Công nghiệp Hóa dầu bước vào thời kỳ suy thoái?

QUẢNG CÁO

Loc-dau-nghi-sonHơn nửa thế kỷ nay, các công ty sản xuất hóa dầu trên thế giới đã trải qua một kỷ nguyên vàng, kỷ nguyên của tăng trưởng và lợi nhuận cao.

Phát minh cao su tổng hợp, ni lông, polyeste, polyetylen, thủy tinh acrylic, Perspex, polystyren, Teflon và Kevlar cùng với khả năng tiếp cận dễ dàng các nguồn dầu mỏ tại Nga, Trung Đông, Bắc Mỹ đã dẫn đến những thập niên phát triển bùng nổ của ngành hóa dầu. Thế giới cần các hợp chất hóa dầu để sản xuất các sản phẩm hàng ngày cho cuộc sống hiện đại và công nghiệp hóa dầu sẵn sàng cung cấp những hợp chất đó.

Các công ty như Exxon Mobil, Chevron Phillips Chemical, SABIC, BASF, Dow Chemical, Du Pont và LyodellBassell Industries đã đạt nhiều thành công với những dự án hóa dầu trị giá nhiều tỷ USD, thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Ngay cả những đợt tăng giá dầu mỏ lên mức kỷ lục trong thập niên 1970 cũng không ngăn được sự phát triển của công nghiệp hóa dầu. Trái lại, phát hiện về các mỏ dầu mới ở vùng Biển Bắc châu Âu đã dẫn đến sự ra đời của những trung tâm sản xuất hóa dầu hiện đại như Tổ hợp Rotterdam (Hà Lan), Tổ hợp Grandemouth (Xcôtlen),…

Tuy nhiên, ngày nay đang có những lo ngại về triển vọng phát triển tương lai của công nghiệp hóa dầu, với những dự báo cho rằng kỷ nguyên vàng của ngành này sẽ sớm đi đến hồi kết.

Những dấu hiệu suy thoái

Có thể nhận thấy những dấu hiệu về thời kỳ suy thoái sắp tới của công nghiệp hóa dầu ở tình trạng mất giá của nhiều sản phẩm hóa chất và hóa dầu trong thời gian gần đây. Ví dụ, kết quả khảo sát của Công ty phân tích thị trường Global Platts cuối tháng 6/2019 cho thấy:

– Chuỗi giá trị polyetylen (HDPE, LDPE, LLDPE) đã chuyển nhanh từ xu hướng tăng giá trong tháng 4/2019 sang xu hướng giảm giá từ tháng 6/2019.

– Giá PVC toàn cầu đã tăng từ đầu tháng 5/2019, nhưng giá propylen toàn cầu lại giảm mạnh nhất trong số các sản phẩm hóa dầu.

– Giá các hợp chất thơm như paraxylen và nhựa PET đã giảm từ đầu tháng 4/2019, trong đó giá paraxylen trên thị trường toàn cầu giảm từ 1040 USD/tấn xuống 850 USD/tấn trong thời gian tháng 4 đến tháng 6/2019.

– Giá etylen glycol, nguyên liệu quan trọng cho sản xuất nhựa PET, cũng giảm 100 USD mỗi tấn trong 2 tháng qua.

Globall Platt kết luận: “Rất có khả năng là các nhà sản xuất đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho lớn của mình nhằm mục đích quản lý vốn lưu động vào cuối quý II/2019. Nếu đúng như vậy, xu hướng giảm giá vừa qua có thể sẽ chỉ là ngắn hạn. Nhưng nếu giá không hồi phục trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ đi vào chu kỳ suy giảm, như đã được dự báo từ lâu”.

Global Platts không phải công ty duy nhất ghi nhận xu hướng giảm giá các sản phẩm hóa dầu quan trọng. Gần đây, một công ty phân tích thị trường có uy tín khác là IHS Markit cho biết họ cũng quan sát thấy giá HDPE giao ngay tại thị trường Bắc Mỹ đã giảm một phần ba kể từ tháng 3/2018.

Trong khi đó, công ty tư vấn Deloitte đánh giá các công ty hóa chất đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều so với một thập niên trước, tâm lý tiêu cực trước những rủi ro và những yếu tố bất lường đã trở nên quen thuộc.

Phần lớn tâm trạng bi quan của thị trường có thể là do xu hướng yếu đi của kinh tế toàn cầu hiện nay. Quỹ Tiền tệ thế giới mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,3% (mức thấp nhất kể từ năm 2009). Trong khi đó, chỉ số PMI toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 2/2018. PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) là một trong những chỉ báo quan trọng đối với xu hướng tăng trưởng của sản xuất.

Lợi nhuận giảm

Hậu quả đầu tiên của xu hướng giảm giá là lợi nhuận giảm. Phần lớn các công ty sản xuất hóa dầu quy mô lớn đều đã đưa ra cảnh báo về sự suy giảm lợi nhuận hoặc hạ các chỉ tiêu dự báo trong những kế hoạch kinh doanh của mình.

Theo Tạp chí công nghiệp Business Report, lợi nhuận vận hành trung bình – thước đo lợi nhuận trước thuế và lãi vay – của 52 công ty hóa chất lớn trên thế giới đã giảm 22% trong quý I/2019 so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn BASF mới đây đã công bố cắt giảm 6.000 nhân sự của mình trên toàn cầu cho đến năm 2021 trong khuôn khổ các biện pháp cải cách cơ cấu với hy vọng sẽ tiết kiệm 300 triệu EUR chi phí.

Bên cạnh đó, các công ty hóa chất thuộc các tập đoàn Houston và Woodland (Mỹ) cũng đã trải qua 2 quý giảm lợi nhuận liên tiếp.

Chiến tranh thương mại

Một số nhà phân tích tin rằng, tình trạng suy giảm lợi nhuận và cắt giảm nhân sự tại các công ty hóa chất Mỹ có thể là kết quả của chiến tranh thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo cáo mới công bố, các công ty hóa chất Mỹ tại Houston cho biết chiến tranh thương mại đã làm giảm lợi nhuận trong sản xuất hóa chất và khí dầu mỏ hóa lỏng do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi, giá bán giảm, chi phí vận chuyển tăng. Chiến tranh thương mại đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế nói chung và nhu cầu đối với các sản phẩm hóa chất nói riêng.

Tất nhiên, phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đặc biệt nặng đối với công nghiệp hóa dầu Mỹ. Trong đợt đánh thuế trả đũa mới nhất theo kiểu ăn miếng trả miếng, Trung Quốc đã công bố mức thuế 25% đánh vào các sản phẩm hóa dầu và chất dẻo trị giá 10,8 tỷ USD của Mỹ.

Hội đồng Hóa học Mỹ cho rằng, mức thuế 25% rất nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng đến đầu tư vào ngành hóa dầu. Nếu mức thuế này bắt đầu được áp đặt thực sự, một số chương trình đầu tư có thể bị hoãn lại, nhu cầu tuyển lao động mới sẽ chậm lại hoặc sẽ hoàn toàn biến mất.

Giám đốc Công ty hóa dầu LyondellBasell cũng ủng hộ quan điểm là những mức thuế mới sẽ làm tăng chi phí của các dự án phát triển trong tương lai, do giá các sản phẩm khác như thép cũng sẽ cao hơn. Khi đó, thu nhập của các công ty hóa chất sẽ giảm, trong khi đó phải chi tiêu nhiều hơn để xây dựng nhà máy. Vì vậy, một số công ty Mỹ có thể sẽ trì hoãn các quyết định đầu tư mới hoặc sẽ tìm cách xây nhà máy ở những nơi khác trên thế giới.

Trên thực tế, nhiều kế hoạch đầu tư trong ngành hóa dầu tại Mỹ là nhằm mục đích phát triển sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại không phải là những tin tốt lành đối với những kế hoạch này.

Công ty hóa chất Westlake Chemical của Mỹ cho rằng, 75% trong mức sụt giảm lợi nhuận quý I/2019 của mình có liên quan trực tiếp đến lượng mua giảm của Trung Quốc và chi phí nguyên liệu tăng cao. Theo điều tra của Hội Hóa học Mỹ, xuất khẩu hóa chất của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 24% so với năm trước.

Theo IHS Markit, công nghiệp hóa dầu Mỹ đang trong xu hướng đi xuống từ những mức đỉnh lợi nhuận cách đây vài năm, nhưng những diễn biến trong năm nay đã xấu hơn những dự báo trước đó.

Vấn đề đối với các nhà sản xuất hóa chất Mỹ càng trở nên nghiêm trọng hơn, do những mức thuế mới của chính phủ Tổng thống Donald Trump đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ khi nhiều doanh nghiệp trong số này phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu duy nhất từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, một số nhà sản xuất hóa chất từ các nước khác không phải đóng thuế như vậy và đang được hưởng lợi thế về giá so với các công ty Mỹ.

Hội Hóa học Mỹ cho rằng, thay cho việc được bảo vệ thì các công ty hóa chất Mỹ lại đang bị ảnh hưởng bất lợi bởi các mức thuế mới của chính phủ Mỹ.

Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất và các chi nhánh (SOCMA) đã công bố danh sách 269 hóa chất và nguyên liệu khác mà các thành viên của Hiệp hội cho biết sẽ gây khó khăn cho họ nếu phải chịu các mức thuế mới của Trung Quốc. Trong danh sách có các sản phẩm trung gian của Công ty Sun Chemical, dùng để sản xuất các sản phẩm nông hóa, hoặc nhiều sản phẩm hóa dược như manitol dùng để sản xuất thuốc lợi tiểu. Nhiều thành phần thực phẩm cũng nằm trong danh sách này, ví dụ vanilin hoặc chất nhũ hóa polysorbate 80.

Xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu

Nhiều doanh nghiệp hóa dầu Mỹ đang tìm kiếm các thị trường khác để bù lại những cơ hội mất đi ở thị trường Trung Quốc. Nhưng xu hướng này đã dẫn đến sự sụt giảm giá trên toàn cầu, khi các nhà sản xuất hóa chất Mỹ tìm cách gia nhập các thị trường châu Âu và Trung Đông vốn đã cạnh tranh quyết liệt.

Theo một nhà phân tích tại Công ty tư vấn HIS Market, các công ty hóa chất Mỹ vẫn thu được lợi nhuận nhờ giá khí thiên nhiên thấp – nguyên liệu quan trọng cho các sản phẩm của họ. Nhưng họ sẽ phải hoạt động vất vả để có thể bán hàng vào những thị trường phân mảnh nhiều hơn và có tính cạnh tranh cao hơn. Quan sát mới đây của Công ty ICIS cho thấy, giá HDPE của Mỹ trong các hợp đồng mua bán dài hạn đã giảm 13% từ năm 2018, trong khi đó giá HDPE giao ngay tháng 6/2019 trên thị trường châu á giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu hóa dầu

Ngoài những vấn đề trên, một loạt các quy định cấm, hạn chế sử dụng chất dẻo và những động lực mới của nền kinh tế tuần hoàn đang tiếp tục trở thành cơn ác mộng cho các nhà sản xuất chất dẻo cũng như các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu cho họ. Theo khảo sát của Công ty phân tích thị trường Deloitte, những lệnh cấm sử dụng một số chất dẻo và các vấn đề về phát triển bền vững đang được các công ty trong ngành sản xuất chất dẻo nhắc đến thường xuyên như những rủi ro cho sự phát triển của ngành.

Công ty nghiên cứu thị trường hóa chất và năng lượng Accenture nhận định, trong trường hợp cực trị các lệnh cấm sử dụng chất dẻo và nhu cầu ngày càng tăng đối với chất dẻo tái chế sẽ khiến cho tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đối với các hợp chất hóa dầu gốc giảm một nửa vào năm 2040, từ 4% xuống còn 2%/năm.

Mặc dù vậy, nguồn cung hóa chất cho sản xuất chất dẻo có khả năng sẽ đạt những mức kỷ lục mới. Theo Công ty ICIS, công suất etylen năm 2022 chỉ riêng tại Bắc Mỹ sẽ tăng mạnh 73% so với năm 2016.

Trong khi nhu cầu etylen toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng từ 5 triệu lên 6 triệu tấn/năm, làn sóng các dự án etylen sắp được đưa vào vận hành sẽ dẫn đến cung vượt cầu trên thị trường cho đến năm 2031, khiến cho giá bán sản phẩm và lợi nhuận của các công ty sẽ giảm. Các nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie dự báo, tình trạng cung vượt cầu nặng nề nhất sẽ xảy ra trong thời kỳ 2023-2024.

Triển vọng tương lai

Công nghiệp hóa dầu đang đứng trước thời kỳ đầy khó khăn. Tuy nhiên, chất dẻo và các sản phẩm hóa dầu đã trở thành những thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhu cầu đối với những sản phẩm này sẽ luôn tồn tại.

Hơn nữa, tiêu chuẩn sống tại các nước đang phát triển vẫn tiếp tục đi lên, kèm theo đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm hóa dầu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, các nền kinh tế đang phát triển hiện nay sử dụng lượng chất dẻo trên đầu người cao gấp khoảng 20 lần so với các nước phát triển. Mức tiêu thụ tại Trung Quốc, ấn Độ, khu vực Viễn Đông và châu Phi ngày càng cao, tạo thành cơ hội tăng trưởng cho sản xuất hóa chất và sản xuất hóa dầu nói chung.

Theo Công ty tư vấn Deloitte, hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất trong công nghiệp hóa dầu về cơ bản là lành mạnh và tăng trưởng nhanh hơn lĩnh vực sản xuất nhiên liệu, vì vậy ngành này vẫn có triển vọng tốt trong tương lai.

Tuy nhiên, các công ty trong ngành công nghiệp hóa dầu cũng cần nhận thức rằng thời gian đã thay đổi. Nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó những căng thẳng về nguồn cung dầu mỏ sẽ thường xuyên gây khó khăn cho các chuỗi cung ứng. Hơn nữa, tình trạng bấp bênh của các kế hoạch đầu tư mới và khả năng suy thoái đã được dự báo từ lâu nay của nền kinh tế toàn cầu cũng là những điềm báo hiệu về sự kết thúc thời kỳ hưng thịnh của công nghiệp hóa dầu.

Có thể nói, thời kỳ của những lợi nhuận kỷ lục đã qua đi, kỷ nguyên vàng của công nghiệp hóa dầu đang dần trở thành quá khứ.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn Chemistry & Industry

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *