Hiểm họa từ thuốc bảo vệ thực vật

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Không thể phủ nhận những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật mang lại, nhưng chúng cũng gây ra những tác hại vô cùng to lớn như gây độc đối với con người và động vật nuôi.

“Chỉ có từ 2-5% thuốc diệt côn trùng và diệt cỏ phát huy tác dụng đúng như mục tiêu vốn có của nó. Còn lại 98% thuốc diệt côn trùng và 95% thuốc diệt cỏ không phát huy tác dụng, thậm chí còn gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường không khí, đất, nước và sức khỏe con người…”

Đó là nhận định đáng báo động của TS Lê Quốc Tuấn, trưởng khoa Môi trường và tài nguyên, Đại học Nông Lâm TP.HCM.

40 loại thuốc cho lúa

Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong sản xuất nông nghiệp nước ta, sâu bệnh, chuột, cỏ dại là mối đe dọa rất lớn, gây tổn hại nghiêm trọng đến năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Ước tính năng suất có thể sẽ giảm từ 20-25% thậm chí có khi lên đến 50% nếu không có biện pháp tổ chức phòng trừ tốt.

Để phòng trừ sinh vật gây hại bảo vệ mùa màng, trong những năm qua, người nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó phổ biến nhất là dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

“Chỉ tính trên lúa đã có trên 40 loại thuốc BVTV khác nhau được sử dụng. Do đó, nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người là rất lớn” PGS.TS Vũ Đình Tôn, Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết.

Mức độ sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp những năm qua có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của viện BVTV lượng thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam đã tăng từ 10 nghìn tấn năm 1990 lên 45 nghìn tấn năm 2003 và 50 nghìn tấn năm 2005.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, ảnh hưởng của thuốc BVTV ở mức độ nhẹ có thể gây dị ứng, đau đầu, nôn mửa. Nếu nặng, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cơ quan sinh sản và cũng có thể gây ung thư, tử vong.

Nhiều người nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc BVTV.

Theo TS Lê Quốc Tuấn, sau khi được sử dụng cho cây trồng ngoài đồng ruộng thì các loại thuốc BVTV sẽ được chuyển hóa trong môi trường đất, nước, không khí và sinh ra những hợp chất độc hại khác. Trong không khí, thuốc BVTV tồn tại dưới dạng các hạt lơ lửng và được gió đưa đến những vùng khác để tiếp tục gây hại. Một lượng thuốc BVTV nào đó có thể ngấm vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, hoa. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời từ nhẹ đến nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể tử vong.

Nâng cao nhận thức người dân

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho thấy có trên 70% nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc BVTV. Khoảng 80% số người lao động vứt vỏ chai, bao chứa thuốc BVTV ngoài đồng ruộng và trên 50% nông dân không có hiểu biết cần thiết về thuốc BVTV, chủ yếu dùng theo kinh nghiệm hoặc được những nông dân khác truyền miệng.

“Chính việc người nông dân không nắm rõ về loại thuốc BVTV mà họ sử dụng nên dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc khá bừa bãi,  đồng thời cũng tăng khả năng nhờn thuốc đối với nhiều loại sâu, bệnh và việc phòng trừ về sau là rất khó khăn”. PGS.TS Vũ Đình Tôn nói.

Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc không được phép lưu hành vẫn ngang nhiên được bày bán ngoài thị trường. “Mặc dù nhà nước đã ban hành khá đầy đủ các quy định về quản lý thuốc BVTV nhưng việc thanh kiểm tra giám sát còn nhiều bất cập. Đơn cử, muốn kiểm tra một công ty sản xuất thuốc BVTV mà không có thanh tra đi cùng thì doanh nghiệp không cho vào, trong khi lực lượng thanh tra thì lại vô cùng mỏng” TS Tuấn nhận xét.

Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc tự nhiên; sử dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu cao với những điều kiện bất lợi.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2008, cả nước đã có 6.807 vụ nhiễm độc thuốc BVTV với 7.572 trường hợp, tử vong 137 trường hợp. Ước tính, Việt Nam có khoảng 15-29 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV. Nguy hại hơn, 70%trong số này có triệu chứng ngộ độc. Lượng thuốc BVTV sử dụng trên một đơn vị diện tích đất canh tác vượt mức khuyến cáo 2,81 lần ở Đồng bằng sông Hồng và 3,71 lần ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Báo Đất Việt

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *