Điện hạt nhân Việt Nam: Kết quả RD đã thành dự án

QUẢNG CÁO

(Hóa học ngày nay-H2N2)-Với các cuộc gặp gỡ và ký kết các văn bản hợp tác giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nga và Nhật Bản ở Hà Nội, sự nghiệp phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới mang tính quyết định.

Từ đề tài RD đến dự án NMĐHN

Ý tưởng đưa Điện hạt nhân (ĐHN) vào Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trong phạm vi nghiên cứu phát triển RD từ 20 năm trước, với đề tài KC 09.17 “Nghiên cứu khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KC 09 về “Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân” trong những năm 1991-1995. Tiếp theo là các đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu phát triển RD các cấp khác nhau được triển khai.

20 năm đã đi qua, những ý tưởng ban đầu từng bước, từng bước đi vào hiện thực. Các kết quả nghiên cứu, tính toán, các bộ số liệu phong phú thu thập từ thực tế trong các đề tài RD đã được khai thác sử dụng và phát triển để đưa vào dự án xây dựng NMĐHN.


Ý tưởng đưa ĐHN vào VN đã bắt đầu xuất hiện trong phạm vi nghiên cứu
phát triển RD từ 20 năm trước (ảnh: internet)

Trong đó, các hồ sơ số liệu dự báo về phát triển nền kinh tế xã hội, về đà tăng trưởng nhu cầu điện năng, về tiến độ đưa điện hạt nhân vào mạng lưới v.v… có giá trị to lớn trong việc định ra lộ trình 20 năm (2010-2030) phát triển Điện Hạt nhân (ĐHN).

Các kết quả nghiên cứu khảo sát trong các đề tài và nhiệm vụ RD khác nhau cũng góp phần to lớn xác định các địa điểm khả thi cho các NMĐHN tương lai. Các địa điểm NMĐHN dự báo đó hầu như nằm ở vùng Trung bộ của nước ta, đặc biệt tập trung ở nam Trung bộ. Điều nay cũng dễ hiểu, nếu biết rằng ở vùng này hội tụ nhiều yếu tố ưu tiên trong tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trước hết là yếu tố an toàn cho hoạt động của NMĐHN trước các mối đe dọa của tự nhiên. Số liệu khí tượng tích lũy hàng trăm năm qua và số liệu khảo sát cấu tạo địa chất …thu thập được đã chỉ rõ vùng này được xem là ít khả năng mưa bão, động đất, sóng thần. Ngoài ra, bờ biển miền Trung với biển cả vô tận là nguồn nước làm nguội lý tưởng cho lò phản ứng của NMĐHN. Ở đây, khảo sát cho thấy mật độ dân cư thưa thớt và xa các thành phố lớn rất thích hợp với địa điểm xây dựng nhà máy. Mặt khác, về mặt kinh tế, số liệu khảo sát cũng chứng tỏ vùng trung và nam Trung bộ đáp ứng các tiêu chí cần thiết như nhu cầu lớn về điện năng, gần các con đường giao thông trên bộ, bến cảng v.v….

Rõ ràng, từ một chương trình, một đề tài nghiên cứu phát triển RD, giờ đây một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đã hình thành, đã được Quốc hội xem xét, được Chính phủ chuẩn y và một lộ trình 20 năm thực sự đã được khởi động. 

Lộ trình 20 năm, 14 lò và 15.000 Mê-ga-oat

Theo Quyết định số 906/QĐ-TTG của Chính phủ, định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 là: từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân, bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.
Theo Quyết định số 906/QĐ-TTG, và cũng theo báo cáo mới nhất của đại diện Bộ Công Thương tại “Hội thảo Khoa học Vật lý hạt nhân, Năng lượng cao và Thiên văn (ở Hà Nội ngày 9/11/2010)”, lộ trình xây dựng NMĐHN trong 20 năm tới được trình bày trong bảng sau.

Bảng danh mục, quy mô công suất và tiến độ các tổ máy điện hạt nhân

STT Nhà máy Công suất (MW) Năm vận hành
1 Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 1 1.000 2020
2 Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 2 1.000 2021
3 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 1 1.000 2021
4 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 2 1.000 2022
5 Điện hạt nhân Phước Dinh 3 1.000 2023
6 Điện hạt nhân Phước Dinh 4 1.000 2024
7 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 3 1.000 2024
8 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 4 1.000 2025
9 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 1 và 2 2 x 1.000 2026
10 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 3 1.300 – 1.500 2027
11 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 4 1.300 – 1.500 2028
12 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 5 1.300 – 1.500 2029
13 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 6 1.300 – 1.500 2030
  Tổng công suất (MW) 15.000-16.000  

Từ bảng trên có thể thấy, phù hợp với các kết quả khảo sát của các đề tài nghiên cứu RD, 8 địa điểm hay 8 nhà máy điện hạt nhân tương lai đã được định hướng xây dựng ở 5 tỉnh Trung bộ, trong đó tập trung chủ  yếu ở nam Trung bộ, đó là Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi.

Các mốc thời gian quan trọng trong định hướng phát triển các NMĐHN đã được đặt ra khá cụ thể, đó là: 
a/ đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW sẽ đi vào vận hành,
b/ đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW, và
c/ tăng công suất lên khoảng 14.000 – 15.000 MW vào năm 2030, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện toàn quốc.

Rõ ràng, với 14 tổ máy (hay 14 lò phản ứng hạt nhân năng lượng) và tổng công suất điện hạt nhân khoảng 15.000 Mê-ga-oat, lộ trình 20 năm xây dựng nền công nghệ điện hạt nhân của Việt Nam thực sự đã bắt đầu.

Với lộ trình đó, khi được kết thúc thành công, ngành điên hạt nhân sẽ bổ sung thêm 10% công suất vào lưới điện quốc gia, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển bền vững nền kinh tế xã hội của đất nước Việt Nam.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Vietnamnet

 

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *