(H2N2)-Với quyết định gia hạn thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Đức và các cuộc biểu tình chống lại việc vận chuyển chất thải Castor, vấn đề có một giải pháp cuối cùng cho việc lưu trữ chất thải hạt nhân lại một lần nữa trở thành một chủ đề nóng đối với quốc gia này.
Mặc dù chưa có một nơi lưu giữ vĩnh viễn tại bất cứ nơi nào trên thế giới, sự lựa chọn phổ biến nhất là lưu giữ chất thải ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, trong lớp đá ổn định không thấm nước. Hiện nay, chất thải hạt nhân từ những ngày đầu của điện hạt nhân dân sự đã có thể nguội đi trong một vài thập kỷ qua nhưng các cơ sở lưu giữ hiện nay đã đầy, việc tìm kiếm một giải pháp lưu giữ vĩnh viễn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng liệu có giải pháp thay thế việc lưu giữ chất thải hạt nhân trong vòng hàng nghìn năm dưới lòng đất?
Về nguyên tắc, có các kỹ thuật để giảm lượng chất thải hạt nhân và chuyển các chất phóng xạ có thời gian bán rã dài thành các đồng vị phân rã nhanh hơn.
Urani, plutoni, americi và curi – tất cả các đồng vị nguy hiểm cao có trong các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng – có thể được chuyển hóa thành các chất có chu kỳ bán rã ngắn hơn trong máy gia tốc hạt. Các nhà vật lý gọi quá trình này, làm giảm độc tính của chất ban đầu, là ‘chuyển hóa’. Nhưng một cơ sở chuyển hóa quy mô lớn vẫn còn xa trong tương lai.
Với đầu tư 1 tỷ Euro, một cơ sở thí điểm sẽ được đưa vào hoạt động thử năm 2019 tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Bỉ SCK.CEN, một phần của dự án Myrrha (Lò phản ứng nghiên cứu đa năng cho các ứng dụng công nghệ cao). Sau khi chạy thử trong một vài năm, cơ sở sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 để chứng minh tính khả thi của chuyển hóa quy mô lớn.
Các đồng vị có chu kỳ bán rã dài sẽ phải chịu một dòng nơtron từ máy gia tốc hạt trong một lò phản ứng chưa tới hạn, tại đó phản ứng dây chuyền tự duy trì không thể xảy ra, vì thế chuyển hóa chúng thành các đồng vị có chu kỳ bán rã ngắn.
Chúng vẫn còn phóng xạ và nguy hiểm, nhưng không cần phải được lưu trữ an toàn trong hàng nghìn năm, mà chỉ trong một thời gian ngắn hơn nhiều. Phương pháp này có nghĩa là trên thế giới sẽ cần ít hơn nhiều các cơ sở lưu giữ vĩnh viễn và quy mô cũng nhỏ hơn.
Chuyển hóa trong lĩnh vực công nghiệp sẽ là một lựa chọn khả thi về mặt tài chính hay không, hiện nay không thể trả lời được. Nhưng cần phải đối phó với 2.500 tấn chất thải hạt nhân hàng năm từ 145 lò phản ứng của châu Âu. Và thậm chí nếu quá trình này thành công, vấn đề lưu giữ vĩnh viễn, mặc dù một lượng chất thải ít hơn, vẫn cần phải được giải quyết.
Nguồn Varans.vn/Hoahocngaynay.com