Cơn ác mộng Chernobyl xảy ra như thế nào?

QUẢNG CÁO

Vụ tai nạn ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện Chernobyl đã gây ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Sai lầm trong thiết kế và điều khiển tạo thành vụ nổ mạnh đến mức thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4, phát tán vô số chất phóng xạ vào môi trường sống.

Con số thiệt hại về nhân mạng trong thảm họa cho đến nay vẫn còn là điều gây tranh cãi. Đây là tai nạn nghiêm trọng hơn nhiều so với sự cố tại nhà máy hạt nhân tại Three Mile Island của Mỹ năm 1979, từng làm một số chất phóng xạ rò rỉ.

Báo cáo năm 2005 của Chernobyl Forum – tổ chức được thành lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước Belarus, Nga, Ukraina – kết luận rằng, khoảng 50 người chủ yếu là công nhân trong nhà máy đã chết do phơi nhiễm phóng xạ.

Họ ước tính 4.000 người khác có thể cũng chết sau đó do nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, tổ chức Hoà bình Xanh cho rằng, con số này cao hơn nhiều và lên đến 93.000 người. Trong khi đó, theo số liệu chính thức chỉ có 31 nạn nhân thiệt mạng tức thì sau tiếng nổ.

Một khối bê tông cốt thép trông như một chiếc quan tài khổng lồ vội vàng được xây lên, để lấp chiếc lò phản ứng bị nổ. Nhưng nó đang suy yếu theo thời gian và dự kiến sẽ phải thay thế vào năm 2007. Nhưng trước khi nó được xây chất phóng xạ đã kịp lan từ Ukraina sang nước láng giềng Belarus và nhiều nơi khác ở châu Âu.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện thêm 14 năm sau thảm hoạ và chỉ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 do sức ép của quốc tế. Một vùng cách ly có bán kính 30 km được thiết lập quanh Chernobyl và đây là một trong những điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên hành tinh hiện nay.

Cỗ quan tài bê tông che phủ lò phản ứng số 4 ở Chernobyl hiện nay (BBC).
Cỗ quan tài bê tông che phủ lò phản ứng số 4 ở Chernobyl hiện nay (BBC).

Ngày định mệnh

Một trong 4 lò phản ứng tại nhà máy Chernobyl, cách Kiev 110 km, phát nổ lúc 01h23′ giờ địa phương, ngày thứ bảy 26/4/1986. Chỉ hai ngày sau, bụi phóng xạ được phát hiện tận Thuỵ Điển, Na Uy và Phần Lan, cách đó hơn 1.600 km.

Riêng tại Thuỵ Điển, sự tăng đột biến của mức độ phóng xạ đủ lớn đến mức cho ban bố tình trạng báo động. Lúc đầu nước này tưởng rằng đã xảy ra tai nạn tại một trong những lò phản ứng của họ bên bờ biển Baltic. Lệnh di tản 600 công nhân tại đây được phát ra, trước khi các chuyên gia phát hiện nguồn chất phóng xạ đến từ Liên Xô.

Dù vậy, Liên Xô vẫn bưng bít không chịu công nhận xảy ra sự cố tại Chernobyl. Mãi tới 9h tối ngày 28/4, sau khi bị Thuỵ Điển gây sức ép dữ dội Matxcơva mới chịu ra một tuyên bố vỏn vẹn có 5 câu đề cập đến thảm hoạ trên:

“Một tai nạn đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một trong các lò phản ứng bị hư hại. Các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết hậu quả. Những nạn nhân đang được cứu trợ. Chính phủ thành lập một uỷ ban về tai nạn này”.

Từ “hư hại” không phản ánh đúng sự thật về việc một lõi lò phản ứng hạt nhân đang tan chảy, phát tán vô số chất phóng xạ vào khí quyển. Theo các chuyên gia ước tính, lượng phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl cao gấp hàng trăm lần hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Không gì đen tối hơn số phận người dân sống ở Pripyat, thành phố dành cho các nhân viên nhà máy cùng gia đình cách lò phản ứng 2 km. Cuộc sống tại đây vẫn diễn ra bình thường sau vụ nổ. Hầu hết người dân đều vô tư ra ngoài vào sáng hôm đó để “hưởng” kiểu thời tiết ấm áp khác thường. Có 16 đám cưới vẫn diễn ra vui vẻ trong ngày cuối tuần 26/4/1986.

Thành phố Pripyat chỉ nhận lệnh sơ tán sau khi vụ nổ đã xảy ra được 36 giờ. Trong khi đó, các ngôi làng lân cận phải vài ngày sau mới được di tản xong. Còn tại thủ đô Kiev cách đó hơn 100 km, người dân vẫn nô nức đón chờ cuộc diễu hành nhân ngày Quốc tế lao động mà hoàn toàn không ý thức gì về lượng phóng xạ khổng lồ đang ụp lên đầu họ.

Thổi phồng thông tin

Phải hai tuần sau vụ nổ tại nhà máy Chernobyl, chính quyền Liên Xô mới chính thức thừa nhận về một thảm hoạ hạt nhân đang tồn tại ở Ukraina. Sự bưng bít thông tin dẫn đến sự hoang mang của người dân khi người ta bắt đầu biết được một vài điều. Lúc đó xuất hiện căn bệnh tâm lý sợ nhiễm phóng xạ radiophobia ở Ukraina.

Hơn nữa, thông tin thiếu chính xác cũng gây ra sự thổi phồng và nhầm lẫn trong giới truyền thông của phương tây. Hãng thông tấn UPI trích một nguồn tin ở Kiev cho biết, có tới 2.000 người thiệt mạng ngay lập tức trong vụ nổ và con số này đã xuất hiện trên rất nhiều trang nhất các báo lớn.

Giới chức Mỹ cũng đưa ra những thông tin sai lầm dựa vào các bức ảnh chụp từ vệ tinh. Một nguồn tin Lầu Năm Góc tiết lộ với kênh truyền hình Mỹ NBC hôm 29/4/1986 rằng, con số 2.000 người chết “có vẻ đúng vì có 4.000 người làm việc tại nhà máy Chernobyl”.

Dự án tương lai nhằm cách ly lò phản ứng bị nổ với môi trường (BBC).
Dự án tương lai nhằm cách ly lò phản ứng bị nổ với môi trường (BBC).

Những người anh hùng

Tới những ngày đầu của tháng 5/1986, các nhóm trực tiếp giải quyết hậu quả vụ nổ đưa ra cảnh báo về lượng phóng xạ bị rò rỉ bắt đầu tăng trở lại. Họ lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy sẽ thiêu đốt cả hệ thống nền móng và làm nó bị sập, đồng thời khiến số nhiên liệu hạt nhân bên trong bị nổ lần nữa.

Các chuyên gia lo sợ vụ nổ thứ hai này sẽ còn lớn hơn nhiều so với vụ đầu tiên. Từ đó lõi lò phản ứng sẽ tiếp tục chìm sâu xuống lòng đất, có thể gây ô nhiễm cả nguồn nước sạch cung cấp cho thủ đô Kiev, nơi đang có 2,5 triệu dân sinh sống.

Bất chấp cái chết nhìn thấy rõ vì lượng phóng xạ cực mạnh, những người tham gia khắc phục hậu quả tại lò phản ứng số 4 vẫn dũng cảm lao vào cuộc. Họ là những người dập tắt ngọn lửa, bơm nước vào lò phản ứng và làm sạch nó bằng nitơ lỏng.

Dũng cảm không kém là những người thả cát và chì từ trực thăng vào lò phản ứng, lặn xuống hồ nước bên dưới để mở cửa cống, hoặc đào dưới chân móng lò phản ứng để lắp đặt một hệ thống ống dẫn. Hàng nghìn con người dành cả mùa hè năm 1986 để dựng lên cỗ quan tài bằng bê tông bịt kín lò phản ứng cũng xứng đáng được vinh danh vì lòng dũng cảm.

Điều đáng nói là rất nhiều công nhân tham gia khắc phục hậu quả tại Chernobyl đều trong tình trạng bị phơi nhiễm chất phóng xạ. Những người này, gồm nhiều tình nguyện viên, không hề được trang bị thiết bị đo phóng xạ tại nơi mình làm việc để ý thức được môi trường ở đó nguy hiểm như thế nào.

Trước nguy cơ đe doạ sự sống trên quy mộ rộng lớn như vậy, chính quyền Liên Xô đã huy động gần như toàn bộ sức người, sức của và trí tuệ đến Chernobyl để ứng cứu. Hơn 600 nghìn người được tập trung đến đây để tham gia chiến dịch dọn chất độc phóng xạ.

Sai lầm chết người

Nhiều năm sau thảm hoạ người ta mới biết rằng, không hề có biện pháp nào trong nỗ lực ngăn chặn sự tan chảy của lõi lò phản ứng sau vụ nổ thực sự có hiệu quả . Hầu hết số vật liệu thả từ trực thăng xuống đều đi trệch mục tiêu. Trong khi đó, chiến dịch dùng nitơ lỏng cũng được ngừng lại ngay sau khi mở màn.

May mắn là đã không xảy ra một vụ nổ lớn thứ hai như nhiều chuyên gia lo ngại. Thay vào đó là việc hình thành nên một khối đá bọt tại lò phản ứng. Số nhiên liệu hạt nhân còn lại đã chảy vào những khoang trống bên dưới lò phản ứng và hoá cứng tại đây.

Nhưng hiện còn 160 tấn chất phóng xạ vẫn đang nằm trong lòng đất Chernobyl và không ai dám chắc quả bom hẹn giờ ấy có phát nổ hay không hoặc sẽ phát nổ vào lúc nào.

Việc đầu tiên sau khi những nguy hiểm tức thì đã qua là việc truy tìm nguyên nhân tai nạn. Nhiều chuyên gia đồng ý với nhau rằng, sai sót của con người chính là nguyên nhân dẫn tới thảm hoạ. Đó là thiết kế không chính xác trong hệ thống làm mát của lò phản ứng và dẫn đến vụ nổ phá huỷ lò.

Những sai lầm nghiêm trọng của các nhân viên điều hành nhà máy cũng là tác nhân dẫn đến tai nạn. Họ đã vi phạm các nguyên tắc an toàn sản xuất và thực hiện một số động tác không được phép trong quá trình thử nghiệm thiết bị điện tại lò phản ứng số 4.

Hậu quả của thảm hoạ Chernobyl có thể hình dung qua thực tế rằng, thế hệ gây ra tai nạn này không thể tự mình giải quyết tận gốc được. Họ chỉ đủ sức kìm chế những tác hại và chờ thế hệ mai sau có cách giải quyết dứt điểm.

Một số hình ảnh vụ tai nạn hạt nhân ở Chernobyl

Thảm hoạ Chernobyl đã xảy ra 20 năm nhưng vẫn chưa thể đánh giá hết hậu quả. Thế hệ ngày nay đang cố kiềm chế tác hại của nó để đợi thế hệ mai sau giải quyết. Đây là những bức ảnh về vụ tai nạn sẽ còn ám ảnh loài người trong nhiều năm nữa.

Hiện trường vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngày 26/4/1986. Một trong bốn lò phản ứng của nhà máy, nằm cách thủ đô Kiev của Ukraina 110 km, nổ tung vào lúc 01h23′ sáng theo giờ địa phương (Memorywiki).
Ban đầu, chính quyền Liên Xô không thừa nhận có bất cứ điều gì bất thường xảy ra trong nhà máy. Họ chỉ bắt đầu cho sơ tán người dân sống xung quanh Chernobyl 36 tiếng sau tai nạn. Trong ảnh là một cảnh sát giao thông đang hướng dẫn các xe phun nước tham gia khử nhiễm xạ tại hiện trường. (BBC)
Những người tham gia giải quyết hậu quả của thảm hoạ hạt nhân đang trên đường tới nhà máy điện Chernobyl (Memorywiki).
Nhân viên nhà máy, lính cứu hoả và các quân nhân tìm mọi cách để kiểm soát lại lò phản ứng số 4 vừa bị nổ. Các máy bay trực thăng được huy động để thả cát và chì nhằm nỗ lực ngăn chặn hiện tượng lõi lò phản ứng bị chảy tan làm phát tán chất phóng xạ (BBC).
Các binh sĩ thu dọn những mảnh vỡ nhiễm xạ chết người tại hiện trường vụ nổ (Memorywiki).
Khi cơn nguy hiểm tức thì đã qua thì việc ngăn chặn sự phát tán rộng của phóng xạ trở thành thách thức chính. Hàng nghìn người được đưa tới khu vực lò phản ứng số 4 để dọn sạch khu vực bao quanh và xây một chiếc quan tài khổng lồ bằng bê tông cốt thép, bịt kín phía trên lò phản ứng để cách ly nó với mưa gió (BBC).
Khi khu vực cấm vào được thiết lập trên đất Ukraina và nước láng giềng Belarus quanh Chernobyl đã đẩy khoảng 300.000 người địa phương rời khỏi nhà cửa. Đây là một ngôi làng mới ở Ternopilske được xây dựng cấp tốc, dành cho những người phải sơ tán khỏi khu vực nhà máy điện Chernobyl (BBC).
Hai thập kỷ sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl, người ta vẫn chưa nhận thức được chính xác những ảnh hưởng đầy đủ mà những người bị phơi nhiễm phóng xạ sẽ phải hứng chịu. Ước tính số người chết vì tai nạn này sẽ dao động từ 9.000 đến 93.000 người (BBC).
Đây là công trường xây dựng chiếc quan tài bê tông tại lò phản ứng số 4, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất và sẽ bị nhiễm phóng xạ trong nhiều thế kỷ. Tuy vậy, con người vẫn có thể trở lại sinh sống ở nhiều vùng bị bỏ hoang quanh Chernobyl trong vòng vài thập kỷ nữa (BBC).
Tổ chức Chernobyl Forum cho biết, khu vực cách ly 30 km quanh nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn được duy trì. Nhưng họ gợi ý nên xây dựng lại đường xá tại các nơi khác và khuyến khích người dân trở về an cư. Đây là bức ảnh sử dụng công nghệ quang phổ quanh Chernobyl, trong đó thảm thực vật được thể hiện bằng màu đỏ (BBC).

Toàn cảnh chiếc quan tài bê tông bao quanh nơi từng xảy ra tai nạn. Theo các nhà khoa học, một chiếc quan tài mới sẽ sớm phải xây dựng do chiếc cũ được xây quá vội vàng và đang bị phân huỷ. Vào lúc xảy ra nổ đang có tới 200 tấn uranium trong lò phản ứng này (Memorywiki).

 

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Vnexpress/BBC

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận