(H2N2)-Nguồn gốc của vi khuẩn E.coli khiến hơn chục người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị ốm do ăn dưa chuột nhiễm khuẩn ở Đức và các nước châu Âu có thể do nguồn nước bị nhiễm phân gia súc.
Ngày 31/5, báo Guardian trích dẫn ý kiến của một số nhà sinh vật học cho rằng, việc sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi gia súc và gia súc được nuôi trong diện tích chật hẹp có thể là nguyên nhân khiến nguồn nước chảy tới khu trồng rau quả bị nhiễm khuẩn.
Những chủng vi khuẩn này có thể gây chết người nhưng dường như chúng không “hề hấn” gì với gia súc, thậm chí ngay cả lúc gia súc lội cả xuống nước khi có điều kiện.
Từ một loại vi khuẩn thân thiện và có lợi với con người, E.coli đã trở thành “sát thủ” có mặt ngay trong món salad thân thuộc với mọi người.
Vi khuẩn E.coli. (Nguồn: Guardian) |
Trên thực tế, không phải tất cả các chủng E.coli đều độc. Thậm chí, hầu hết các chủng đều có lợi cho động vật chủ. E.coli là vi khuẩn đường ruột thông thường, thích sống trong ruột già. Chúng có tác dụng bảo vệ cơ thể, vì sau khi trẻ em ra đời, E.coli hình thành trong đường ruột, cản trở các loại vi khuẩn gây bệnh bằng cách chiếm hết không gian còn trống trong ruột. E.coli cũng tổng hợp vitamin K2 có lợi cho cơ thể.
Giống hầu hết những sinh vật khác, khi E.coli thâm nhập nhầm cơ quan trong cơ thể, ngay cả những chủng không mang độc tính sẽ gây ra nhiều vấn đề như nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Sự có mặt của E.coli trong môi trường là bằng chứng cho thấy môi trường đã bị nhiễm phân.
E.coli không chỉ có trong cơ thể người mà có cả trong ruột động vật. Để phát hiện tình trạng nhiễm phân có phải do nhà máy xử lý nước thải hoặc nước từ các nông trại chảy ra cần thực hiện kiểm tra ADN.
Dưa chuột nhiễm E.coli từ phân gia súc |
Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc E.coli cũng vô cùng phức tạp vì vi khuẩn có khả năng trao đổi thông tin di truyền theo chiều ngang.
Vi khuẩn có khả năng hoạt động như thể chúng là một loại siêu vi khuẩn, chứa nhiều loại tế bào khác nhau chứ không phải loại vi khuẩn đơn bào. Chúng chia sẻ với nhau các đoạn ADN nhỏ. Vi khuẩn không truyền lại thông tin di truyền cho thế hệ con cháu, mà chúng trao đổi gene theo chiều ngang. Điều này không đơn giản như việc cho lai ngựa với lừa để tạo ra con la, mà các loại vi khuẩn khác nhau như kiểu con người và con vẹt có chung một số đoạn ADN mà vẫn có thể sinh sản.
Vi khuẩn trao đổi gene theo ba cách, nhưng phương án có khả năng xảy ra nhất là loại E.coli đang tấn công nhiều người ở miền bắc nước Đức tích lũy độc tính qua quá trình gọi là sự tiếp hợp của vi khuẩn – hay “sex vi khuẩn”.
Sự tiếp hợp của vi khuẩn xảy ra khi một chủng vi khuẩn/bên cho chuyển ADN cho vi khuẩn khác/bên nhận. Nhưng quá trình tiếp hợp này không giống hệt nhau, bởi thay vì chia sẻ một nửa bộ di truyền cho con cái, vi khuẩn cho chỉ truyền một đoạn nhỏ ADN cho vi khuẩn nhận, và vi khuẩn nhận cũng không phải thế hệ con.
Tình trạng nhiễm khuẩn E.coli ở châu Âu trong những ngày tới có thể còn trầm trọng hơn, sau khi 14 người ở Đức đã thiệt mạng và hàng trăm người bị ốm vì ăn rau quả sống. Dưa chuột từ TP. Almeria và Malaga của Tây Ban Nha được coi là nguồn gốc của đợt bùng phát, vì dưa chuột từ đây được xuất khẩu sang Đức rồi tái xuất sang các nước châu Âu, nhưng chính quyền Tây Ban Nha chối bỏ vì cho rằng chưa thể xác định chính xác rau quả bị nhiễm khuẩn khi nào và ở đâu. Cơ quan quản lý bệnh tật của Đức xác nhận 329 trường hợp nhiễm khuẩn ở nước này, dù một số bài báo nói rằng con số nạn nhân lên tới 1.200 trường hợp. Chính quyền Thụy Điển cho biết họ phát hiện 36 trường hợp nghi nhiễm, đều là những người đã đi du lịch tới miền bắc nước Đức. Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn cũng được phát hiện ở Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan và Anh. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường ruột đã bị hội chứng ure huyết tan máu (HUS), gây tổn thương thận và có thể dẫn tới tử vong. Các nước châu Âu gồm Nga, CH Czech, Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Áo đã cấm nhập hoặc loại bỏ rau quả nhập khẩu khỏi các siêu thị vì lo lắng. Tổ chức Y tế thế giới coi đại dịch này là “có quy mô lớn và vô cùng nghiêm trọng” và thúc giục các nước hợp tác với nhau để tìm ra nguồn gốc lây lan. |
Trúc Quỳnh (Theo Guardian, BBC)
Nguồn Báo Đất Việt