Nước máy ở Tokyo nhiễm phóng xạ

QUẢNG CÁO

Giới chức Tokyo vừa cho hay mức độ ô nhiễm phóng xạ trong nước máy ở thành phố này đã vượt mức cho phép và có thể gây nguy hại cho trẻ sơ sinh.

Theo BBC, mức độ i-ốt phóng xạ tại một số khu vực ở Tokyo hiện nay đã lên tới 210 becquerel/lít, tức là gấp hơn 2 lần mức an toàn cho trẻ sơ sinh (100 becquerel/lít). Người dân Tokyo đã được khuyến cáo không nên để các em bé sơ sinh tiếp cận với nguồn nước không an toàn này, trong khi trẻ em và người trưởng thành vẫn có thể sử dụng.

Theo nhận định của các chuyên gia, trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương vì i-ốt phóng xạ và có thể mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Thị trưởng thành phố Tokyo Shintaro Ishihara cho hay: “”Mức độ i-ốt phóng xạ hiện nay không ảnh hưởng nghiêm trọng tới người trưởng thành. Tuy nhiên, người dân Tokyo không nên dùng nước máy để cho trẻ dưới 1 tuổi uống hoặc pha sữa từ loại nước này.”

Một em bé Nhật đang lấy nước máy. Ảnh: NYdailynews.
Một em bé Nhật đang lấy nước máy. Ảnh: NYdailynews.

Tuy nhiên, một quan chức của cơ quan an toàn nước sạch Tokyo, ông Hasumi Nishiya, cũng trấn an dư luận rằng nếu trẻ sơ sinh ở thành phố này lỡ uống phải nước máy nhiễm phóng xạ vài lần thì cũng chưa có mối nguy hại đáng kể.

Những tác hại với sức khỏe của trẻ chỉ xảy ra nếu sử dụng nước nhiễm phóng xạ trong suốt một thời gian dài. Trong khi đó, các chuyên gia cũng xoa dịu phần nào sự lo ngại khi khẳng định i-ốt phóng xạ tan rất nhanh trong không khí, chỉ còn một nửa sau 8 ngày kể từ khi bắt đầu nhiễm.

Tuy nhiên, 13 triệu người dân Tokyo nói riêng và cư dân trên toàn nước Nhật nói chung không chỉ có mối lo duy nhất với nước máy. Hiện rau xanh, sữa, các sản phẩm từ sữa, nước biển và các loại hải sản xung quanh khu vực nhà máy Fukushima I đều được xác định bị nhiễm phóng xạ ở mức cao hơn giới hạn cho phép.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật xuất phát từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, cách Tokyo hơn 200 km về phía đông bắc, sau trận động đất và sóng thần lịch sử gần hai tuần trước. Các lò phản ứng tại đây bị hư hại sau thảm hoạ, dẫn đến cháy nổ hàng loạt và phát tán phóng xạ ra môi trường.

Các công nhân và chuyên gia vẫn đang chạy đua với thời gian để kiểm soát tình hình tại nhà máy Fukushima I, ngăn một thảm hoạ hạt nhân. Nhiều chuyên gia, kể cả Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đều đánh giá cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết mà không gây ra thảm hoạ như tại Chernobyl trước đây.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Vnexpress

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *