Hóa học xanh: Hóa học của tương lai

QUẢNG CÁO

Một thế giới không hóa chất và không công nghiệp hóa học có lẽ sẽ đỡ bị ô nhiễm hơn, nhưng như thế cũng có nghĩa là một thế giới không thuốc men, không ô -tô, xe đạp (do thiếu xăng hoặc bánh xe…), không giấy cũng không mực, không vật liệu tổng hợp, tức là không điện thoại, không máy tính, cũng chẳng phim ảnh (vì không có nhựa…). Danh sách sẽ còn tiếp tục kéo dài. Vì vậy, đã từ khá lâu rồi, người ta nuôi tham vọng gìn giữ hoặc phát triển những yếu tố tích cực nhất của ngành hóa học trong khi tìm cách giảm dần hoặc loại bỏ những yếu tố “tiêu cực” của nó.

Theo phương hướng đó, vào cuối những năm chín mươi, nhà hóa học Mỹ Paul Anastas đã đề xuất 12 nguyên tắc chính của công nghiệp hóa học “xanh” green chemistry mà ngày nay được cả thế giới biết đến. Có thể tóm tắt các nguyên tắc đó trong việc hạn chế từ gốc việc gây ô nhiễm môi trường, sử dụng những phương pháp sản xuất ít nguy hiểm, tiết kiệm năng lượng, giảm sinh ra chất thải, tăng cường sử dụng những nguyên liệu có khả năng tái chế được, sản xuất ra những sản phẩm mới, có ít hoặc không có tính độc hại với năng suất và giá thành tương đương, có quy trình kiểm soát toàn bộ “vòng đời” của sản phẩm hóa học trước khi nó được đưa ra thị trường…

Để tưởng thưởng những xí nghiệp công nghiệp có những đổi mới theo hướng tích cực đó, nước Pháp mới đây đã lập ra giải thưởng mang tên Pierre -Potier (để kỷ niệm người đã phát minh ra loại thuốc Taxotère có tác dụng chống ung thư chế từ một loại cây thông có tên tiếng Pháp là “if” (cây if thường được trồng làm hàng ràoc, có thể cao tới 15 mét, trái nhỏ màu đỏ). Một trong số các xí nghiệp được trao giải thưởng đã sáng chế ra một loại nước sơn mới dùng để kẻ các tín hiệu trên các trục đường giao thông, là một hỗn hợp bao gồm chất thải của công nghiệp làm giấy, nhựa thông và dầu thực vật, thay thế cho loại sơn cũ vốn được chế từ nhựa dầu mỏ. Các xí nghiệp khác thì cho ra loại sơn nước không cần dung dịch hòa tan; quy trình tổng hợp nylon không chất thải; nhựa có khả năng tái chế được làm từ dầu hạt cây trẩu (ricin) dùng trong các ống dẫn khí đốt thiên nhiên…

Ngày nay, hóa xúc tác là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn, có tác dụng đẩy nhanh tốc độ của các phản ứng hóa học, kết quả là giảm được việc sinh ra những sản phẩm phụ không cần thiết hoặc giảm lượng chất thải độc hại, và nhờ vậy tiết kiệm được nguyên liệu và năng lượng… ở Pháp có khoảng 25 trung tâm nghiên cứu thí nghiệm chuyên về chất xúc tác. Một cực nghiên cứu nữa là việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hoặc sinh khối (biomasse) vào những ứng dụng không phải là thực phẩm. Trong lĩnh vực này, Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA) đã cho ra đời nhiều sản phẩm “xanh” như hoạt chất tẩy rửa làm từ cây cải hạt dầu (colza), màu thực phẩm làm từ trái táo, nhựa làm từ tinh bột các loại ngũ cốc (bioplastique)…

Một số lĩnh vực hóa học nữa cũng đang phát triển mạnh mẽ là công nghệ nano, động cơ siêu nhỏ (micro-réacteur), hóa phân tích và ngành écotoxicologie (nghiên cứu các yếu tố độc hại đối với môi trường). Theo dự báo, trong 10 năm tới, hóa học xanh sẽ chiếm tới 30% sản lượng công nghiệp hóa chất của nước Pháp, so với 10% hiện nay…

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *