Một số yếu tố động lực quan trọng trên thị trường phân đạm toàn cầu năm 2021

QUẢNG CÁO

Mặc dù trải qua những thách thức lớn do thiên tai trong năm 2019, ngành nông nghiệp trên thế giới đã phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn trong năm 2020. Dịch COVID-19 đã gây ra những bất ổn chưa từng thấy đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới, kể cả ở những ngành tiêu thụ nhiều loại nông sản chủ chốt, như các ngành sản xuất etanol và sản xuất thức ăn gia súc.

thi truong phan bon

Nhưng bất chấp những thách thức chưa từng có tiền lệ này, người nông dân ở khắp nơi trên toàn cầu vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, đó là gieo trồng và thu hoạch một cách hiệu quả trên những diện tích đất canh tác hiện có, qua đó bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm không bị đứt gãy. Ở địa vị của những nhà cung ứng vật tư nông nghiệp, các công ty sản xuất phân đạm cũng đã góp phần đảm bảo duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng trong nông nghiệp.

Những bất ổn mà kinh tế thế giới phải đối mặt vào đầu năm 2020 cũng đã tác động đến các nhà sản xuất phân đạm, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhu cầu các hợp chất nitơ trong các lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, thị trường phân đạm toàn cầu đã phục hồi nhanh chóng. Nhu cầu cho các ứng dụng nông nghiệp đã tăng trong năm 2020, trong khi đó nhu cầu công nghiệp tiếp tục phục hồi từ tình trạng rối loạn các tháng 4 và 5/2020.

đối với năm 2021, có thể dự kiến những yếu tố then chốt tạo động lực cho thị trường phân đạm toàn cầu vài năm qua vẫn sẽ tiếp tục duy trì, đó là nhu cầu tại Bắc Mỹ, Ấn Độ, Braxin và giá năng lượng toàn cầu, đặc biệt là giá than antraxit tại Trung Quốc. Điểm khác biệt đối với năm 2020 là bối cảnh diễn ra những động lực đó, đặc biệt là điều kiện kinh tế của người nông dân Bắc Mỹ đang được cải thiện, giá năng lượng ở châu âu và châu Á tăng. Những xu hướng đó sẽ hỗ trợ triển vọng phát triển ổn định của thị trường phân đạm toàn cầu trong ít nhất là nửa đầu năm 2021, khi các sản phẩm phân đạm tiếp tục mang lại những giá trị lớn cho người nông dân.

Điều kiện kinh tế của người nông dân Bắc Mỹ được cải thiện

Yếu tố tích cực nhất trong năm đầy thách thức mà ngành nông nghiệp Bắc Mỹ phải đối mặt là tình hình tài chính của người nông dân đã được cải thiện. Năm 2020, thu nhập từ nông sản của người nông dân tại Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. đối với nhiều loại cây trồng, giá nông sản ngắn hạn đã tăng lên mức cao nhất từ một số năm nay.

Giá các hợp đồng tương lai đối với các loại ngũ cốc tiêu thụ nhiều phân đạm đang ở mức cao, cho thấy triển vọng tích cực trong năm 2021. Ước tính, diện tích trồng ngô tại Mỹ năm 2021 sẽ đạt hơn 90 triệu mẫu Anh, phù hợp với xu hướng của 10 năm trước. Hoạt động canh tác được hỗ trợ nhờ giá ngô đã tăng khoảng 30% từ cuối tháng 7 do nguồn cung ngô năm 2020 dự kiến chỉ đạt mức thấp, trong khi đó nhu cầu ngô cho thức ăn gia súc và xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, đồng thời nhu cầu etanol đang hồi phục.

Diện tích canh tác cây cải dầu tại Canađa cũng được dự báo sẽ tăng. Năm 2020, người nông dân Canađa đạt sản lượng thu hoạch cải dầu thấp nhất kể từ năm 2015. Mức sản lượng thấp này và giá của các hợp đồng tương lai cao sẽ hỗ trợ cho xu hướng tăng diện tích gieo trồng cây cải dầu năm 2021.

Vì vậy, có thể dự báo nhu cầu phân đạm tại Bắc Mỹ sẽ ổn định trong năm 2021.

Nhu cầu phân đạm toàn cầu duy trì ở mức cao

Ngoài Bắc Mỹ, nhu cầu phân đạm tại phần lớn các khu vực canh tác nông nghiệp trên thế giới được dự báo sẽ tích cực, đặc biệt là ở Ấn Độ và Nam Mỹ. Ấn Độ và Nam Mỹ (dẫn đầu là Braxin) là những khu vực nhập khẩu urê lớn nhất trên thế giới. Mỗi khu vực này đều nhập khẩu lượng urê lớn hơn lượng nhập khẩu của Bắc Mỹ.

Quy trình đấu thầu của Ấn Độ, trong đó các cơ quan chính phủ yêu cầu chào thầu những lượng lớn urê ở chỉ vài lần đấu thầu mỗi năm, sẽ bảo đảm rằng vai trò của Ấn Độ đối với giá urê toàn cầu sẽ vẫn rất lớn. Khi Ấn Độ mua hàng, giá trên thị trường toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn. Khi quốc gia này không mua, nguồn cung đến Ấn Độ sẽ phải tìm các đầu ra khác, do đó thường dẫn đến sự sụt giá trên thị trường. Thời tiết thuận lợi ở Ấn Độ đã hỗ trợ lượng đấu thầu urê tăng cao kỷ lục trong các năm 2019 và 2020. Dự báo, khối lượng đấu thầu urê trong năm 2021 tại đây sẽ giảm so với những mức cao kỷ lục đó, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm là 6,5-7 triệu tấn/năm.

Trái lại, Braxin sẽ nhập khẩu phân đạm trong suốt cả năm để đáp ứng nhu cầu của các mùa canh tác nông nghiệp, tương tự như Bắc Mỹ. Thu nhập được cải thiện của người nông dân và tình trạng thiếu sản lượng urê nội địa tại Braxin sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu urê ở mức khoảng 6,5 triệu tấn trong năm 2021.

Giá năng lượng toàn cầu

Năng lượng – khí thiên nhiên hoặc than – là chi phí đầu vào lớn nhất trong sản xuất phân đạm. Hàng năm, các công ty sản xuất phân bón thường công bố biểu đồ dự báo giá phân đạm toàn cầu, trong đó sử dụng dự báo giá năng lượng đối với khí thiên nhiên, khí hóa lỏng và than cho năm tiếp theo. Những biểu đồ giá như vậy cho thấy, từ nhiều năm nay các tổ hợp phân bón Trung Quốc sử dụng than antraxit làm nguyên liệu thường là những nhà sản xuất với chi phí cao nhất trên thế giới.

Năm 2020 đã chứng kiến tình hình chưa từng có tiền lệ đối với biểu đồ giá phân bón do tác động kinh tế của dịch COVID-19. Giá năng lượng toàn cầu, ngoại trừ than antraxit của Trung Quốc, đã giảm mạnh. Trên thực tế, vào những thời điểm đầu của dịch COVID-19, giá khí thiên nhiên tại Mỹ đã cao hơn tại châu âu – điều chưa từng xảy ra từ nhiều thập niên nay. Các nhà sản xuất phân đạm với chi phí cao đã tận dụng cơ hội tạm thời này để tăng tỷ lệ vận hành công suất, gây áp lực giảm giá sản phẩm.

Những tháng gần đây, giá năng lượng đã tăng trên toàn cầu, nhưng với tốc độ tăng ở châu âu và châu Á lớn hơn nhiều so với ở Bắc Mỹ. Giá khí thiên nhiên cao như vậy có khả năng sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất chi phí cao ở châu âu và châu Á, khiến cho sản lượng phân đạm của những khu vực sản xuất với chi phí cao này giảm so với năm 2020, qua đó sẽ hỗ trợ giá phân đạm trên toàn cầu.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Vinachem/Chemistry & Industry

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận