Đặt cược vào năng lượng xanh, các quỹ đầu tư gom vét uranium

QUẢNG CÁO

Giá bột uranium cô đặc đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 giữa lúc các quỹ đầu tư chạy đua mua nhiên liệu sản xuất điện hạt nhân này khi họ đặt cược vào cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh. Uranium giờ đây là một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề đầu tư bền vững vì sản xuất năng lượng hạt nhân thải ít khí carbon hơn điện gió, điện mặt trời và ngay cả thủy điện.

Đặt cược vào năng lượng xanh, các quỹ đầu tư gom vét uranium

Giá bột uranium cô đặc đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Ảnh: Bloomberg

Uranium tỏa sáng giữa cơn khát năng lượng

Đợt tăng giá 40% uranium trong tháng qua đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Các quỹ như Light Sky Macro, Anchorage Capital và Tribeca Investment Partners rất lạc quan về triển vọng đối với vật liệu phóng xạ này vì cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm nổi bật vai trò của năng lượng hạt nhân trong tiến trình chuyển đổi khỏi các nhiên liệu hóa thạch.

Giá uranium thô, hay còn gọi là “bánh vàng”, đã tăng lên mức 50 đô la Mỹ / pound (0,453kg) vào tháng trước, cao nhất kể từ năm 2012. Diễn biến này đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới gia nhập vào thị trường uranium lần đầu tiên kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi giá uranium phục hồi trong một thời gian dài. Rõ ràng dòng tiền đầu cơ đang quay trở lại lĩnh vực này, dẫn đến có những chuyển động giá mạnh mẽ trong tháng 9″, Ben Cleary, đồng Giám đốc quỹ đầu tư Tribeca Investment Partners có trụ sở ở Singapore, nói.

Với động thái mua vào một lượng uranium lớn, Công ty quản lý tài sản Sprott ở Canada đã kích hoạt cơn tăng giá gần đây của nhiên liệu này. Sprott đã gom hơn 10 triệu pound (4.535 tấn) uranium trong nhiều tháng qua và dự kiến sẽ mua thêm nữa. Hiện quỹ Sprott đang nắm giữ 28 triệu pound uranium, đủ để vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Pháp trong 1 năm. Pháp là một trong những nước phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hạt nhân với khoảng 70% sản lượng điện đến từ ngành này.

Kể từ khi Sprott cho ra mắt quỹ mua uranium vật chất, có tên là Sprott Physical Uranium Trust hồi tháng 8, giá uranium đã tăng gần 60%. Động thái gom vét uranium của Sprott đã làm dấy lên mối lo ngại rằng quỹ này có thể sẽ kiểm soát thị trường uranium vật chất. Một viễn cảnh như vậy sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu vì tầm quan trọng chiến lược của uranium đối với lĩnh vực quân sự và sản xuất điện.

Nick Lawson, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Ocean Wall ở London, cho rằng động thái thâu tóm nguồn cung uranium của Sprott có thể khiến các nhà máy điện hạt nhân thiếu nhiên liệu quan trọng.

Giám đốc điều hành Sprott, John Ciampaglia, bác bỏ lo ngại trên và nói rằng việc ra mắt quỹ Physical Uranium Trust giúp cân bằng thị trường uranium với khối lượng giao dịch khoảng 180 triệu pound mỗi năm. Theo ông, giá uranium cao sẽ khuyến khích hoạt động khai thác vật liệu phóng xạ này.

Quỹ Physical Uranium Trust của Sprott là một trong số ít nhà đầu tư mua và trữ uranium vật chất. Hầu hết các quỹ khác đều tăng cường đầu tư vào uranium bằng cách mua cổ phiếu của công ty khai thác quặng uranium.

Rob Crayfourd, nhà quản lý danh mục đầu tư ở quỹ CQS New City Investment Managers, cho rằng uranium được chú ý sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc đẩy giá khí đốt và than lên các mức cao kỷ lục trong tháng này.

Nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt trong dài hạn

Kể từ sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011, giá uranium đã rơi từ mức 70 đô la xuống 18 đô la/pound trong năm 2017, khiến nhiều mỏ khai thác phải đóng cửa và nguồn vốn đầu tư cho các dự án khai thác uranium cũng cạn kiệt. Công suất khai thác uranium đã giảm 45 triệu pound trong 5 năm qua.

Các công ty điện hạt nhân hiện tại trên thế giới mua 180 triệu pound uranium mỗi năm thông qua các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, chỉ có 125 triệu pound uranium được khai thác hàng năm. Điều này có nghĩa là các nguồn cung khác như các kho dự trữ uranium sẽ được sử dụng để bù đắp khoảng trống này.

Mức thâm hụt nguồn cung sẽ càng tăng lên khi có 46 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên toàn cầu và có thể 99 lò phản ứng nữa được lên kế hoạch xây dựng.

Sprott ước tính nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng 49% trong giai đoạn 2019-2040. Hiệp hội hạt nhân thế giới dự báo trong khoảng thời gian đó, nhu cầu uranium sẽ tăng lên mức 292 triệu pound mỗi năm.

Ben Melkman, người sáng lập quỹ Light Sky Macro, nhận định nguồn dự trữ uranium suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh Covod-19 khiến nguồn cung nhiên liệu này càng thắt chặt và nhu cầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới.

Trong báo cáo gần đây, Ben Melkman viết: “Sự chú trọng ngày càng tăng vào năng lượng xanh ở cấp độ chính trị và nhu cầu tăng về tài sản bền vững trong cộng đồng đầu tư sẽ biến uranium thành một trong những ngành giao dịch có lợi nhuận tiềm năng vượt xa nguy cơ thua lỗ trong trong những năm tới”.

Cũng kiếm được lợi nhuận trong đợt tăng giá uranium vừa qua là Sean Benson, người sáng lập quỹ Tees River, có trụ sở tại London (Anh). Giá trị tài sản của Tees River đã tăng  115% trong năm nay sau khi mua cổ phiếu của các công ty khai thác uranium.

Benson nhận định rằng tình trạng thâm hụt nguồn cung so với nhu cầu trên thị trường unranium và chương trình nghị sự về chống biến đổi khí hậu đã tạo ra các nền tảng cơ bản hỗ trợ cho đà tăng giá hiện tại của uranium.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Financial Times/KTSG Online

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *