IChO 46: Hóa học quốc tế và văn hóa Việt Nam

QUẢNG CÁO

Từ ngày 20 đến ngày 29/7/2014, tại Việt Nam, sẽ diễn ra Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 (IChO 46). Để có thông tin chi tiết về công tác chuẩn bị cho IChO 46, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Duy Cam – Trưởng Ban Tổ chức IChO 46.

– Thưa Trưởng ban Tổ chức Bùi Duy Cam, ông có thể thông tin khái quát về IChO và IChO 46?

IChO là kỳ thi Hóa học dành cho học sinh phổ thông tuổi dưới 20 của tất cả các nước trên thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1968 (trừ năm 1971). Hoạt động của IChO tuân theo Quy chế IChO được Hội đồng quốc tế thông qua và chịu sự chỉ đạo chung của Ban Điều hành do Hội đồng quốc tế bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Việt Nam đã chính thức tham dự kỳ thi IChO từ năm 1996 và tại các kỳ thi này, luôn đạt thứ hạng cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

IChO 46 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 20-29/7/2014. Để tổ chức IChO 46, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị phối hợp. Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT giao cho trường đại học chịu trách nhiệm tổ chức Olympic quốc tế theo chủ trương đổi mới công tác quản lý của ngành. Đây vừa là vinh dự và cũng là trách nhiệm của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Với kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều hành nhiều hoạt động quốc tế và thực tiễn trực tiếp tham gia tổ chức Olympic quốc tế môn Toán học và Vật lý tại Việt Nam cũng như sự cộng tác hỗ trợ của nhiều bộ ngành, trung ương và địa phương, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của IChO 46.

– Ông có thể giới thiệu rõ hơn nguyên tắc điều hành các kì IChO?

Điều hành hoạt động của IChO là Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế gồm 13 thành viên. Chủ tịch Ủy ban hiện nay là GS. Peter Wothers, Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.

Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế quyết định điều lệ hoạt động của IChO. Thành viên của Ủy ban được Hội đồng giám khảo quốc tế bầu chọn bằng bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của Ủy ban là 02 năm. Thành viên của Ủy ban phải có ít nhất 01 người từ mỗi khu vực sau: châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Các thành viên của Ủy ban không tham gia quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hội đồng giám khảo quốc tế: Chủ tịch Hội đồng giám khảo được nước đăng cai chỉ định. Thành viên của Hội đồng giám khảo là hai cố vấn chuyên môn của mỗi đoàn và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế.

– Ý nghĩa của IChO 46 là gì, thưa ông?

IChO là cuộc thi dành cho học sinh THPT với mục tiêu tăng cường sự giao lưu quốc tế về Hóa học. IChO được tổ chức nhằm khích lệ các học sinh đam mê môn Hóa học, tăng cường năng lực học tập độc lập và sáng tạo. IChO đồng thời nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết quốc tế và hợp tác giữa thế hệ trẻ của các quốc gia.

Việc tổ chức IChO 46 năm 2014 tại Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng. IChO 46 góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Hóa học nói riêng trong thanh, thiếu niên Việt Nam; góp phần thực hiện chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước.

IChO 46 không chỉ có Hóa học đơn thuần mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

– Đơn vị chủ trì đăng cai IChO 46 phải thực hiện những công việc gì, thưa ông?

IChO có những nguyên tắc riêng và việc Việt Nam đăng cai tổ chức IChO 46 phải cam kết thực hiện các nguyên tắc ấy với Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế.

IChO 46 do Việt Nam đăng cai tổ chức và Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là đơn vị chủ trì. Do vậy, Trường ĐHKHTN phải thực hiện việc xây dựng lộ trình, kế hoạch của IChO; trù tính phương tiện vận chuyển khách từ (hoặc đến) sân bay (hoặc nhà ga) do nước tổ chức quyết định vào ngày đến và về; Tổ chức thi tuân theo các quy chế của IChO; Bảo hiểm tai nạn cho tất cả mọi người tham gia khi liên quan đến chương trình tổ chức; Tạo cơ hội, bố trí cho các cố vấn kiểm tra phòng làm việc và dụng cụ dùng cho bài thi thực hành trước khi buổi thi diễn ra; Bố trí mọi phương tiện cần thiết để tuân thủ các quy tắc an toàn; Cung cấp huy chương, bằng khen và phần thưởng sẽ được trao tại lễ bế mạc; Báo cáo về cuộc thi ở dạng văn bản in hoặc CD ROM để phân phát không muộn hơn 06 tháng sau khi thi xong.

– Ông có thể thông tin về các thành viên tham gia IChO 46 tại Việt Nam?

IChO 46 lần này có sự tham gia của 77 đoàn đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này có 75 đoàn có học sinh dự thi và 02 đoàn quan sát viên. Đoàn có số thành viên đông nhất, gồm 2 thành viên đó là Nga; ít nhất với 02 thành viên là Cu Ba. IChO 46 thu hút tổng số 524 khách quốc tế, trong đó có 291 học sinh dự thi.

Đoàn Việt Nam tham gia IChO 46 gồm 08 thành viên (04 cán bộ và 04 học sinh) do ông Nguyễn Quốc Chính, giảng viên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn.

Đại diện BTC IChO 46 chào đón GS. Peter Wothers, Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh Chủ tịch Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế

– Ban Tổ chức IChO 46 đã trù tính thế nào về việc đón tiếp các đoàn khách nước ngoài?

Việc bố trí ăn, ở, phương tiện đi lại cho hơn 500 khách quốc tế gặp không ít khó khăn, song chúng tôi đã có phương án tối ưu, tuân thủ nguyên tắc của IChO. Theo quy chế IChO, khoảng cách chỗ ở giữa thí sinh và cán bộ quá không được quá gần nhau. Chúng tôi đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho cán bộ và học sinh tham dự IChO 46 đáp ứng được yêu cầu của Ủy Ban Olympic quốc tế. Phương án làm thủ tục đón tại sân bay, đăng ký và nhận phòng ở, nhận tài liệu… đều đã được xây dựng hợp lý và khoa học.

– Một trong những mục đích của IChO 46 là lan tỏa văn hóa Việt Nam. Các hoạt động văn hóa của IChO lần này dự kiến sẽ diễn ra như thế nào?

Ban Tổ chức IChO 46 đã đi khảo sát và làm việc với công ty du lịch, ban quản lý các khu di tích lịch sử, văn hóa và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố có diễn ra các hoạt động của IChO 46. Đến nay chúng tôi đã nhận được sự quan tâm phối hợp nhiệt tình của các địa phương, các cơ quan. Công tác an ninh, y tế, hậu cần được phối hợp nhịp nhàng đảm bảo kế hoạch thi, kế hoạch tham quan của các đoàn khách quốc tế. Những điểm đến là những di tích văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và một số địa phương phía Bắc.

Các điểm tham quan xa: Đền Hùng, Việt Phủ Thành Chương, chùa Bái Đính, Tràng An, Hạ Long, Bát Tràng.

Các điểm tham quan gần: Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Dân tộc học, Công viên nước

Lồng ghép trong các chương trình chính thức có các phần biểu diễn văn nghệ đặc sắc của Việt Nam. Đặc biệt, các đoàn khách quốc tế sẽ được thưởng thức các tiết mục múa rối nước Việt Nam tại Nhà hát Múa rối nướcThăng Long. Các tình nguyện viên sẽ là cầu nối quan trọng trong việc truyền tải thong tin.

Chúng tôi tin tưởng IChO 46 sẽ giới thiệu được nhiều với bạn bè quốc tế về văn hóa và đất nước con người Việt Nam.

Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IChO 46 – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cùng Trưởng ban

Tổ chức IChO 46 Bùi Duy Cam và đại diện BTC tại buổi họp báo sáng 16/7/2014

– Công tác thi sẽ diễn ra cụ thể thế nào, thưa ông?

Phần thi lý thuyết diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày 25/7/2014 (từ 8h30 đến 14h30). Thí sinh được bố trí làm 02 phòng thi.

Phần thi thực hành diễn ra tại Trường ĐHSPHN, ngày 23/7/2014 (từ 9h00 đến 14h00) với 08 phòng thi. Công việc chuẩn bị điều kiện và dụng cụ cho thi thực hành đáp ứng được yêu cầu và tiến độ.

– Một trong những điều đặc biệt quan tâm của kì thi là đề thi. Công tác đề thi của IChO 46 đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Công tác đề thi do Ban Chuyên môn đảm nhận. Ban Chuyên môn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập từ năm 2010 gồm các nhà Hóa học của Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, là Trưởng ban Chuyên môn của IChO 46.

Ban Chuyên môn đã chuẩn bị đầy đủ đề tham khảo gồm 29 đề lý thuyết và 07 đề thực hành được công bố vào ngày 28/01/2014. Ban Chuyên môn đã tập hợp được nhiều nhà hóa học giỏi có kinh nghiệm về lĩnh vực này để soạn đề thi chính thức đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế. Đề thi sẽ được Hội đồng giám khảo quốc tế thảo luận và quyết định. Đề thi được thông qua với 75% phiếu thuận.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Duy Cam.

* Ngày 21/7/2014 (10h00 – 12h00), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Lễ khai mạc IChO 46;

* Ngày 23/7/2014 (từ 9h00 đến 14h00), tại Trường ĐHSPHN ( số 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội): Thi thực hành;

* Ngày 25/7/2014 (từ 8h30 đến 14h30), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Thi lí thuyết;

* Ngày 28/7/2014 (15h00 – 18h00), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Lễ bế mạc IChO 46.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *