Fukushima: nước biển có tỷ lệ nhiễm phóng xạ cao

QUẢNG CÁO

fukushima(H2N2)-Ngày hôm nay, 30/03/2011, TEPCO, tập đoàn khai thác nhà máy điện Fukushima, ra thông báo là nước biển trong khu vực cách nhà máy Fukushima khoảng 300 mét về phía nam có tỷ lệ nhiễm xạ iode cao hơn mức cho phép 3355 lần. Đây là mức cao nhất kể từ khi xẩy ra sự cố ngày 11/03. Hôm chủ nhật, tỷ lệ nhiễm phóng xạ iode đã cao hơn mức cho phép 1850 lần.

Từ nhiều ngày qua, nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã thải ra nhiều chất nhiễm phóng xạ cao, chủ yếu là iode và cesium. Việc phun nước làm nguội các lò phản ứng càng làm cho nước bị nhiễm phóng xạ lây lan nhanh và thẩm thấu xuống lòng đất.
Theo tập đoàn TEPCO và Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản thì nước bị phóng xạ thải ra biển sẽ bị loãng đi do thủy triều và những nguy cơ ô nhiễm đối với rong tảo và các hải sản không lớn.
Giới chuyên gia cũng có cùng thẩm định như trên nhưng nhấn mạnh là khu vực biển cũng như lãnh thổ gần Fukushima sẽ bị ảnh hưởng phóng xạ nặng nề và lâu dài.
Các chuyên gia Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục các sự cố tại Fukushima và chính quyền Tokyo đã buộc phải cầu cứu đến sự trợ giúp của Mỹ và Pháp.
Ngày hôm nay, chủ tịch tập đoàn hạt nhân Pháp Aréva, bà Anne Lauvergeon, cùng với ba chuyên gia đã tới Nhật Bản để xem xét các biện pháp hỗ trợ TEPCO, trong lúc đó, tổng giám đốc của tập đoàn này lại phải nhập viện do huyết áp cao. Từ nay, phó chủ tịch và chủ tịch danh dự của TEPCO chịu trách nhiệm lãnh đạo xử lý sự cố.
Đại diện của tập đoàn này cho biết là sẽ từ bỏ, không thể khôi phục được bốn lò, từ số 1 đến số 4 do bị hư hại nặng, vấn đề chính hiện nay là ngăn chặn không cho phóng xạ thất thoát ra ngoài. Các lò số 5 và 6 coi như được khắc phục, có thể làm chủ được tình hình tại đây. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu có khởi động lại hai lò này, thì tập đoàn sẽ xin ý kiến chính phủ và những người dân ở xung quanh.
Còn bộ Kinh tế Nhật Bản thông báo sẽ xem xét lại và bổ xung các quy định về an toàn đối với hơn 5 chục lò phản ứng hạt nhân tại nước này. Điện hạt nhân đáp ứng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản, tuy nhiên, bộ trưởng Kinh tế Banri Kaieda nói rằng sau sự cố Fukushima, chính phủ sẽ xem xét lại chính sách năng lượng và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.
Cũng trong ngày hôm nay, bộ Môi trường Trung Quốc cho biết là mây hơi nước có nhiễm phóng xạ của nhà máy Fukushima đã xuất hiện trong không khí tại nhiều tỉnh cũng như ở Bắc Kinh.
Iode 131 đã được phát hiện trong khí quyển ở Hà Nam, miền trung, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, miền bắc, Bắc Kinh và Thiên Tân, miền bắc.
Mặt khác, Cesium 137 và 134 được phát hiện trong không khí ở tỉnh An Huy, phía đông, Quảng Đông, Quảng Tây, phía nam cũng như ở Ninh Hạ, phía tây bắc. Đây là những tỉnh nằm sâu trong lục địa.
Bộ Môi trường Trung Quốc trấn an rằng khối lượng phóng xạ được phát hiện ở mức độ rất thấp, chỉ bằng một phần nghìn khối lượng phóng xạ mà một du khách nhận được trong một chuyến đi máy bay dài 2000 km. Điều đó có nghĩa là khối lượng phóng xạ này không tác động đến sức khỏe và do vậy, chưa cần đến các biện pháp phòng ngừa.
Đức Tâm
Nguồn RFI

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận