Dioxin và chất độc màu da cam

QUẢNG CÁO

1. Chất độc màu da cam là gì?

Dioxin-2D-skeletalChất độc màu da cam là tên gọi thông dụng của một loại thuốc diệt cỏ, chất làm rụng lá (hay còn gọi là hóa chất khai hoang) được dùng trong quân đội với mục đích phá hủy lớp thảm thực vật trong vùng khí hậu nhiệt đới như Đông Nam Á nhằm hạn chế diện tích ẩn nấp của kẻ thù.

Tên gọi “da cam” xuất phát do màu da cam là màu đánh dấu của các thùng chứa hợp chất này. Tương tự, ngoài chất độc màu da cam được biết đến nhiều nhất, còn có các loại thuốc diệt cỏ khác như “chất màu tím”,“chất màu trắng”, “chất màu hồng”, “chất màu xanh” và “chất màu lục” đã được sử dụng với cùng mục đích.

65% các thuốc diệt cỏ có chứa 2,4,5-T với hàm lượng khác nhau TCDD. Trong đó, chất độc màu da cam là hỗn hợp tỉ lệ 50:50 của các hợp chất hóa học 2,4-D (2,4-dichlorophenoxyacetic acid) và 2,4,5-T (trichlorophenoxyacetic acid). Chất độc màu da cam được tổng hợp vào khoảng những năm 1940, song đến những năm đầu 1960 nó được áp dụng trong quân đội bằng các cuộc thử nghiệm đáng sợ.

2. Dioxin là gì?

Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học mà tồn tại bền vững trong môi trường. Trong đó, thành phần độc nhất là TCDD (2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin). Dioxin là sản phẩm phụ của nhiều quá trình sản xuất chất hóa học công nghiệp liên quan đến clo như các hệ thống đốt chất thải, sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu và dây truyền tẩy trắng trong sản xuất giấy.

Dioxin và furan là các hóa chất độc nhất được biết đến hiện nay trong khoa học. Trong bản báo cáo draft của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) năm 1994 đã miêu tả dioxin như là một mối tác nhân đe doạ nguy hiểm đối với sức khoẻ cộng đồng. Cũng theo EPA, dường như không có mức độ phơi nhiễm dioxin nào được coi là an toàn.

Ngoài chiến tranh ở Việt Nam, dioxin trong chất độc màu da cam gây nên thảm hoạ sinh thái ở Seveso (Italia), Vịnh Thời gian (Missouri, USA), và kênh đào Tình Yêu (Niagara, USA), …

3.Tác hại của dioxin đối với cơ thể người và động vật

Chính các báo cáo của EPA đã công nhận dioxin là 1 chất gây ung thư cho con người. Năm 1997, Tổ chức quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc WHO đã công bố 2,3,7,8-TC DD là chất gây ung thư nhóm 1 (nghĩa là nhóm đã được công nhận là gây ung thư). Đồng thời, tháng 1 năm 2001, chương trình Độc học Quốc gia Hoa Kỳ đã chuyển dioxin vào nhóm “các chất gây ung thư cho người”. Cuối cùng, trong một nghiên cứu kiểm định năm 2003, các nhà khoa học cũng khẳng định không có một liều lượng nào là an toàn hoặc ngưỡng dioxin mà dưới nó thì không gây ung thư[1]. Điều này có thể hiểu là nếu một người phơi nhiễm dioxin dù lượng nhỏ nhất thì đã mang trong mình hiểm họa ung thư!

Ngoài ung thư, dioxin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh rám da (như ứng cử viên Tổng thống Ukrania, bệnh đái tháo đường, bệnh ung thư trực tràng không Hodgkin, thiểu năng sinh dục nam, nữ, sinh con quái thái hoặc thiểu năng trí tuệ, đẻ trứng (ở nữ) ..v.v

Cơ chế phân tử của dioxin tác động lên các tế bào và cơ thể người, động vật vẫn đang còn nhiều tranh cãi về chi tiết. Thời gian bán phân huỷ của dioxin trong cơ thể động vật là 7 năm hoặc có thể lâu hơn. Thông thường, dioxin gây độc tế bào thông qua một thụ thể chuyên biệt cho các hydratcarbon thơm có tên là AhR (Aryl hydrocarbon Receptor). Phức hợp dioxin – thụ thể sẽ kế hợp với protein vận chuyển ArnT (AhR nuclear translocator) để xâm nhập vào trong nhân tế bào. Tại đây dioxin sẽ gây đóng mở một số gene giải độc quan trọng của tế bào như Cyp1A, Cyp1B,… Đồng thời, một số thí nghiệm trên chuột cho thấy dioxin làm tăng nồng độ các gốc ion tự do trong tế bào. Điều này, có thể là làm phá huỷ các cấu trúc tế bào, các protein quan trọng và quan trọng hơn cả, nó có thể gây đột biến trên phân tử DNA.

Trong một đánh giá về rủi ro và nghiên cứu các vấn đề chính sách được đưa ra trong Hội nghị Quốc tế về Dioxin tổ chức tại Berlin, 2004, nhóm tác giả đến từ Cục Môi trường Liên bang Đức (Federal environmental agency) đã đưa ra kiến nghị không có mức phơi nhiễm dioxin tối thiểu nào có độ an toàn cho phép [2] (theo WHO 2002 thì mức phơi nhiễm dioxin cho phép qua thức ăn của mỗi người là 1-10pg đương lượng độc (TEQ)/ ngày).

Nguồn Thegioihoachat.com

………………………………

Tài liệu tham khảo:

1. Drew, C.H., D.A. Grace, S.M. Silbernagel, E.S. Hemmings, A. Smith, W.C. Griffith, T.K. Takaro, and E.M. Faustman, Nuclear waste transportation: case studies of identifying stakeholder risk information needs. Environ Health Perspect, 2003. 111(3): p. 263-72.
2. Gies, A., G. Neumeier, M. Rappolder, and R. Konietzka. Risk assessment of Dioxins and Dioxin-like PCBs in Food – Comments by the German Federal Environmental Agency. in 24th International Symposium on Halogenated Environmental Organic Pollutants and Persistent Organic Pollutants (POPs) — “DIOXIN 2004”. 2004. Berlin, Germany.

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *