Công nghiệp hóa chất thế giới có sớm phục hồi sau đại dịch?

QUẢNG CÁO

2020 là một năm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kinh tế thế giới. Sau 12 năm tăng trưởng ổn định và liên tục kể từ Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tưởng chừng như kinh tế thế giới chưa khi nào có triển vọng tươi sáng như trong năm 2020.

Nhưng tất cả những hy vọng đó đã bị dập tắt đột ngột khi đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới. Hàng trăm nghìn người tử vong vì dịch, hàng chục triệu người phải nhập viện, tương tác xã hội bị hạn chế, hầu hết các hoạt động kinh tế trong các vùng dịch đều bị đình trệ…. Tình trạng phong tỏa và rối loạn cùng với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ở nhiều nước trên thế giới đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế toàn cầu đã sụt giảm 4,4% trong năm 2020. IMF miêu tả sự sụt giảm này là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái trong thập niên 1930. Nền kinh tế lớn duy nhất đã đạt được tăng trưởng trong năm 2020 là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khoảng 2,3%.

Tác động của đại dịch đối với công nghiệp hóa chất

Đối với công nghiệp hóa chất, dữ liệu do Hiệp hội công nghiệp hóa chất (SCI) với trụ sở tại Luân Đôn cho thấy, trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2020 sản lượng hóa chất ở 27 nước EU đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Hội đồng hóa học Mỹ (ACC) cũng thông báo tổng sản lượng hóa chất Mỹ (không kể dược phẩm) đã giảm 3,6% trong năm 2020.

Báo cáo của ACC cho thấy tình hình giữa các lĩnh vực trong ngành hóa chất rất khác nhau. Sản xuất nhựa chất dẻo là lĩnh vực duy nhất đã đạt mức tăng trưởng dương nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Sản xuất ở các lĩnh vực hóa chất cơ bản khác đều suy giảm, đặc biệt là sản xuất cao su tổng hợp – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất lốp xe ôtô. Lĩnh vực hóa chất chuyên dụng cũng chứng kiến nhu cầu giảm ở hầu như tất cả các phân khúc thị trường.

Tại châu âu, Hội đồng hóa học châu âu (CEFIC) cho biết công nghiệp hóa chất châu lục này đã bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Tương tự như Mỹ, tác động của dịch đối với các lĩnh vực hóa chất ở châu âu cũng rất khác nhau. Ví dụ, phần lớn ngành sản xuất hóa dầu không bị ảnh hưởng vì tác động của dịch. Tuy tình trạng phong tỏa do dịch đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, nhưng nhu cầu đối với các sản phẩm hóa dầu, đặc biệt là etylen, vẫn duy trì khá tốt. Etylen được sử dụng để sản xuất rất nhiều sản phẩm cần thiết trong thời gian dịch, chẳng hạn bao bì polyetylen hoặc etylen oxit dùng để sản xuất chất tẩy rửa. Các nhà sản xuất bao bì chất dẻo có thể hy vọng sẽ đạt tăng trưởng trên 6% trong năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu ở các lĩnh vực thị trường.

Triển vọng phục hồi

Thế giới đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử để đối phó đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 112 triệu người mắc bệnh và gần 2,5 triệu người tử vong. Tính đến cuối tháng 2/2021, hơn 218 triệu liều vắc xin thuộc 7 loại khác nhau đã được tiêm tại 99 nước.

Với những chiến dịch tiêm vắc-xin đang được triển khai cấp tốc như vậy và triển vọng đẩy lùi đại dịch, cuộc sống ở một số nước như Mỹ dự kiến sẽ sớm trở lại bình thường và cùng với đó là tăng trưởng kinh tế.

Tuy ngành hóa chất sẽ hồi phục cùng với nền kinh tế, nhưng thời gian để hồi phục sẽ lâu hơn so với những ngành kinh tế khác như dịch vụ nhà hàng hoặc bán lẻ. Các chuyên gia ACC cho rằng, công nghiệp hóa chất Mỹ chỉ có cơ hội 50:50 là đến cuối năm 2021 sẽ trở lại tình trạng hoạt động như trước khi xảy ra đại dịch. Để có thể hồi phục hoàn toàn, trước mắt công nghiệp hóa chất Mỹ cần lấy lại sự suy giảm sản lượng 3,5% đã phải chịu trong năm 2020.

Trong khi đó, công nghiệp hóa chất Châu Âu bước vào năm 2021 với những triển vọng phục hồi không rõ ràng. Sự gia tăng mạnh trở lại của các ca lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là tại Anh vào cuối năm 2020, đã phủ bóng đen lên những dự báo về khả năng phục hồi của nền kinh tế châu âu. Thời gian và mức độ nghiêm trọng của những làn sóng lây nhiễm mới sẽ ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả hoạt động của công nghiệp hóa chất châu lục này. ACC ước tính sản lượng hóa chất châu âu (bao gồm Tây Âu, Trung Âu và Đông Âu nhưng không kể Nga) giảm 2,2% trong năm 2020 và dự báo sẽ tăng 3,1% trong năm 2021.

Nếu tốc độ tiêm vắc-xin đạt được như kỳ vọng, các chuyên gia IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng trở về tình trạng bình thường và kinh tế toàn cầu có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Tuy nhiên, các công ty hóa chất phương Tây sẽ khó có thể hy vọng nhiều. Quá trình hồi phục kinh tế ở những nền kinh tế lớn như như Anh hoặc Italia dự kiến sẽ chỉ diễn ra chậm, vì đó là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động dịch vụ và đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Mặt khác, nhu cầu hóa chất thường tăng mạnh vào thời kỳ đầu của quá trình phục hồi, khi các nhà sản xuất tăng cường sản xuất hàng hóa, nhờ đó các công ty hóa chất sẽ có được khởi đầu thuận lợi. Do đó, ACC dự báo sản lượng hóa chất sẽ lấy lại đà tăng trưởng, đạt tốc độ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021. Đặc biệt, ACC nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng trong năm 2020. Đó là những lĩnh vực như chất dẻo, dược phẩm, hóa dầu, hóa chất xây dựng, phụ gia thực phẩm. Trái lại, sự hồi phục của sản xuất hóa chất cung ứng cho các ngành như chế tạo xe ôtô và hàng không sẽ phụ thuộc vào triển vọng hồi phục của những ngành mà chúng phục vụ, vì vậy doanh số sơn, cao su tổng hợp, sợi tổng hợp có khả năng sẽ chỉ lấy lại một phần nhỏ những gì đã mất trong năm trước.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: Chemical & Engineering News

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *