Nguyên liệu cho sản xuất xăng sinh học: Ðề xuất từ thực tiễn Việt Nam

QUẢNG CÁO

Biofuel(H2N2)-Hiện nay, 1% (khoảng 14 triệu ha) đất trồng trọt trên toàn thế giới được sử dụng để trồng cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH). Trong tương lai gần, con số này sẽ tăng lên 3,5%. Riêng tại Việt Nam, công nghiệp NLSH cũng vừa chính thức hoạt động trong vài năm trở lại đây và việc chuẩn bị vùng nguyên liệu bền vững nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất NLSH từ năm 2011 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Các chính sách khuyến khích đầu tư
Theo Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg ngày 20-11-2007 thuộc ‘Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025’ của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2007 – 2015, sản xuất NLSH được xếp vào danh mục, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NLSH được miễn giảm thuế thu nhập. Nghị định số 24/2007/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NLSH được miễn, giảm thuế thu nhập đối với sản phẩm là NLSH, được hưởng các ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm. Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất NLSH được miễn thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, do NLSH cũng thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn nên được hưởng các chính sách ưu tiên theo Quyết định số 55/2007/QÐ-TTg và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đối với các dự án bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất. Thông tư số 2/2007/TT-BTM ngày 2-2-2007 của Bộ Công thương cũng cho phép các dự án đầu tư vào ngành năng lượng mới này sẽ được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất, vật tư và linh kiện phục vụ cho sản xuất.
Bảo đảm quỹ đất

Theo số liệu điều tra năm 2006 về đất nông nghiệp, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản thì tổng diện tích đất nông nghiệp Việt Nam là 24,7 triệu ha, tăng 16% so với năm 2001. Diện tích đất canh tác chiếm 9,44 triệu ha, tăng 0,6 triệu ha do có sự khai khẩn từ đất bỏ hoang.
Ðất bỏ hoang chủ yếu tập trung ở các vùng miền núi. Số liệu điều tra năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Thống kê cho thấy, đất trống đồi trọc và đất núi chiếm 4,3 triệu ha. Trong tổng số diện tích đất bỏ hoang thì khu vực Tây Bắc có tới 1,26 triệu ha, Ðông Bắc có 1,15 triệu ha, Bắc Trung Bộ có 0,54 triệu ha, Nam Trung Bộ 0,90 triệu ha và 0,49 triệu ha thuộc khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, có 314 nông trường thuộc chủ sở hữu nhà nước sản xuất không hiệu quả, chiếm tới 5,50 triệu ha.
Như vậy, quỹ đất để quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu là hoàn toàn bảo đảm. Vấn đề còn lại là công tác quy hoạch, canh tác, nâng cao năng suất giống, cải tạo đất và quan trọng là lựa chọn cây nguyên liệu phù hợp nhất với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Sản xuất ethanol từ mía
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 300.000 ha trồng mía. Năng suất trung bình của nguyên liệu mía ở mức 55,3 tấn/ha. Con số này chỉ đạt được mức 67% năng suất trung bình của thế giới. Những giống mía năng suất cao (như giống mía ROC Quế đường, Việt đường, Ðại đường…) chỉ được trồng trên 30% diện tích đất trồng mía và hầu hết các giống này được canh tác trên đất không được tưới tiêu chủ động. Nếu năng suất trung bình có thể tăng lên 65 tấn/ha với hàm lượng đường 11 thì sản lượng mía dư thừa cung cấp cho sản xuất ethanol sẽ lên tới 6 triệu tấn. Nếu năng suất trung bình đạt 80 tấn/ ha vào năm 2020 thì sẽ đáp ứng được 6,5 triệu tấn mía cho sản xuất ethanol.
Trồng mía đường không gây ra bất cứ tác động xấu nào tới môi trường. Tuy nhiên, sử dụng mía để sản xuất NLSH có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn bởi mỗi lít ethanol được sản xuất ra thì cần 30 lít nước. Lựa chọn mía đường để sản xuất ethanol ở nước ta cũng cần phải xem xét đến khía cạnh đường cũng là thực phẩm cần thiết cho an ninh lương thực và mía là loại cây cần nhiều nước tưới tiêu.
Sản xuất ethanol từ sắn
Sắn là một loại nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất ethanol. Hiện nay, nông
dân đã trồng được rất nhiều giống sắn mới đạt tiêu chuẩn về cả năng suất và số lượng và có hàm lượng tinh bột cao (hơn 25%). Diện tích đất trồng sắn đã được mở rộng trong những năm gần đây do nhu cầu cao về sắn của các nhà máy tinh bột và các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát khô. Thống kê của Cục Trồng trọt cho biết, năm 2009 sản lượng sắn nước ta đạt gần 9,5 triệu tấn. Trong đó, 90% xuất khẩu sang Trung Quốc, 5,5% xuất khẩu sang Ðài Loan dưới dạng sắn lát khô và phần còn lại cung cấp cho hơn 300 nhà máy chế biến tinh bột trong nước.
Trồng sắn vì những mục tiêu khác được khuyến khích mở rộng trên diện tích đất trồng hiện tại. Năng suất hiện tại ở Việt Nam chỉ 16 tấn/ha, thấp hơn hẳn so với các nước khác (hơn 50 tấn/ha). Nếu Việt Nam sử dụng các loại phân bón phù hợp, tưới tiêu chủ động và chọn lọc cho đất canh tác thì sản lượng sắn có thể tăng gấp đôi.
Ðề xuất từ thực tiễn
Trong quá trình bước đầu phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối ethanol, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng này mong muốn Nhà nước sớm xác định nguồn nguyên liệu chiến lược để sản xuất ethanol ở Việt Nam là gì để có chính sách cụ thể kích thích vùng nguyên liệu cũng như các chính sách đòn bẩy khuyến khích nông dân, nhà đầu tư tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn cho người trồng sắn. Hợp tác trồng sắn bằng hình thức hỗ trợ vốn, giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm. Riêng đối với khu vực miền núi có thể đầu tư trọn gói, trả lương cho người dân theo hướng trả lương cho công nhân nông nghiệp. Lập quỹ bảo hiểm rủi ro cho vùng nguyên liệu sắn. Tránh lặp lại việc cạnh tranh khốc liệt vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu như đã xảy ra ở một số ngành khác. Nên chăng cần luật hóa lộ trình sử dụng NLSH nói chung và ethanol nói riêng. Nhà nước nên quy định mốc thời gian cụ thể cho việc bắt đầu sử dụng xăng sinh học để các doanh nghiệp sản xuất ô-tô, các nhà sản xuất và cung ứng nhiên liệu cũng như người dân có định hướng tiêu dùng rõ ràng. Ðây chính là cơ hội lớn để phát triển trồng trọt, cung cấp nguyên liệu sản xuất cồn, tạo doanh thu cho cả vùng nguyên liệu sản xuất cồn và NLSH đạt 1,9 tỷ USD vào năm 2020.
Ðể lộ trình sử dụng NLSH có tính khả thi, không thể xây dựng theo đề xuất của một vài cơ sở mà phải là kết quả của sự trao đổi, thống nhất giữa tất cả các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mà cụ thể là: Giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất – cung ứng nhiên liệu, doanh nghiệp sản xuất – nhập khẩu xe cơ giới và doanh nghiệp kinh doanh vận tải (người khai thác sử dụng). Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật NLSH cũng nên theo phương thức chuyển đổi từ tiêu chuẩn thông dụng sẵn có của quốc tế. Nhà nước cần ban hành một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách cụ thể (vay vốn, thuế, trợ giá…) để khuyến khích việc trồng các loại cây nguyên liệu. Việc đầu tư sản xuất NLSH cũng như sử dụng NLSH phù hợp với lộ trình đã được luật hóa và quan trọng nhất là giá cũng như hệ thống phân phối của NLSH thật sự ‘hấp dẫn’ với người tiêu dùng trong khi chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, căn cứ vào lộ trình đã được luật hóa, ngành giao thông mà cụ thể là các nhà sản xuất và nhập khẩu xe có trách nhiệm chủ động tổ chức triển khai và công bố rộng rãi danh sách loại ô-tô, xe máy có khả năng sử dụng được NLSH.
Ðiều kiện ở Việt Nam rất phù hợp cho sản xuất NLSH từ nguồn năng lượng sinh khối. NLSH bio-ethanol có thể được sản xuất từ lúa, ngô, sắn, khoai lang và mía đường còn bio-diesel thì được chế biến từ những loại cây lấy dầu như lạc, đậu tương, vừng, cây hướng dương, dừa và bông. Tuy nhiên, những sản phẩm này đồng thời là thực phẩm của con người và gia súc. Hiện nay, giá lương thực tăng cao gây nguy cơ lạm phát trong nước và quốc tế. Ðồng thời, diện tích đất trồng ngày càng bị thu hẹp đang trở thành một vấn đề mang tính thách thức. An ninh lương thực quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, vì vậy trong số các loại cây nông nghiệp trên chỉ có sắn và mía đường là có tiềm năng lớn cho sản xuất phát triển NLSH.
Dựa vào các nghiên cứu, phân tích từ nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chọn sắn làm nguyên liệu chính để sản xuất ethanol và đưa ra ‘Kế hoạch và chương trình triển khai các dự án NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025’ với nội dung chính: phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các loại NLSH thông qua Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL). Ba nhà máy sản xuất ethanol do PVN cùng các đơn vị thành viên đầu tư có tổng công suất 240 triệu lít/năm sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011. Ðể có đủ nguyên liệu sản xuất, PV OIL sẽ liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam đưa giống sắn và kỹ thuật canh tác mới, nâng sản lượng sắn bình quân đạt 18.000 – 25.000 tấn/năm vào năm 2015. Ðồng thời, PV OIL cũng nghiên cứu giống mía cao sản và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ để đạt năng suất 70 – 90 tấn/ha vào năm 2015.
Hóa học ngày nay
Nguồn Nhân Dân

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *