Trong khi UBND tỉnh Bình Định đang ráo riết trao đổi với nhà đầu tư để xúc tiến dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỉ USD thì nhiều bộ, ngành lại lo ngại về tính khả thi, còn Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) quyết liệt phản đối.
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội hiện đã xong báo cáo tiền khả thi, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định với quy mô 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm – gấp gần 5 lần Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Dự án được nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) trao đổi với UBND tỉnh Bình Định trong hơn một năm qua. UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch và cho phép nhà đầu tư được triển khai dự án.
Lo dư thừa sản phẩm xăng dầu
Dưới góc độ của một đơn vị đã và đang đầu tư NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn, PVN nhanh chóng có văn bản gửi Bộ Công thương thẳng thừng đề nghị bộ không nên đồng ý dự án của PTT. Theo PVN, quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của VN đến năm 2025 và các năm tiếp theo) không có dự án lọc dầu Nhơn Hội.
Dự án Nhơn Hội, theo PVN, lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất – nơi đã được quy hoạch xây dựng NMLD. Từ thực tế triển khai các dự án lọc dầu mà PVN là chủ đầu tư và tham gia góp vốn hiện nay, PVN cho rằng để xây dựng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, dự án lọc dầu sẽ cần sự hỗ trợ, ưu đãi lớn từ Chính phủ về thuế, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi ngoại tệ.
Tuy nhiên, báo cáo đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội lại chưa đánh giá đầy đủ một số yếu tố quan trọng, như: khả năng cung ứng nguồn dầu thô ổn định, dài hạn, các đối tác cụ thể góp vốn đầu tư, năng lực tài chính, phương án thu xếp vốn và các yêu cầu phải có từ nước chủ nhà.
Đặc biệt, dù PTT đã đưa định hướng một phần sản phẩm của NMLD Nhơn Hội sẽ xuất khẩu nhưng PVN vẫn cho biết tập đoàn này đã đầu tư Dung Quất, đang đầu tư NMLD Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư NMLD Long Sơn với mục tiêu đến năm 2025 sẽ vận hành ba trung tâm hóa dầu tại VN. PVN còn nêu đang phải bao tiêu sản phẩm cho Dung Quất, sắp tới là Nghi Sơn.
Nên nếu bổ sung NMLD Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ thừa nguồn cung với thị trường nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PVN và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại NMLD Dung Quất, Nghi Sơn…
Từ đó, PVN đề nghị Bộ Công thương “không ủng hộ chủ trương xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội để tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu”.
Băn khoăn, nghi ngại
Ngày 9/4, Bộ Công thương đã chính thức có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng ý bổ sung dự án lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, nghĩa là trái với đề nghị của PVN. Tuy nhiên, bộ cũng nêu rõ do chủ đầu tư khẳng định nhà máy chỉ đặt ở VN và sản phẩm chủ yếu sẽ được xuất khẩu nên không thể ưu đãi giống như các NMLD Dung Quất, Nghi Sơn…
Cụ thể, tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký nêu tám nhóm vấn đề lớn như dự án Nhơn Hội đã được chủ đầu tư PTT đề xuất dùng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, cấu hình phức tạp; tiến độ sau ba năm rưỡi sẽ hoàn thành… Nhưng Bộ Công thương cho rằng với một dự án công suất tới 30 triệu tấn/năm đòi hỏi vốn rất lớn, mà thời gian xây dựng như thế trong điều kiện VN là khó khả thi.
PVN kịch liện phản đối dự án vì lo thừa sản phẩm xăng dầu khi nước ta vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu.
Bộ cũng công nhận PTT là một tập đoàn lớn của Thái Lan, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh các sản phẩm dầu khí. Tổng mức đầu tư 27 tỉ USD cũng phù hợp với quy mô 30 triệu tấn/năm. Hiệu quả đầu tư của dự án mà chủ đầu tư tính toán bộ cũng công nhận là “tương đối cao”. Tuy nhiên, bộ cho rằng báo cáo của PTT “chưa thể hiện sự cam kết mạnh mẽ” với việc đầu tư, xây dựng dự án. PTT cũng nêu sẽ phải đi vay khoảng 50% tổng số tiền đầu tư vào Nhơn Hội, tính ra lên đến khoảng 14 tỉ USD trong khi cách thu xếp vốn của dự án chưa rõ ràng…
Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn đồng ý cho dự án vào quy hoạch nhưng đi kèm hàng loạt yêu cầu chủ đầu tư làm rõ như: khả năng thu xếp vốn, tiến độ dự án, khả năng cân đối nguồn cung ứng dầu thô, phương án tiêu thụ sản phẩm xăng dầu ở VN và xuất khẩu… Đáng lưu ý, Bộ Công thương cũng yêu cầu PTT phải có cam kết từ đại diện pháp lý cao nhất của PTT với việc thực hiện dự án.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương nêu ý kiến về dự án NMLD Nhơn Hội với băn khoăn khá… giống PVN khi cho rằng: theo quy hoạch, riêng khu vực Nam Trung bộ sẽ có hai NMLD được xây dựng là Vân Phong (10 triệu tấn/năm) do Petrolimex làm chủ đầu tư và dự án Vũng Rô (8 triệu tấn/năm) tại Phú Yên. Ngoài ra còn tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang đầu tư. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành dầu khí.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng phương án vận tải để nhập dầu thô vào NMLD Nhơn Hội và xuất sản phẩm còn… quá sơ sài. Bộ này “lưu ý”: tuyến luồng vào khu vực Nhơn Hội hiện nay đang rất cạn. Do vậy, sẽ phải xây dựng bến tạm phục vụ thi công. Khi nhập dầu thô, cần nạo vét luồng và cần hạch toán chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án. Trong các bước triển khai tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải cho rằng chủ đầu tư cần thực hiện việc bổ sung quy hoạch cảng chuyên dụng của nhà máy theo quy định và lấy ý kiến thỏa thuận cụ thể của các cơ quan có trách nhiệm.
Dự kiến năm 2019 hoàn thành
Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, NMLD Nhơn Hội (nếu được thông qua sẽ là NMLD lớn nhất VN). Tổng vốn đầu tư được đề xuất là 26,9 tỉ USD (theo mức năm 2012). Thị trường tiêu thụ được nhắm đến là nội địa VN, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Nếu công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu, phê duyệt và các thủ tục liên quan khác hoàn thành, dự án có thể khởi công xây dựng vào quý I/2016 và hoàn tất sau ba năm rưỡi xây dựng; vận hành chính thức vào đầu năm 2019.
Theo đề xuất của PTT, DA sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000ha, công suất dự kiến 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm). Nguồn dầu thô của nhà máy sẽ được nhập khẩu 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và còn lại từ Nam Mỹ.
Theo công bố, khi đi vào hoạt động, nhà máy của PTT sẽ sản xuất khoảng 11 sản phẩm lọc dầu (khí hóa lỏng, xăng 92, 95, Jet A1, dầu DO…) và 10 sản phẩm hóa dầu khác (LLDPE, Poly-propylene, DEG…).
Chiều 19/4, xung quanh dự án lọc dầu Nhơn Hội, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định tính khả thi của dự án rất cao bởi cơ sở hạ tầng hoàn hảo và quyết tâm của nhà đầu tư. Về phía địa phương, đây cũng là kỳ vọng lớn, quyết tâm lớn của tập thể Đảng bộ và chính quyền Bình Định.
“Cũng có ý kiến cho rằng sẽ gặp những khó khăn về luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ khi dự án được triển khai và chúng tôi cũng đã bàn thảo với nhà đầu tư sẽ xây dựng đường ống xuyên qua núi Yên Ngựa dài khoảng 2km là thông ra biển Đông và hình thành cảng dầu để bơm dầu thô vào tổ hợp và nếu sản lượng lọc dầu lớn sẽ bơm ra. Cảng bên trong đầm Thị Nại sẽ vận chuyển các sản phẩm hóa dầu. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi ở Khu kinh tế Nhơn Hội mà ở những nhà máy lọc hóa dầu khác không thể có được” – ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, một thuận lợi khác, theo ông Dũng, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000ha và giá cho thuê khá rẻ, chỉ 10-15 USD/m2 trong thời gian 50 năm.
“Chúng tôi tin tưởng dự án mang tính khả thi rất cao vì đây là tập đoàn của Chính phủ Thái Lan và tổng tài sản của tập đoàn này hơn 50 tỉ USD. Đồng thời, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng HSBC đã có thư cam kết hỗ trợ dự án này. Đây sẽ là một trong sáu tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất thế giới hiện nay, nếu được triển khai, có nghĩa là bản đồ ngành lọc hóa dầu thế giới sẽ được vẽ lại. Và dự án không phải chỉ “tỏa sáng” cho bức tranh kinh tế Bình Định mà góp phần vào sự phát triển của khu vực và cả nước” – ông Dũng nhận định.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: Tuổi trẻ Online