Mỗi đồ vật nhựa đều được đánh số hiệu, từ đó ta có thể biết cái nào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Nếu bạn vô tình lật ngược một chiếc vỏ chai Lavie hoặc một hộp dầu gội đầu, bạn sẽ thấy những con số nằm gọn trong dấu hiệu “recycle”, vậy bạn có biết những con số này có ý nghĩa như thế nào không?
Nếu bạn là nhân viên một công ty tái chế đồ nhựa, thì những con số này giúp bạn có thể biết được loại đồ nhựa nào có thể tái chế được, loại nào không.
Còn nếu bạn muốn tìm hiểu xem loại hộp nhựa nào có thể sử dụng để đựng thức ăn an toàn và hợp vệ sinh nhất, thì những con số trên cũng sẽ giúp bạn giải quyết thắc mắc đó.
Có 7 loại số mà các bạn sẽ thấy chúng xuất hiện trên các hộp nhựa, phản ánh 7 loại khác nhau của đồ nhựa được phép lưu hành trên thị trường. Một số loại thì ít độc hại cho sức khỏe của chúng ta và thân thiện với môi trường, còn một số khác thì không. Một số loại dễ dàng tái chế, trong khi một số khác khả năng này ít hơn.
Số 1: Là loại nhựa polyethylene terephtalate, hay còn được gọi là PETE hoặc PET. Hầu hết các chai soda và chai nước khoáng… đều thuộc loại đồ nhựa số 1. Loại nhựa này nói chung là an toàn, tuy nhiên, với bề mặt xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ lại, do đó, nó chỉ được xem là loại đồ nhựa chỉ sử dụng một lần và rất dễ dàng để tái chế.
Số 2: Đây là loại nhựa có tỷ trọng polyethylene cao, hay còn được gọi là HDPE. Hầu hết các bình sữa cho trẻ em, chai đựng sữa, nước trái cây, hoặc chứa các loại nước tẩy rửa… đều là loại nhựa số 2. Tuy có màu đục nhưng loại nhựa này được xem là an toàn và khả năng tích tụ vi khuẩn thấp. Nhựa số 2 cũng được xem là có thể dễ dàng tái chế.
Số 3: Đây là loại nhựa được làm từ polyvinyl clorua, hoặc PVC. Các loại giấy gói thực phẩm, chai đựng dầu ăn, đường ống dẫn nước… là nhựa PVC.
Trong thành phần của nhựa PVC có chứa phthalates – một trong những hợp chất hóa học gây cản trở sự phát triển của hormone, do đó, nó được xem là không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao – thông thường là đựng đồ ăn nóng hoặc nước nóng. Bạn nên hạn chế tối đa sử dụng loại nhựa số 3 trong việc lưu trữ thực phẩm càng nhiều càng tốt. Thông thường, nhựa PVC hiếm khi được chấp nhận trong các chương trình tái chế.
Số 4: Đây là loại nhựa có chứa polyethylene mật độ thấp (LDPE). Nó thường được sử dụng để làm các loại túi nhựa đựng hàng tạp hóa, giấy gói thực phẩm… Loại nhựa này được xem là khá an toàn, nhưng nó cũng không phải là đối tượng được chấp nhận trong các chương trình tái chế.
Số 5: Đây là loại nhựa được làm từ polypropylene. Hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước xiro hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút… đều được thuộc loại nhựa số 5. Loại nhựa này được xem là an toàn, và ngày càng được chấp nhận bởi chương trình tái chế.
Số 6: Nhựa Polystyrene, hay còn được gọi là xốp, thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì. Bạn cũng sẽ thấy rằng nhựa số 6 được sử dụng để làm ra các loại đĩa và ly dùng 1 lần.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng loại đồ nhựa này có khả năng tiết ra các chất hóa học độc hại, đặc biệt khi đun nóng. Do đó, chúng ta nên tránh xa các loại đồ nhựa mang nhãn số 6 càng tốt. Rất khó để tái chế các loại đồ nhựa số 6.
Số 7: Con số này về cơ bản có nghĩa là “Tất cả mọi thứ”. Đây là sản phẩm từ hỗn hợp các loại chất dẻo đã được phát minh sau năm 1987, trong đó có Polycarbonate và chất BPA rất đáng sợ.
Hầu như không có bất cứ loại đồ nhựa gia dụng nào mang nhãn số 7. Loại nhựa này đa phần chỉ được sử dụng trong công nghiệp, từ vỏ máy điện thoại, máy tính… Rất khó để tái chế nhựa số 7 và các chương trình tái chế đều không chấp nhận loại nhựa này.
Loại nhựa nào là an toàn?
Tóm lại, các loại đồ nhựa số 2, 4, 5 thường được coi là an toàn. Đồ nhựa số 1 cũng được xem là an toàn nếu chỉ được sử dụng 1 lần. Khi bạn lựa chọn đồ nhựa gia dụng, cần phải hết sức thận trọng và xem xét kỹ lưỡng những con số được đánh dấu dưới đáy các loại chai, hộp nhựa. Tốt nhất là không nên chọn những loại đồ nhựa không có nhãn mác gì nhé.
Hoahocngaynay.com
Nguồn: Kenh14.vn