(Hóa học ngày nay-H2N2)-Những nguồn khí thiên nhiên quy mô lớn hiện đang nằm tại những địa điểm xa xôi hẻo lánh sẽ có thể được khai thác thương mại nếu có những phương pháp chuyển hóa metan với chi phí thấp để tạo thành các chất lỏng có thể được vận chuyển dễ dàng hơn, về dụ như metanol. Tuy ngày nay đã có nhiều quy trình được thương mại hóa để chuyển hóa metan thành các hydrocacbon lỏng, nhưng phần lớn chúng dựa trên các quá trình chuyển hóa nhiều bậc thông qua khí tổng hợp (CO và H2 ) và ở nhiệt độ cao (> 600 °C) nên chi phề khá cao. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra các chất xúc tác có khả năng chuyển hóa metan trực tiềp thành metanol, nhưng đa số các hệ này có nhược điểm là oxy hóa nhiều vì tính chọn lọc thấp, do đó làm sinh ra một lượng lớn các sản phẩm phụ không mong muốn.
Vừa qua, các nhà khoa học Regina Palkovits và Ferdi Schuth tại Phân viện nghiên cứu than thuộc Viện Max Planck tại Mullheim (Đức) đã thông báo rằng phức chất polyme dựa trên triazin, mà họ tạo thành từ các trime dixyanopyridin và muối paltin, có khả năng chuyển hóa chọn lọc metan và oleum (axit sunphuric bốc khói) thành metanol với hiệu suất cao ở nhiệt độ khoảng 200°C.
Khác với chất xúc tác pha lỏng với liên kết N-Pt tương tự đã được tìm ra trước đây, xúc tác mới này là chất rắn nên có thể được tách ra khỏi sản phẩm lỏng một cách dễ dàng, do đó có thể được đưa đi tái chế. Các nhà nghiên cứu Đức cho biết hợp chất mới này duy trì hoạt tính xúc tác cao ngay cả sau 6 lần sử dụng.
Kết quả của nghiên cứu này sẽ là động lực thúc đẩy những cố gắng thương mại hóa các công nghệ khác để chuyển hóa metan thành các sản phẩm giá trị cao và dễ vận chuyển. Tuy nhiên, việc sử dụng axit sunphuric bốc khói làm tác nhân oxy hóa theo quy trình trên sẽ là thách thức đáng kể về mặt chi phí và lựa chọn vật liệu thích hợp.
Theo Chemical & Engineering News/Vinachem