(Hóa học ngày nay-H2N2) Các chuyên gia nghiên cứu đến từ Trường Đại học Queen, Belfast, Bắc Ai – Len là những người đi tiên phong trong việc khai thác, sử dụng kỹ thuật mới để sản xuất, chế tạo các sản phẩm nhựa dẻo từ cây chuối.
Trung tâm Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến chất trùng hợp (Polymer) thuộc trường Đại học Queen đã tham gia một nghiên cứu trị giá 1 triệu Euro, được gọi là dự án Badana. Dự án này sẽ phát triển các phương pháp mới để kết hợp các sản phẩm từ vườn đất trồng chuối trên quần đảo Canary, Tây Ban Nha vào việc sản xuất các chất dẻo theo khuôn đúc. Ngoài những lợi ích về môi trường, dự án còn làm tăng thêm lợi nhuận cho các chủ trang trại trồng chuối và giúp giải quyết vấn đề việc làm cho những người dân lao đông trong vùng.
Mark Kearns, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quy trình công nghệ và chế biến Polymer thuộc trường Đại học Cơ khí và Kỹ thuật không gian vũ trụ Queen cho biết, hơn 20% lượng chuối tiêu thụ tại Châu Âu được sản xuất tại quần đảo Canary, với khoảng hơn 10 triệu cây chuối được trồng hàng năm, chỉ tính riêng trên đảo Gran thuộc Canary.
Ông đã cùng các đồng nghiệp của mình giải thích lý do thực hiện nghiên cứu này như sau: Ngay khi thu hoạch quả, các phần còn lại của cây chuối sẽ trở thành phế phẩm bỏ đi. Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 25.000 tấn sợi tự nhiên này được đổ xuống các khe núi hay rãnh thoát nước quanh quần đảo Canary mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực này. Các nhà khoa học đã thực hiện dự án Badana nhằm tìm hướng giải quyết cho vấn đề chất thải này.
Họ nhận ra rằng, các loại sợi tự nhiên chứa trong cây có thể được sử dụng để sản xuất, đúc quay tròn chất dẻo, nguyên liệu để tạo ra các vật dụng hàng ngày, ví dụ như thùng chứa dầu, thùng rác có một bánh xe, thùng chứa nước, mũ bảo hiểm giao thông, búp bê nhựa và nhiều loại tàu thuyền khác. Những sợi chuối sẽ được gia công, xử lý, chế biến và trộn lẫn thêm một nguyên liệu nhựa dẻo khác. Hợp chất này sẽ được kẹp giữa hai lớp nhựa trong suốt, mỏng với những đặc điểm cấu tạo và tính chất rất đặc biệt. Do vậy, dự án này mang đến một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ “bánh sandwich chuối”.
Kỹ thuật mới này sẽ giúp bảo vệ thiên nhiên, đem đến những lợi ích đáng kể cho môi trường xung quanh. Các nhà nghiên cứu cho hay, nó sẽ giúp giảm lượng polyetylen được sử dụng trong quá trình đúc quay, mở ra một kỷ nguyên mới và bền vững hơn trong việc sản xuất, đúc chất nhựa dẻo.
Việc nghiên cứu và phát triển dự án mới này sẽ tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao diện tích đất trồng chuối và tận dụng có hiệu quả các phế phẩm từ cây chuối, mang lại lợi ích đáng kể cho người dân trong vùng.
Kinh phí để thực hiện và triển khai dự án Badana được cung cấp bởi Chương trình khung 7 nước của Liên minh Châu Âu.
Theo Khoa học và Phát triển /AN