Những cái nhất trong thế giới hóa học

QUẢNG CÁO

diamonds(H2N2)-Tính chất của các nguyên tố hóa học rất phong phú và đa dạng. Nghiên cứu tính chất của các nguyên tố hóa học, tìm ra những cái nhất về tính chất nào đó của chúng cũng thật thú vị.

Khí nhẹ nhất là khí Hidro. Khối lượng riêng của nó chỉ bằng 1/14,5 của không khí. Năm 1783 lợi dụng tính chất này của hidro người ta đã thả vào không trung quả khí cầu bơm đầy khí hidro và có mang theo các dụng cụ đo lường. Ngày nay người ta vẫn dùng những khí cầu có chứa hidro hoặc hỗn hợp của hidro và heli để nghiên cứu khoa học và vận tải.

Khí nặng nhất, ở dạng đơn chất là khí rađon, khối lượng riêng của nó gấp 111 lần khí hidro.

Kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao nhất là vonfram. Khi đốt nóng đến 3140 độ thì nó mới nóng chảy. Vào năm 1910 con người lợi dụng tính chất quý báu này để làm sợi tóc cho bóng đèn. Nó còn được dùng để chế thành hợp kim thép vonfram, dùng làm dao cắt để cắt với tốc độ cao.

Kim loại cứng nhất là crôm có độ cứng đạt 9. Crôm còn chịu được ăn mòn và mãi mãi giữ được vẻ sáng bạc.

Tuy nhiên vua về độ cứng là kim cương. Kim cương là cacbon thuần khiết, độ cứng của nó là 10. Con người dùng nó làm mũi khoan cho những giếng khoan dầu, mài vật liệu, và dao để cắt gọt thủy tinh.

Kim loại vốn có tính dát mỏng rất tốt, mà quán quân về khả năng dát mỏng chính là vàng. Người ta đã dùng 28 gam vàng mà kéo thành sợi vàng dài 65000 mét! Người ta cũng có thể dát mỏng để có lá vàng dày 0,116 – 0,127 mm, tức là dày bằng 1/600 độ dày của một trang giấy của quyển sách.

Khí khó hóa lỏng nhất là khí heli. Mãi tới năm 1908 một nhà vật lí Hà Lan mới biến nó thành dạng lỏng ở nhiệt độ -268 độ. Hiện cũng chưa có phương tiện để nghiên cứu vật chất tiếp cận với độ không tuyệt đối nên heli đã trở thành thần tượng của những nhà vật lí nhiệt độ thấp.

Trong vỏ trái đất, nguyên tố có nhiều nhất là oxi. Kim loại có nhiều nhất là nhôm. Theo những kết quả nhiên cứu mới đây thì nguyên tố có nhiều nhất trong vũ trụ là hidro.

Kim loại nhẹ nhất là liti. Mỗi cm3 kim loại này chỉ nặng có 0,534 gam, nghĩa là nó còn nhẹ hơn nước.

Kim loại nặng nhất là osmi. Khối lượng riêng của nó là 22,48 g/cm3, nghĩa là nó nặng hơn gấp 42 lần so với liti.

Kim loại mẫn cảm nhất với ánh sáng là cesi. Con người lợi dụng đặc tính này để làm các tế bào quang điện, thước ngắm quang học của súng bắn ban đêm, máy tiếp nhận vô tuyến truyền hình…

Kim loại chống gỉ tốt nhất là tali và niobi. Nước vua (gồm 3 thể tích HCl đặc và 1 thể tích HNO3đặc; còn gọi là nước cường toan) có thể hòa tan platin và vàng nhưng với tali và niobi thì chịu bó tay, chẳng làm gì nổi. Chính bởi bản lĩnh tuyệt diệu của hai kim loại này mà công nghiệp dùng chúng để làm các máy móc chịu axit.

Nguyên tố đắt nhất không phải là vàng hay platin mà là califoni thu được vào năm1950 bằng phương pháp nhân tạo. Nguyên tố này được xếp vào ô thứ 98 trong bảng hệ thống tuần hoàn. Nó có thể liên tục trong một năm phát ra lượng lớn nơtron, giết chết các tế bào ác tính ở người và động vật. Người ta dùng califoni trong phân tích hoạt hóa nơtron. Cho tới hiện nay toàn thế giới vẻn vẹn mới thu được 2 gam califoni. Trên thị trường quốc tế, mối gam califoni có trị giá là 10 triệu đôla Mĩ.

Còn những nguyên tố có những đặc tính tuyệt vời khác, chẳng hạn như nguyên tố gecmani là vật liệu bán dẫn tốt, nhưng khi có chứa tạp chất thì lại mất dần tính bán dẫn. Chỉ khi người ta làm tinh khiết tới 99,9999% trở lên thì mới phát hiện ra đặc tính quý báu thật sự của nó.

Xem vậy mới biết rằng việc nghiên cứu tìm tòi các tính chất kì diệu của các nguyên tố và các hợp chất của chúng là không giới hạn. Rất nhiều kho báu hãy còn chờ con người lao tâm khổ luyện để khám phá.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Chemist Blog

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận