(Hóa học ngày nay-H2N2)-Chiều hôm nay, 6/10, viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giảo Nobel Hóa học 2010 cho 3 nhà khoa học (2 người Mỹ và 1 người Nhật) gồm Richard Heck, đại học Delaware, Mỹ; Ei-ichi Negishi, đại học Purdue, Mỹ và Akira Suzuki, đại học Hokkaido, Nhật.
Nobel Hóa học 2010 đã được trao cho các nhà khoa học người Nhật và người Mỹ cho phương pháp ghép nối liên kết xúc tác palladium trong sự tổng hợp hữu cơ.
Giáo sư Richard F. Heck là một công dân Mỹ, sinh năm 1931, tiến sĩ năm 1954 ở trường Đại học California Los Angeles và hiện là giáo sư tại Đại học Delaware. Giáo sư Ei-ichi Negishi, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1935, tiến sĩ năm 1963 ở trường Đại học Pennsylvania, Philadelphia và hiện là giáo sư hóa học tại Đại học Purdue. Giáo sư Akira Suzuki là người Nhật, sinh năm 1930, tiến sĩ năm 1959 và đang là giáo sư giảng dạy tại Đại học Hokkaido.
Năm nay, giải Nobel Hóa học đã tôn vinh sự phát triển phương pháp ghép nối liên kết xúc tác palladium. Công cụ hóa học này đã cải thiện đáng kể khả năng cho các nhà hóa học chế tạo các hóa chất phức tạp.
“Việc tạo ra các liên kết nhờ xúc tác palladium được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu trên khắp thế giới, cũng như trong quá trình sản xuất các sản phẩm được và điện tử”, Reuters dẫn thông báo của Viện Hàn lâm.
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2010. Ảnh: AP.
Phương pháp mà các nhà khoa học trên tìm ra cho phép các nhà khoa học chế tạo được các hợp chất hữu cơ phức tạp, vốn là cơ sở của sự sống. Hóa học hữu cơ giải thích nhiều hiện tượng tự nhiên như: màu sắc của hoa, nọc độc của rắn và các loại thuốc kháng sinh như penicillin. Bằng việc tận dụng khả năng của nguyên tố carbon, con người có thể tạo ra bộ khung vũng chắc cho các phân tử chức năng. Hóa học hữu cơ do đó giúp nhân loại tạo ra các loại thuốc mới và các vật liệu có tính cách mạng như chất dẻo.
Trước đó năm 2008, Nobel Hóa học cũng đã từng về tay người Nhật và người Mỹ nhờ có công khám phá protein phát huỳnh quang xanh, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như y học, công nghệ sinh học và sinh học tế bào.
Hóa học là lĩnh vực khoa học quan trọng nhất đối với công việc của Alfred Nobel. Những phát minh của ông cũng như quá trình nghiên cứu trong ngành công nghiệp, ông đã lao động dựa trên nền tảng kiến thức hóa học.
Năm 1901, giải Nobel Hóa học đầu tiên đã được trao cho Jacobus H. van ‘t Hoff vì đã khám phá ra các định luật về động lực học hóa học và áp suất thẩm thấu trong các dung dịch.
Trị giá giải Nobel là 10 triệu crown Thụy Điển (gần 1,5 triệu USD). Đây là giải Nobel thứ ba được công bố trong năm nay, sau các giải Y học và Vật lý.
Nguồn hoahocngaynay.com