Nước mưa có độc không?

QUẢNG CÁO

mua(Hóa học ngày nay-H2N2)-Theo các chuyên gia, nước mưa bây giờ không còn sạch như nước mưa của nhiều chục năm trước nữa, những cơn mưa với hàm lượng axit ngày càng nhiều là mối đe dọa sức khoẻ người dân, đặc biệt ở những thành phố lớn.

GS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết, nước mưa ngày xưa, khi không khí chưa ô nhiễm thì rất tốt, người ta có thể sử dụng làm nước ăn uống sinh hoạt bình thường. Nhưng sự phát triển của các khu công nghiệp, nhà máy, đô thị hóa… đã ngày càng làm cho nước mưa trở nên độc hơn. Tất nhiên là tùy thuộc vào từng vùng và thời điểm mưa với mức độ ô nhiễm khác nhau mà nồng độ axit trong nước mưa là khác nhau.

Chung quan điểm, PGS.TS Trịnh Lê  Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, bản chất của nước mưa là lành. Tuy nhiên, ở những vùng có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, hàm lượng axit trong nước mưa là không tránh khỏi. Khí độc SO2 bay lên trời rồi gặp mưa rơi xuống là rất độc. Chính loại nước mưa này có thể làm tan đá vôi và hủy hoại da người rất mạnh.

 

Cũng theo các chuyên gia, nước mặt như nước thải sinh hoạt, nước ngầm… dù  được Mặt Trời hút lên nhưng cũng không phải là  thành phần tạo nên nước mưa. Quan trọng nhất là  hàm lượng khí độc thoát lên trời và tích tụ lại trong những đám mây. Những đám mây này vận chuyển trên bầu trời, thì nhiều khi không hẳn là vùng ô nhiễm không khí mà vẫn bị mưa axit.

GS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, không nên sử dụng nước mưa đầu mùa vì  ở những trận mưa này, nó sẽ phản ứng với các chất khí để tạo thành những axit độc hại như H2SO3 hay H2SO4. Điều này lý giải vì sao đi ngoài đường hoặc tắm mưa ở những trận mưa đầu mùa sẽ có cảm giác rất ngứa, khó chịu. Đó là vì axit trong nước mưa ngấm vào da gây nên.

PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường, nhận định, nên cẩn trọng đối với những trận mưa nhỏ đầu mùa. Những trận mưa này sẽ làm rửa trôi các chất trong khí quyển xuống nên hàm lượng axit lớn và sẽ rất độc hại.

Các chuyên gia cho rằng, những cơn mưa lớn giữa mùa thì hàm lượng axit sẽ ít đi và có thể sử dụng nước mưa này để ăn uống, sinh hoạt. Việc tích nước mưa để ăn uống sinh hoạt cũng cần tránh những cơn mưa đầu mùa này.

Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, muốn biết có phải là nước mưa axit hay không thì có thể thử bằng giấy quỳ. Nếu giấy quỳ xanh khi nhúng vào nước mà biến thành màu đỏ hoặc hồng thì nước mưa có axit. Về cơ bản thì nước mưa có hàm lượng axit hay không cũng không có mùi gì khác lạ, và không thể phân biệt được bằng cách ngửi. 

GS Trần Hiếu Nhuệ cũng chia sẻ thêm: Muốn sử dụng nước mưa thì phải sử dụng các biện pháp lọc chứ không sử  dụng trực tiếp. Có thể cho thêm hóa chất kiềm như nước vôi trong vào đó để trung hòa axit, hoặc sử dụng bể lọc cát trước khi dùng làm nước ăn uống sinh hoạt. Nước mưa ở những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo thì không phải sử dụng các biện pháp này vì về bản chất là rất sạch.

Các chuyên gia cũng lưu ý,  ở các thành phố lớn, khu đô thị đông dân cư, nhiều nhà máy xí nghiệp… thì không nên tắm mưa. Axit có trong nước mưa ngấm vào da sẽ rất có hại, nồng độ pH thấp dưới 6,5 sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, dễ dẫn đến cảm lạnh, nặng thì có thể đột quỵ. 

Theo các chuyên gia, việc cảm lạnh hoặc viêm phổi cấp phải nhập viện do tắm mưa là do cơ thể bị thay đổi nóng lạnh bất thường, thành phần có trong nước mưa không phải là nguyên nhân chính. Tắm mưa sẽ làm nhiệt độ cơ thể giảm, kết hợp với gió mạnh trong cơn mưa khiến cơ thể nhanh chóng mất nhiệt dẫn đến cảm, mệt mỏi. Khi đang đi ngoài trời mưa mà cảm thấy trên da ngứa, rát khó chịu… thì phải ngay lập tức tìm cách trú ẩn vì đây chính là mưa axit.

Nguồn Khoa học & Đời sống/Hoahocngaynay.com

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *