1. Phát minh do ngủ quên
Một đêm, Carothers – nhà hóa học Mỹ – sau nhiều ngày đêm làm việc căng thẳng định chợp mắt ít phút. Nhưng… ông đã ngủ liền tới sáng. Tỉnh dậy, ông hốt hoảng lo cho tất cả công sức thí nghiệm: Có lẽ đã tan thành mây khói? Ai ngờ, khi vừa nhấc chiếc đũa thủy tinh ở trong bình phản ứng lên, ông thấy chiếc đũa mềm nhũn và kéo theo một hỗn hợp có dạng sợi nhỏ mỏng manh óng ánh rất đẹp. Đó là sợi tổng hợp poliamit đầu tiên trên thế giới – sợi nylon ngày nay.
2. Những đặc điểm chính xác
Người phát minh ra phương pháp lưu hóa cao su là Ch.Goodyear. Ông là người nghèo túng nhưng kiên trì theo đuổi công việc của mình.
Một hôm có một chủ xưởng máy hỏi người bạn của mình làm thế nào tìm gặp được Goodyear, người này bèn bảo:
“Anh cứ tìm người nào mặc quần cao su, áo cao su, đi giày cao su, đội mũ cao su, có một cái ví bằng cao su nhưng không có lấy một đồng xu thì… đó chính là Goodyear.”
3. Chỉ đơn giản là tôi ứng dụng hóa học
Năm 1943, Niels Bohr – nhà vật lý học người Đan Mạch – đã phải rời khỏi Copenhangen để thoát khỏi tay bọn Đức quốc xã. Nhưng trong tay ông còn có hai huy chương Nobel bằng vàng của các bạn đồng nghiệp là James Franck (Mỹ) và Max Laue. Huy chương Nobel của Bohr đã được đưa ra khỏi Đan Mạch trước đó.
Không muốn liều mang các huy chương này theo mình, nhà bác học bèn hòa tan chúng trong nước cường toan (hỗn hợp của HNO3 và HCl) vào các chai “không có gì đáng chú ý” và đặt chúng vào một xó trên sàn nhà – nơi có nhiều chai lọ bụi bặm bám đầy.
Sau chiến tranh, khi trở lại phòng thí nghiệm của mình, trước tiên Bohr tìm cái chai quý báu đó và theo yêu cầu của ông, những người cộng sự đã tách vàng ra rồi làm lại hai tấm huy chương.
Đáp lại sự cảm kích của các chủ nhân hai tấm huy chương, Niels Bohr chỉ nói: “Đơn giản là tôi ứng dụng hóa học mà thôi”.
4. Chuyện về Mendeleyev
Sau khi vợ nhà bác học Mendeleyev qua đời, ông cưới một phụ nữ khác. Nhưng luật pháp của nước Nga dưới thời Nga hoàng bấy giờ không cho phép lập gia đình khi vợ hoặc chồng vừa chết trong vòng ba năm. Ông đã nhờ một giáo sĩ làm lễ cho mình mà không sợ luật pháp hà khắc. Và người mục sư ấy sau khi giúp Mendeleyev đã bị khai trừ khỏi giáo hội.
Một vị tể tướng của Sa Hoàng cũng trong hoàn cảnh của Mendeleyev và cũng đã làm lễ cưới. Nhưng Sa Hoàng đã hủy bỏ hôn ước của ông ta. Vị tể tướng thắc mắc tại sao hôn ước của Mendeleyev lại được nhà vua chấp nhận. Sa Hoàng trả lời ông ta: “Bởi vì người như khanh ta có rất nhiều, còn người như Mendeleyev ta chỉ có một”.
6. Hydrigen-H2
Thế kỷ XVIII, nhà hóa học Pilatrơ Rôzơ người Pháp đã quan tâm đến vấn đề nếu hít khí hydro vào phổi thì chuyện gì sẽ xảy ra. Trước ông chưa ai từng thử hít hydro bao giờ. Và câu chuyện bắt đầu:
Thoạt đầu, chẳng lưu tâm đến là liệu có hậu quả gì không, Rôzơ quyết định thử hít hydro vào phổi. Ông lại liên tục hít hydro vào sâu hơn nữa, rồi thở khí đó hướng vào ngọn nến đang cháy. Tất nhiên, hydro là thứ khí khi hỗn hợp với không khí sẽ gây nổ! Về sau Rôzơ đã viết lại rằng: “Tôi tưởng là tôi đã bị bay toàn bộ hàm răng và cả lợi nữa”. Chí ít thì ông cũng thỏa mãn với kết quả thí nghiệm mà với nó ông đã coi thường tính mạng của chính mình.
7. Nhầm lẫn kim cương với thủy tinh
Một lần vào năm 1820 ở London đã xảy ra một chuyện om sòm. Trong một buổi tối chiêu đãi các nhân vật quyền quý, một người thợ kim hoàn nổi tiếng đã nói với bá tước phu nhân (chủ nhân): “Thưa quý bà, trên ngón tay bà không phải là kim cương mà là đồ giả”.
Vào năm 1790, Straxơ – thợ kim hoàn người Viên – lần đầu đã điều chế được thủy tinh pha chì, còn gọi là phalê, với thành phần chì oxit PbO đến gần 50%. Tính chất quang học của thủy tinh này và kim cương khá giống nhau: Đều có “tia sáng” và “ánh kim cương”. Những mẩu vụn pha lê làm ta liên tưởng đến các hột xoàn. Những cục pha lê nhỏ được gọi là “stras” theo tên của Straxơ. Nhìn bên ngoài, stras khó phân biệt với kim cương, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì thấy độ cứng của nó không đạt: Nó không làm xước thủy tinh. Rõ ràng những hạt giả kim cương này đã được đem bán cho bá tước phu nhân và vì thế bà đã đeo hột xoàn lớn nhất.
Để nhuộm lại “stras”, người ta thêm vào phối liệu nóng chảy một lượng nhỏ (0,0001%) vàng (Au) dưới dạng hợp chất bất kỳ của kim loại này và nhận được ngọc rubi giả màu đỏ rực. Cho coban oxit CoO vào sẽ biến “stras” thành thủy tinh xanh đẹp, giống như ngọc xaphia. Còn thêm vào phối liệu khi nấu pha lê một ít crôm (III) oxit (Cr2O3) sẽ làm cho “stras” giống như ngọc rubi (lumzud).
8. Sự hiểu lầm thú vị
Nhà hóa học Mỹ S. Mulliken – đạt giải thưởng Nobel Hóa học năm 1966 – có bà vợ rất tận tâm và dịu hiền song chẳng biết gì về hóa học.
Một lần gia đình mở tiệc, song khi khách mời đã đông đủ thì ông vẫn ở phòng thí nghiệm chưa về.
Sau khi gọi điện cho ông, bà vợ thông báo với khách:
“Nhà tôi đang bận “giặt và là” tại phòng thí nghiệm, vì vậy ông ấy gửi lời xin lỗi các quý vị. Mời quý vị ngồi vào bàn tiệc cho”.
Khách ăn tiệc vui vẻ song không khỏi thắc mắc vì giáo sư chẳng bao giờ phí thời giờ cho những công việc lao động đơn giản. Hỏi ra mới biết, hóa ra bà vợ nghe lầm.
Ông báo tin mình đang bận “quan sát 1 ion” (To watch an ion) bà lại nghe là đang bận “giặt và là” (To wash and iron). Chẳng là hai nhóm từ này phát âm khá giống nhau.
9. Chàng phụ tá láu lỉnh
Nhà hóa học Đức Tiedman có một cuốn sổ tay mà trong đó ông vừa ghi những số liệu nghiên cứu, những nhận định về vấn đề đang tìm tòi, vừa ghi lại những ý nghĩ đầy sáng tạo lóe lên trong đầu. Ông coi nó là vật bất ly thân đáng quý nhất trên đời và chàng phụ tá giỏi giang của ông cũng biết điều đó.
Một hôm chàng trai ngỏ ý cầu hôn con gái xinh đẹp của ông. Ông từ chối gay gắt. Thế là cuốn sổ tay không cánh mà bay. Ông bực bội vô cùng, nghĩ mãi… và đoán ra thủ phạm. Con gái yêu hay sổ tay đây?
Sáng hôm sau, nhà hóa học gọi chàng phụ tá đến:
Này anh bạn, tôi bằng lòng gả con gái cho anh đấy. Nhưng anh phải cố đứng đắn lên, sống cho trung thực. Ví dụ như lấy cuốn sổ tay của tôi thì phải mang trả ngay lập tức!…
10. Nhà hóa học thường sống lâu hơn
Nhà hóa học thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc, đôi khi phải đứng hàng ngày để theo dõi phản ứng hóa học…, nên luôn phải có sức khỏe tốt?
Những bảng thống kê cho thấy tuổi thọ các nhà hóa học cao hơn tuổi thọ trung bình.
Vào thế kỷ XVIII, trong khi tuổi thọ trung bình của người châu Âu là 30 thì của các nhà hóa học là…72.
Vào thế kỷ XIX, trong khi tuổi thọ trung bình cũng của người châu Âu là 45 thì của các nhà hóa học là…75.
Nhà hóa học người Pháp Chevreul – người tổng hợp chất béo đầu tiên – đã sống tới 103 tuổi.
Roger Adams – nhà hóa học Mỹ – thọ xấp xỉ 100 tuổi.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: Tạp chí Công nghiệp Hóa chất