Than bùn là nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta và nhiều nước trên thế giới. Một trong những hướng sử dụng than bùn có ý nghĩa thiết thực là làm phân bón. Phân bón trên cơ sở than bùn kết hợp với khoáng dinh dưỡng đã được sản xuất và sử dụng ở nhiều nước như Nga, Belarus, Mỹ, Canada… cho những kết quả khả quan.
Than bùn có cấu trúc xốp, có khả năng trao đổi cation, cũng như chứa axit humic có hoạt tính sinh học nên khi đưa khoáng dinh dưỡng N, P, K (Nitơ, phốt pho, kali) hoặc các nguyên tố vi lượng vào, những chất dinh dưỡng này được tồn giữ trong các lỗ xốp của than bùn và nhả dần ra cho cây trồng sử dụng, không bị tan nhanh và rửa trôi trong nước. Cùng với việc sản xuất các loại phân có chất lượng cao, dễ hấp thụ cho cây, việc tạo ra một loại phân nhả chậm (tiết ra từ từ) để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.
Để tìm lời giải đáp cho vấn đề này, các nhà khoa học Viện Công nghệ Hóa học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu ảnh hưởng của phân hữu cơ khoáng nhả chậm, giữ ẩm từ than bùn đối với cây rau và cây lương thực.
Phân hữu cơ khoáng trên nền than bùn có khả năng trữ ẩm cao hơn hẳn các loại phân vô cơ thông thường nhờ sức hút nước mạnh, độ xốp cao của than bùn. Phân hữu cơ khoáng trên nền than bùn được chế tạo theo công nghệ của Viện Công nghệ Hoá học có chứa chất giữ ẩm điều chế từ poly(acrylic) axit là hợp chất có khả năng phân huỷ sinh học, không gây hại đến môi trường và có khả năng nhả chậm khoáng tốt hơn hơn phân vô cơ. Phân bón nhả chậm với hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng được giữ trên các chất nền và nhả ra từ từ trong đất cho cây hấp thụ hết. Hiệu quả khi đưa chất giữ ẩm poly(acrylic) axit vào phân hữu cơ khoáng trên nền than bùn và ảnh hưởng của phân hữu cơ khoáng nhả chậm, giữ ẩm đối với môi trường đã được các nhà khoa học đánh giá qua các thử nghiệm thực tế đối với cây trồng.
Mẫu ngô sau khi thu hoạch
Các nhà khoa học đã tiến hành thực nghiệm bằng cách đưa khoáng dinh dưỡng N, P, K và các nguyên tố vi lượng vào than bùn được lấy từ mỏ ở Vĩnh Long để tổng hợp phân phức hợp. Phân phức hợp hữu cơ khoáng được điều chế theo quy trình: than bùn mịn, phối hợp với các chất khoáng, chất giữ ẩm theo tỉ lệ xác định, hoạt hóa, ủ và vo viên. Tiếp đó là tiến hành thực nghiệm bón phân đã được điều chế trên các giống cây rau – khổ qua (mướp đắng), cây lương thực – ngô (bắp) và đánh giá tác động của phân phức hợp khoáng đối với môi trường.
Kết quả nghiên cứu đạt được chỉ ra rằng, phân hữu cơ khoáng nhả chậm, giữ ẩm từ than bùn có khả năng trữ ẩm cao cho đất trong suốt mùa vụ. Việc bón phân hữu cơ khoáng nhả chậm làm cho năng suất khổ qua tăng 5.3 – 23.9%, năng suất ngô tăng 10.4 – 16.1%. Khi bón cả hai loại phân hữu cơ khoáng nhả chậm có thành phần khoáng N-P-K 10-10-5 và 10-5-10 (gọi tên là VH-02, VH-03) cho năng suất khổ qua và ngô cao nhất. Bên cạnh hiệu quả tăng năng suất cây trồng, phân hữu cơ khoáng từ than bùn còn góp phần cải tạo đất, hàm lượng mùn sau thu hoạch tăng, hàm lượng khoáng lưu giữ cao làm giảm ô nhiễm môi trường do đất trồng bị rửa trôi khoáng, có hiệu ứng tích hợp cho mùa sau giúp tiết kiệm phân bón.
Phân hữu cơ khoáng nhả chậm, giữ ẩm từ than bùn được chế tạo theo công nghệ của Viện Công nghệ Hóa học (là một trong những phương pháp cải tạo đất) giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm phí đầu tư cho nông nghiệp. Hiệu quả lâu dài của việc sử dụng phân hữu cơ khoáng nhả chậm sẽ được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và an toàn cho con người.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: TS. Bùi Thanh Hương, TS. Lưu Cẩm Lộc
Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam