt nguội, mứt, hạt dưa, tương cà là chất hóa học dùng trong công nghiệp nhưng ở đây lại bán cho người dân và cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng trong thực phẩm. Phẩm màu đều được nhập từ Trung Quốc, khi dùng trong thực phẩm độ độc hại tới đâu người bán lẫn người mua không ai biết chắc.  

Ở Hà Nội, tình trạng buôn bán hóa chất độc hại cũng diễn ra hết sức phổ biến.. Rất nhiều hóa chất bảo quản thực phẩm như “săm – pết”, “chất “tẩy đường”, bột soda… có thể gây bệnh cho con người nhưng vẫn được bày bán công khai trên thị trường.


Chất  soda  làm mềm thịt.

Hầu như quầy hàng khô nào ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cũng bán các loại bột phụ gia thực phẩm. Bột săm – pết được bán với giá 50.000 đồng/kg. Bột săm – pết đựng trong túi ni lông, không hề có nhãn mác chỉ dẫn thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng cũng như cơ sở sản xuất. Theo hướng dẫn của người bán hàng, chỉ cần pha vài thìa bột với một thùng nước, phết lên bề mặt ngoài của các tảng thịt lớn, để trong phòng thoáng mát, không cần để vào tủ lạnh, thịt vẫn được giữ tươi cả tuần, không biến màu, không có mùi lạ. Loại bột này cũng được các chủ hàng kinh doanh thủy, hải sản ưa chuộng vì có khả năng chống thối rất tốt.

Ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), việc mua bán hóa chất cũng hết sức dễ dàng. Một hộp soda làm mềm thịt với giá 30.000 đồng. Điều đáng nói, hộp soda này chỉ in chữ bằng tiếng Anh, đề tên là Kings. Vỏ hộp không có ngày sản xuất hay tem cho sản phẩm nhập khẩu, không có hướng dẫn sử dụng.

Hiểm họa chết người

Theo chỉ thị số 29/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1998, tất cả các hóa chất nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song nạn vận chuyển, buôn bán và sử dụng hóa chất nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn dồn dập vào Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Năm 2011, TP. HCM đã phát hiện 65 vụ kinh doanh hóa chất trái phép, số lượng 4.190 tấn, trong đó có 12 vụ hàng nhập lậu, 4 vụ hàng giả. Quý I/2012, TP. HCM cũng phát hiện 49 vụ, lượng hàng 450 tấn, trong đó có 2,8 tấn hàng giả, 28 tấn nhập lậu. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hóa chất nhập lậu không bị thu giữ còn lớn hơn nhiều.

Theo đại diện Chi cục Quảng lý thị trường TP.HCM, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh hóa chất, song các sai phạm chủ yếu xảy ra ở khâu kinh doanh hóa chất công nghiệp, riêng hóa chất sử dụng trong thực phẩm bị xử lý hầu như rất ít. Các vi phạm mà cơ quan chức năng xử lý đa số là bán hàng không có chứng từ hóa đơn, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, còn chất lượng thật giả của hóa chất thì không xử lý được vụ nào.

Do hoá chất công nghiệp rẻ tiền, dễ mua nên nhiều người đã lạm dụng sử dụng trong chế biến thực phẩm mà không màng đến hậu quả. Chỉ cần vài nghìn đồng để mua hóa chất tẩm ướp là có thể biến đống thịt bỏ đi thành thịt tươi và bán được giá gấp hàng chục lần. Tuy nhiên, khi ăn phải thức ăn có chứa độc chất công nghiệp, người ăn dễ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, xơ gan, viên gan, ung thư máu, kể cả suy tuỷ…

Sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm có thể coi là tội ác. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng mong muốn các cơ quan chức năng sớm hạn chế được tình trạng sử dụng hóa chất độc hại bừa bãi trong thực phẩm như hiện nay.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Vef.vn

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *