Khảo sát và đề xuất phương án xây dựng cơ sở xử lí chất thải dầu khí khu vực Đông Nam Bộ

QUẢNG CÁO

khoan-tham-doChất thải dầu khí hiện là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Với nhu cầu cấp bách cần phải xử lý hiệu quả lượng chất thải dầu khí ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung chủ yếu hoạt động dầu khí, việc xây dựng một cơ sở xử lý chất thải dầu khí tại khu vực này là hết sức cần thiết.  

Các khảo sát được tiến hành nhằm xác định khối lượng, thành phần, tính chất của các loại chất thải phát sinh trong ngành dầu khí trong khu vực, đồng thời với việc khảo sát lựa chọn địa điểm từ đó đưa ra phương án xây và đánh giá hiệu quả kinh tế của cơ sở xử lý chất thải dầu khí khu vực Đông Nam Bộ.  

1. Giới thiệu  

Thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là một ngành mũi nhọn trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Thực tế cho thấy từ 1986 – 1990 mới chỉ khai thác được 5,2 triệu tấn dầu thô, nhưng từ năm 1991 – 1995 sản lượng khai thác dầu thô đã tăng gấp 5 lần, đạt 30,4 triệu tấn.  

Nhịp độ tăng bình quân 19% năm. Theo kế hoạch của ngành Dầu khí, giai đoạn 2008-2010 phấn đấu gia tăng thu hồi đạt 82 triệu tấn dầu quy đổi, giai đoạn 2011-2015 đạt 110 triệu tấn dầu quy đổi/năm và giai đoạn 2016- 2025 đạt 200 triệu tấn dầu quy đổi. Quá trình thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí đã tạo ra một lượng lớn chất thải và sẽ gia tăng theo sản lượng dầu thô khai thác. Cho đến nay, số lượng các đơn vị có năng lực xử lý chất thải nói chung và chất thải nguy hại nói riêng rất khiêm tốn so với nhu cầu cần xử lý của ngành Dầu khí.  

Hiện tại, các đơn vị trong ngành dầu khí đang sử dụng dịch vụ của 02 công ty có khả năng thực hiện công tác xử lý là Việt Xanh và Holcim, trong đó, Việt Xanh xử lý phần lớn lượng chất thải phát sinh. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm đối với các cơ sở tư nhân chính là việc kiểm soát mức độ tuân thủ theo những quy định về môi trường trong quá  

trình hoạt động, nhất là việc xử lý khói thải và tro thải. Hơn nữa, khu vực Đông Nam Bộ vẫn chưa có bãi chôn lấp an toàn nào trong khi đó tro thải từ quá trình đốt được xem là chất thải nguy hại và cần phải đóng rắn và chôn lấp an toàn.  

Đứng trước tình hình đó, việc đầu tư vào một cơ sở xử lý của riêng PVN tại địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là điều hết sức cần thiết nhằm mục đích giảm bớt các áp lực môi trường đang đè nặng lên nền kinh tế đang phát triển, xử lý phần lớn lượng chất thải của ngành Dầu khí, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm bớt gánh nặng về kinh tế xã hội cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung, đồng thời phục vụ cho chính sách an toàn sức khỏe và  môi trường của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.  

2. Khảo sát và đánh giá nguồn thải  

2.1. Khối lượng  

Chất thải phát sinh từ hoạt động thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí được thu gom bởi hai đơn vị chính là Vietsovpetro (VSP) và Tổng công ty dịch vụ Dầu khí (PTSC). Theo thống kê thành phần chất thải được thu gom qua đầu mối PTSC thì chất thải nguy hại chiếm 55% lượng thải, đối với đầu mối thu gom là VSP, chất thải nguy hại chiếm 30% lượng thải. Lượng chất thải phát sinh hàng năm từ hoạt động chế biến khí, condensate của PVGas, tương đối ít nhưng chủ yếu lại là chất thải nguy hại, chất thải nhiễm dầu từ quá trình nạo vét các đường ống và bồn bể.  

Chất thải phát sinh từ hoạt động của cụm nhà máy Điện đạm Phú Mỹ, chủ yếu là chất thải không nguy hại. Đối với hoạt động vận chuyển, lưu chứa dầu thô, lượng thải phát sinh hằng năm khoảng 6.000 tấn, chủ yếu từ hoạt động súc rửa các tàu chứa dầu, các phương tiện truyền tải nổi (FPSO, FSO) và vệ sinh bồn bể, kho chứa.  

Tốc độ phát triển của ngành là 19% mỗi năm, tuy nhiên, lượng chất thải gia tăng không tương ứng với tốc độ phát triển chung trong đó lượng chất thải xuất phát từ các hoạt động trên bờ tăng đáng kể, lượng chất thải từ ngoài khơi có xu hướng tăng chậm và ổn định qua các năm, lượng cặn dầu thải, đặc biệt là dầu thô có xu hướng tăng nhanh do việc đẩy nhanh phát triển các đội tàu vận chuyển, dịch vụ và FSO.  

2.2. Thành phần  

2.2.1. Thành phần không nguy hại  

Thành phần chất thải không nguy hại chiếm từ 60-70% lượng chất thải dầu khí phát sinh hàng năm (khoảng 12.000 tấn/năm, 2008) trong đó thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy là rất thấp, lượng vô cơ chiếm phần lớn (30-45 % CTKNH). Thành phần tái chế, tái sử dụng có thể lên đến 35-45 % chủ yếu là kim loại, giấy, nhựa, gỗ, thủy tinh…  

2.2.2. Thành phần nguy hại  

Thành phần chiếm đến 90% lượng thải là các loại chất thải nhiễm dầu như dầu thô, cặn dầu thô, dầu thải, cặn dầu, cặn dung dịch gốc tổng hợp, bùn nhiễm dầu, hóa chất gốc dầu, giẻ dầu, lọc dầu, vỏ bao và rác hóa chất, các loại vỏ thùng đựng: Sơn, dầu, mỡ, hóa chất gốc dầu…  

Các thành phần còn lại chủ yếu là: Ắcquy, pin thải, đèn cao áp, pháo hoa, pháo hiệu, dung môi thải, sợi thủy tinh hoạt tính và axit, bazơ, nước nhiễm axit.  

Thành phần cặn dầu từ quá trình xúc rửa các tàu chứa dầu, tàu chở dầu hoặc các bồn bể chứa sản phẩm dầu khí với khối lượng khoảng 4.000-6.000 tấn mỗi năm sẽ được quản lý và xử lý riêng với công nghệ phù hợp. Lượng chất thải này sẽ phát sinh nhiều hơn trong những năm tiếp theo với việc gia tăng đội tàu chuyên chở và lưu chứa dầu thô của PVT, PTSC cũng như từ các kho xăng dầu. Trong thống kê chưa kể đến lượng nước thải nhiễm dầu khoảng 500m3/năm chủ yếu phát sinh từ nước cặn tàu thuyền, nước nhiễm dầu từ các bãi tập trung chất thải. Một điều đang lưu tâm là trong chất thải dầu khí có một lượng khá lớn có thể phân loại tái chế (kim loại, nhựa, gỗ) có thể nhiễm dầu và hóa chất vì vậy cũng được coi là chất thải nguy hại.  

Một số tính chất cơ bản được rút ra từ các nghiên cứu về chất thải nhiễm dầu tổng hợp:

  Bảng 1. Thống kê tổng lượng thải năm 2008  

 

Hình 1. Thành phần chất thải không nguy hại

  Bảng 2. Tính chất chất thải nguy hại  

3. Lựa chọn các phương pháp chính cho cơ sở xử lý chất thải dầu khí  

Từ những phân tích về thành phần, tính chất của chất thải dầu khí trên, những phương pháp để xử lý chất thải dầu khí khu vực ĐNB phù hợp gồm:  

Tái chế, tái sử dụng, thu hồi; nhiệt, trung hòa, xử lý nước thải nhiễm dầu, nhiễm kim loại nặng, thu hồi cặn dầu làm nguyên liệu, đóng rắn, chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp an toàn.  

 

Bảng 3. Tỉ lệ các loại chất thải và phương pháp xử lý  

Ghi chú: Cặn dầu và chất thải lỏng nhiễm dầu, kim loại không tính vào tổng lượng thải  

4. Khảo sát lựa chọn địa điểm  

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát các địa điểm có thể đặt cơ sở xử lý trên địa bàn tỉnh Vũng Tàu.  

Các tiêu chí đặt ra trong quá trình lựa chọn địa điểm:  

– Có các điều kiện tự nhiên thỏa mãn các yêu cầu đặt ra về địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn, tài nguyên thiên nhiên, sinh học, dân cư và các nhu cầu sử dụng đất đặc biệt (di tích khảo cổ, văn hóa…),  

– Tạo điệu kiện thuận lợi tối đa cho quá trình vận chuyển chất thải,  

 

Hình 2. Các biện pháp xử lý đối với chất thải dầu khí  

– Không gây ảnh hưởng đến môi trường hiện tại của khu vực,  

– Quỹ đất cần thiết để xây dựng cơ sở xử lý,  

– Gần những hạ tầng cơ sở thích hợp,  

– Nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương.  

Theo đánh giá chung, việc lựa chọn Tóc Tiên là phương án số 1 do nằm trong quy hoạch của tỉnh BR-VT về xử lý chất thải nên sẽ thuận lợi ở nhiều mặt như liên kết với các cơ sở xử lý khác, có sẵn bãi chôn lấp hợp vệ sinh và an toàn. Ưu tiên số 2 là việc lựa chọn khu công nghiệp Phú Mỹ II do khu công nghiệp này được chia làm 2 khu đầu tư riêng là khu “sạch” và khu “không sạch”, đảm bảo hoạt động của cơ sở sẽ ít làm gián đoạn đến các hoạt động khác của khu công nghiệp.  

Khu xử lý Tóc Tiên có 4 phân khu chức năng:  

– Khu chôn lấp chất thải đô thị và khu xử lý nước thải: Toàn bộ chất thải đô thị sau khi đã phân loại, tái sử dụng, tái chế và làm phân compost sẽ được chôn lấp ở đây. Các chất thải công nghiệp không nguy hại sau khi đã phân loại, xử lý hóa rắn, thiêu đốt cũng được chôn lấp tại đây. Diện tích là 56,4ha.  

– Khu sản xuất phân vi sinh: Diện tích 4,5ha công suất 200- 400 tấn/giờ  

– Khu xử lý chất thải công nghiệp nguy hại: Diện tích 4ha nằm ở phía Đông Bắc gần núi Tầm Phục. Công suất 50-100  

tấn/ngày. Bao gồm các hạng mục: Kho lưu chứa, khu xử lý trung gian, khu vực lò đốt, khu vực chôn lấp an toàn, khu hành chính, khu xử lý nước rác tập trung có diện tích 4ha.  

– Khu tái chế và phân loại chất thải rắn có diện tích 3ha, đây là nơi chất thải rắn được tập trung phân loại để thu hồi phế liệu tái chế, tái sử dụng.  

5. Lập phương án xây dựng cơ sở xử lý  

5.1. Cơ sở xây dựng phương án  

Dựa trên dự báo về lượng phát thải đến năm 2025 theo Bảng 4  

– Phương án xây dựng nhà máy đáp ứng được nhu cầu xử lý toàn bộ chất thải cho ngành dầu khí khu vực ĐNB đến năm 2025. Việc tính toán nhu cầu về diện tích cũng như công suất sẽ dựa trên khối lượng chất thải được dự báo vào năm 2015.  

– Trong việc xây dựng phương án này, chất thải dầu khí không nguy hại sẽ được chuyển toàn bộ về cơ sở xử lý để tiến hành phân loại lại, tái chế và xử lý. Việc tái chế sẽ do nhà thầu khác thực hiện.  

– Nhóm tác giả không đề cập đến phương án ngành Dầu khí sẽ tiếp tục liên kết với các cơ sở xử lý ở Tóc Tiên để xử lý chất thải của mình mà tự xử lý toàn bộ chất thải phát sinh (không kể chất thải sinh hoạt) nhằm đảm bảo tính tuân thủ môi trường cao nhất.  

– Từ 2010, hướng dẫn quản lý chất thải nhiễm dầu sẽ được đưa vào áp dụng góp phần tạo sự thống nhất trong toàn bộ quá trình thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu trữ cũng như tạo thuận lợi cho quá trình xử lý về sau.  

– Vốn đầu tư cho cơ sở xử lý chất thải: 100% vốn PVN.  

– Năm 2025, nhà máy lọc dầu Long Sơn đi vào hoạt động, phát sinh lượng thải lớn. Tuy nhiên, báo cáo này chưa đưa ra các phương án xử lý cho các loại chất thải từ nhà máy lọc dầu mà chỉ ước lượng quỹ đất cần để mở rộng cơ sở (nếu cần).  

5.2. Khu vực tiếp nhận, phân loại và lựa chọn chất thải  

Hoạt động của khu vực lưu chứa chất thải: CTCN vận chuyển bằng xe đến và tập kết ở khu vực này, CTNH được lưu giữ trong các kho chứa riêng với mức an toàn cao hơn kho lưu giữ chất thải không nguy hại. Quá trình phân loại chất thải được thực hiện tại đây, sau đó chúng được chuyển đến các khu vực xử lý khác nhau trong khu liên hợp xử lý. Xe vận chuyển đến khu lưu chứa chất thải sẽ được cân trước khi đi vào khu vực tiếp nhận và phân loại chất thải. Tại khu vực tiếp nhận, chất thải được chuyển từ xe xuống ngăn chứa cùng loại, được sắp xếp theo khả năng xử lý. Để từ đó chất thải được vận chuyển dễ dàng đến khu thiêu đốt, chôn lấp hoặc tái chế. Các kho cũng sẽ được thiết kế tùy thuộc vào dạng chất thải nguy hại cần được bảo quản, phân theo nguy cơ cháy nổ như quy định trong TCVN 2622 – 1995.

Bảng 4. Dự báo lượng phát thải đến năm 2025  

5.3 Khu vực xử lí chất thải  

5.3.1. Công suất, nhu cầu diện tích  

Với lượng thải xuất phát từ nhu cầu xử lý của các đơn vị theo thống kê khoảng 1.000m3 vào năm 2020, đồng thời với nước thải nhiễm dầu từ hoạt động rửa xe, từ các khu vực công nghệ trong nhà máy, công suất xử lý đề nghị đối với hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu và nhiễm kim loại nặng là 50m3/ngày đêm.  

Đối với hệ thống trung hòa, lượng thải khoảng 294 m3/năm, lượng thải này phát sinh đột biến, tùy hoạt động của các đơn vị trong ngành Dầu khí. Công suất đề nghị là 10m3/mẻ, ứng với một xe bồn chở nước thải. Nhu cầu diện tích cần có cho khu vực này là 400m2. Khu vực xử lý chất thải lỏng không bao gồm khu vực xử lý khói thải từ lò đốt.  

5.3.2. Thuyết minh công nghệ  

Nước thải từ bể gom sẽ được đưa qua bể trung hòa I và II, tùy theo tính chất nước thải (nhiễm axit hay bazơ, pH) hóa chất sẽ được cho vào tương ứng để trung hòa. Nước thải đầu ra sẽ được đưa vào bể điều hòa của hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu/kim loại nặng.  

Nước thải nhiễm dầu/kim loại nặng thu gom từ các đơn vị dầu khí hoặc thu gom từ hệ thống thu gom nước thải của cơ  

sở (nước từ hệ thống thu hồi dầu, hệ thống trung hòa chất thải lỏng…) sẽ được đưa về hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu.  

Tại đây, dầu được tách bằng phương pháp tuyển nổi sau đó được đưa sang bể điều hòa trước khi được bơm sang bể  

khuấy trộn nhanh để điều chỉnh pH, tạo bông và khử kim loại nặng. Sau khi qua hai bể lắng, một lần nữa nước thải sẽ được điều chỉnh pH trước khi qua bể lọc cát. Nước sau bể lọc sẽ được thải ra ngoài.  

Bùn thải từ quá trình xử lý nước sẽ được đưa sang bể chứa bùn, bể ép bùn và sau đó đưa vào máy ép bùn. Bùn khô sau xử lý sẽ được chôn lấp như chất thải nguy hại.  

 

5.4 Khu vực tái chế cặn dầu  

5.4.1.Sơ đồ công nghệ  

Hình 3. Sơ đồ công nghệ tái chế cặn dầu

5.4.2. Thuyết minh công nghệ  

Cặn dầu tại cơ sở xử lý được chứa trong thùng chứa chuyên dụng. Thùng này liên kết với một ngăn khuấy trộn – gia nhiệt. Cặn dầu tự chảy từ thùng chứa qua lưới chắn bằng kim loại vào ngăn gia nhiệt. Lưới kim loại này có nhiệm vụ tách các tạp thô, tạp chất bám trên lưới được nâng lên trên và đổ vào thùng chứa tự động nhờ cơ cấu lưới quay.  

Trong ngăn gia nhiệt dầu được nung đến nhiệt độ 700C nhờ hệ thống điện trở. Hệ thống này tự động ngắt khi nhiệt độ đạt yêu cầu, do đó luôn bảo đảm an toàn cháy nổ. Tiếp theo, dầu được bơm qua xiclon thủy lực. Trong xiclon dầu chuyển động xoáy, tạo ra lực ly tâm. Dưới tác dụng của lực ly tâm các tạp rắn sẽ di chuyển ra thành thiết bị và rơi vào  

thùng chứa. Còn dầu sạch cùng với nước tập trung tại phần tâm của thiết bị và đi vào thiết bị tách nước.  

Trong thiết bị tách nước hỗn hợp dầu và nước được ủ nhiệt ở 700C trong điều kiện tĩnh, khi đó nước nặng hơn nên sẽ lắng xuống đáy với thời gian khoảng 1 ngày và được xả gián đoạn vào thiết bị tách dầu. Phần dầu sạch sau khi tách nước được bơm vào các bồn chứa. Phần nước thải nhiễm dầu sẽ được dẫn đến hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu/kim loại nặng.  

5.4.3. Công suất và nhu cầu về diện tích  

Với lượng cặn dầu cần thu hồi vào khoảng 11.900 tấn/năm vào năm 2020, nhu cầu cần xử lý 40 tấn/ngày. Tuy nhiên, điều này khiến cho giá thành đầu tư vào hệ thống sẽ tăng rất cao, thị trường tiêu thụ có thể có những biến động không  

lường trước được. Nhóm tác giả đề xuất hệ thống công suất 20 tấn/ngày. Lượng dầu thu gom còn lại có thể xử lý bằng phương pháp đốt, coi đấy như là một nguồn nhiên liệu cung cấp trực tiếp cho lò. Nhu cầu diện tích cần thiết cho hệ thống là 1.000m2, chủ yếu là diện tích của các bể chứa cặn dầu.  

5.5. Khu vực thiêu đốt chất thải  

5.5.1. Công suất và nhu cầu diện tích  

Ứng dụng công nghệ lò đốt thùng quay. Với lượng thải như trên, mỗi ngày lượng chất thải cần phải đốt ước tính 63 tấn/ngày. Lượng tro sinh ra là 8 tấn/ngày (chiếm 12% lượng đốt). Với lò đốt thùng quay hoạt động 7.000 giờ mỗi năm, công suất lò cần thiết là: Khoảng 3 tấn/giờ. Diện tích cần thiết cho khu vực thiêu đốt chất thải là 1.000m2.  

5.5.2. Thuyết minh công nghệ đốt  

Hệ thống bao gồm các bộ phận: Cấp liệu, lò sơ cấp (lò quay), lò thứ cấp (lò tĩnh) và bộ phận tháo tro. Lò đốt thùng quay có buồng sơ cấp là một tang quay với tốc độ điều chỉnh được, có nhiệm vụ đảo trộn chất thải rắn trong quá trình cháy. Lò đốt được đặt dốc với độ dốc khoảng 1/100 nhằm vận chuyển tự động rác từ khi vào cho đến khi thành tro ra khỏi buồng đốt. Các quá trình sấy, hóa hơi (nhiệt phân), đốt cháy cacbon và tháo tro diễn ra trong tang quay này theo trình tự từ khi nạp rác vào buồng đốt đến khi thành tro. Sản phẩm khí từ buồng sơ cấp tiếp tục được đốt trong buồng thứ cấp có bổ sung nhiệt lượng để đốt cháy hoàn toàn các chất hữu cơ trong khí thải.  

Các quá trình sấy, nhiệt phân và đốt cháy cặn cacbon xảy ra độc lập trên mỗi đoạn chiều dài của tang quay và nhờ có sự xáo trộn tốt nên tốc độ khí hóa của lò đốt thùng quay cao hơn lò đốt tĩnh 2-3 lần (trong lò đốt tĩnh các quá trình sấy, nhiệt phân và đốt cháy cặn cacbon xảy ra tại một vị trí và xảy ra đồng thời)

Bảng 5. Lượng chất thải rắn cần đốt đến 2025  

Trong hệ thống lò đốt rác thùng quay, buồng đốt thứ cấp là một buồng đốt tĩnh, nhằm để đốt các sản phẩm bay hơi và khí hóa do quá trình nhiệt phân từ buồng sơ cấp. Nhiệt độ ở đây thường từ 950–1.100 0C. Thời gian lưu của khí thải qua buồng thứ cấp từ 1,5 ÷ 2 giây. Hàm lượng oxy dư tối thiểu cho quá trình cháy là 6%. Buồng đốt thứ cấp thường gắn liền với hệ thống tái sử dụng năng lượng như nồi hơi. Nồi hơi sản xuất hơi cao áp chạy máy phát điện hoặc sản xuất nước nóng.  

5.6. Khu vực chôn lấp chất thải  

Trong một cơ sở xử lý chất thải thì khu vực chôn lấp là khâu xử lý cuối cùng không thể thiếu trong quá trình xử lý chất thải. Để chôn lấp, khu vực này được chia ra thành nhiều ô nhỏ. Có hai khu vực chôn lấp riêng biệt:  

– Khu vực chôn lấp hợp vệ sinh: Dành cho CTKNH.  

– Khu vực chôn lấp an toàn: Dành cho CTNH và tro sinh ra từ quá trình đốt.  

Bãi chôn lấp an toàn được thiết kế theo TCXD- VN 320:2004.  

Theo tính toán, diện tích cần thiết cho khu vực chôn lấp là: 53.015m2, trong đó diện tích đường nội bộ, khu chứa đất phủ chiếm 15% diện tích.  

5.7. Các hạng mục công trình khác  

Khu vực này bao gồm các hạng mục chính sau: Nhà điều hành, căntin, nhà để xe, giếng giám sát nước ngầm, phòng thí nghiệm môi trường. Diện tích khu vực này khoảng 500m2. Như vậy tổng nhu cầu diện tích của cơ sở xử lý như sau:  

 

Hình 4. Sơ đồ lò đốt thùng quay

Bảng 6. Bảng tính toán chôn lấp chất thải  

6. Tính toán chi phí đầu tư  

Việc khái toán chi phí đầu tư các hạng mục dựa trên các tham khảo sau:  

– Nhà kho, đường nội bộ, nhà điều hành, nhà làm việc được dựa trên giá nhóm tác giả tham khảo tại các công trình sau: Bãi rác Đa Phước, Khu xử lý chất thải nguy hại TPHCM (2008).  

– Hệ thống xử lý chất thải lỏng, hệ thống xử lý nước rác, xử lý khí rác: Tham khảo các công trình tương tự.  

– Các chi phí khác tạm tính theo: Nghị định 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.  

Trong đó chi phí đầu tư trong năm đầu tiên là: 104.365.007.854 đồng do năm đầu tiên chỉ đầu tư 2 ô chôn lấp. Tính toán chi tiết kinh phí đầu tư được thể hiện ở các mục sau:  

6.1. Chi phí xây dựng và lắp đặt các khu vực trong cơ sở

Bảng 7. Tổng nhu cầu diện tích của cơ sở  

 

Bảng 8. Tổng mức đầu tư cho cơ sở  

 

Bảng 9. Khái toán chi phí xây dựng, lắp đặt các khu vực của cơ sở  

6.2. Tính toán chi phí đầu tư cho các ô chôn lấp  

Đơn giá để thực hiện 1 ô chôn lấp (đã tính cả đường nội bộ) [TLTK 7]:  

6.3. Chi phí khác: Các chi phí khác bao gồm: Khảo sát, lập dự án, thẩm định, thiết kế, quản lý dự án, đánh giá tác động môi trường chiếm từ 5-10%: 9.932.815.671 đồng.  

6.4. Chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng  

Ghi chú: Các chi phí trên đã bao gồm chi phí xây dựng và lắp đặt.  

Thời điểm tính toán là 04/2009.

  Bảng 10. Chi phí đầu tư cho bãi chôn lấp  

Giả thiết năm 2010 nhà máy đi vào hoạt động

  Bảng 11. Chi phí vận hành bảo dưỡng  

6.5. Giá thành xử lý  

Đối với chất thải công nghiệp không nguy hại với biện pháp xử lý chủ yếu là thiêu đốt và chon lấp, đơn giá phù hợp là 400.000đ/tấn = 11.000.000.000 đ/năm. Chất thải công nghiệp nói chung và chất thải dầu khí nói riêng có giá thành xử lý hiện tại vào khoảng 120 USD/tấn (năm 2009). Đơn giá xử lý sẽ được tính theo cơ sở: Đơn giá xử lý = chi phí khấu hao + chi phí hoạt động. Trong đó chi phí khấu hao được chia đều cho 23.000 tấn chất thải/năm (năm 2015, chỉ tính cặn dầu và CTNH).

Bảng 12. Đơn giá xử lý  

7. Hiệu quả kinh tế xã hội  

Kinh tế: Hiện nay, đơn giá xử lý CTNH và CTCN là rất cao do có rất ít nhà cung cấp dịch vụ này. Sự ra đời của cơ sở xử lý chất thải dầu khí khu vực ĐNB sẽ góp phần tác động phần nào đến thị trường này. Bên cạnh đó, cặn dầu được tái chế sẽ là nhiên liệu trực tiếp cho cơ sở, góp phần giảm chi phí hoạt động.  

Xã hội: Cung cấp việc làm ổn định và thu nhập khá cho hơn 40 lao động tại cơ sở đồng thời thể hiện vai trò đi đầu của PVN trong công tác bảo vệ môi trường.  

Kết luận  

Với sự quan tâm của thủ tướng chính phủ thể hiện qua các quyết định: Quyết định 1440/QĐ-TTg về của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 và quyết định 1030/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, việc xây dựng một cơ sở xử lý chất thải của ngành dầu khí với hình thức là một công ty cổ phần là điều hết sức cần thiết và sẽ tận dụng tối đa những ưu đãi của nhà nước. Hiện tại, một số công ty chuyên về xử lý chất thải, môi trường của các tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được thành lập cho thấy xu hướng phát triển hiện nay của các tập đoàn lớn là có các đơn vị trực thuộc, chuyên trách để giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh từ các hoạt động của mình.  

KS. Lê Hồng Quân  

Viện Dầu khí Việt Nam    

Tài liệu tham khảo  

[1]. TS. Nguyễn Văn Phước. Giáo trình quản lý và xử lý chất thải rắn. Nhà xuất bản Xây dựng – 2008.  

[2]. TS. Nguyễn Đức Khiển. Quản lý chất thải nguy hại. Nhà xuất bản Xây dựng – 2003.  

[3]. Sổ tay hướng dẫn “Những vấn đề chung về chất thải nguy hại”. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường TPHCM – 2002.  

[4]. Danh mục chất thải nguy hại. Bộ tài nguyên và môi trường – 2006.  

[5]. Nguyễn Quốc Bình. Luận án Tiến sỹ: “Nghiên cứu công nghệ thích hợp xử lý chất thải rắn do khai thác và vận chuyển dầu mỏ Việt Nam”. Đại học Quốc gia TPHCM. Viện Môi trường và Tài nguyên – 2002.  

[6]. ThS. Nguyễn Xuân Hải. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu và đề xuất quy trình xử lý cặn dầu thô ở Việt Nam”. Trung tâm An toàn và Môi trường Dầu khí – 2004.  

[7]. ThS. Nguyễn Xuân Trường. Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu các biện pháp tổng hợp, khả thi nhằm quản lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Viện Môi trường và Tài nguyên – 2008.  

[8]. Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải nguy hại ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu”. Dự án trong chương trình cải thiện môi trường TPHCM VIE 1702 do Norwegian Agency for Development Cooperation (NORAD) tài trợ.  

[9]. Lê Hồng Quân. Báo cáo tổng kết đề tài: Đánh giá tổng quan và đề xuất các giải pháp quản lý và xử lý chất thải rắn ngành Dầu khí”. Trung tâmAn toàn và Môi trường Dầu khí – 2008.  

[10]. Standard Handbook of Hazardous Waste Treatment and Disposal. Harry M. Freeman Mc Graw Hill, 2nd Edition 1998.  

[11]. Environmental control in petroleum indus- try. John C.Reis 1996.  

<

p style=”text-align: justify;”>[12]. Standard handbook of Hazardous Waste Treatment and Disposal. Harry M. Freeman.

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *