Cái gì đã cản trở làm cho platin “thua kém” vàng một thời gian dài? Đó là do nhiệt độ nóng chảy cao của nó (1.7690C). Trong thế kỷ 16 và 17, những người thực dân Tây Ban Nha đã chở không biết cơ man nào là vàng, bạc châu báu từ châu Mỹ về nước. Một lần, khi đi dọc theo một con sông ở Côlômbia họ tìm thấy vàng và những hạt kim loại màu trắng rất nặng. Vì không có cách nào để làm nóng chảy được thứ kim loại này nên những người Tây Ban Nha thấy nó là vô tích sự, chỉ tổ gây khó khăn cho việc tinh chế vàng, do đó họ đặt tên cho kim loại này là platin, nghĩa là “bạc xấu”.
Mặc dầu vậy, họ cũng mang về Tây Ban Nha và bán platin với giá rất rẻ so với bạc. Nhưng những người thợ kim hoàn nước này không phải tay vừa. Họ tìm ra bí mật có thể nấu chảy lẫn platin và vàng. Thế là xuất hiện những đồ trang sức “dởm” và những đồng bạc giả. Vua Tây Ban Nha biết được bèn ra lệnh cấm nhập platin và đem đổ tất cả kho dự trữ platin xuống biển và sông sâu.
Về phương diện khoa học, từ năm 1557 nhà khoa học Italia Scaligơ (G. Scaliger) đã mô tả thứ kim loại trắng tìm thấy ở Nam Mỹ. Hai thế kỷ trôi qua, Viện Hàn lâm Khoa học Pari gửi một đoàn thám hiểu sang các thuộc địa Tây Ban Nha, khi về nước, một viên trung úy trẻ người Tây Ban Nha có tên Ungioa trong đoàn thám hiểu đã viết một cuốn sách “Bản tường trình lịch sử về chuyến đi Nam Mỹ” và in tại Madrit năm 1748. Trong sách nói rằng có một mỏ vàng phải bỏ không khai thác vì trong quặng có chứa hàm lượng platain cao.
Hai năm sau một số nhà khoa học Anh, trong đó có Oatxơn đã nghiên cứu và mô tả tỉ mỉ kim loại mới này. Tháng 11 năm 1750, Oatxơn đã công bố về sự tìm ra một kim loại mà ông gọi là “Platin – del – pinto”. Công trình này đã gây được sự chú ý của nhiều nhà khoa học. Đến năm 1752, nhà hóa học Thụy Sĩ Sephtơ (H. Scheffer) công bố một báo cáo chi tiết về platin. Sau đó nhiều bài báo tương tự xuất hiện. Đến năm 1772, Sickinghen nghiên cứu tỉ mỉ những tính chất của platin và hợp kim của nó với vàng và bạc. Ông cũng nghiên cứu tính tan của platin trong nước cường toan. Đặc biệt ông đã dùng amoniclorua để kết tủa platin trong dung dịch. Đáng tiếc những kết quả này mãi 10 năm sau mới được công bố.
Tóm lại, nên đặt năm nào là năm tìm ra platin? 1748? 1750? Và ai đã xứng đáng là tác giả tìm ra kim loại quý này. Đó là vấn đề còn gặp phải nhiều tranh luận bàn cãi.
Vàng, bạc là bạn lâu đời của loài nhưng platin (cũng như những nguyên tố thuộc họ platin) cũng là bạn của nền văn minh nhân loại. Platin bị chê oan là “dởm”, của “giả” vì nền văn minh của thế kỷ 16 và 17 chưa đủ để thấy được giá trị của platin.
Cuối thế kỷ 20, platin quý hơn vàng, những đồ trang sức bằng vàng có lẫn platin còn giá trị hơn vàng nguyên chất. Đồng tiền làm bằng platin ngày nay là của hiếm trong những viện bảo tàng thế giới.
Platin có nhiệt độ nóng chảy cao, lại có độ bền hóa học cao hơn cả vàng nên nó được dùng làm chén nung trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Hợp kim gồm platin và radi (dòng họ platin) được dùng làm nhiệt kế nhiệt điện để do nhiệt độ cao (đến 1.6000C). Mẫu đơn vị khối lượng (kg) và đơn vị chiều dài (m) của thế giới ngày nay làm bằng platin và irindi.
Ngoài ra, platin còn là cất xúc tác cực tốt cho nhiều phản ứng trong hóa học hữu cơ và vô cơ.
Hoahocngaynay.com
Nguồn: Mai Diệu Linh – (Hóa học & Ứng dụng)