(H2N2)-Phương pháp này được ứng dụng công nghệ mới- công nghệ xử lý rác thải bằng vi sinh yếm khí.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã sản xuất thành công phân hữu cơ sinh học từ rác thài sinh hoạt và rác thải nông nghiệp bằng công nghệ bán hảo khí.
Theo quy trình này, để sản xuất ra 1 tấn phân ủ hữu cơ sinh học cần từ 2 – 2,5 tấn rác thài sinh hoạt hoặc phế thải nông nghiệp, 250 – 300 lít nước và 5 lít chế phẩm vi sinh. Sau thu gom rác thải, tiến hành phân loại, lựa chọn các vật liệu hữu cơ như các phần loại bỏ từ rau, hoa quả, thân cây, rơm rạ, giấy loại…rồi đem chúng đến bể ủ.
Ở đấy, rác thải được đảo đều rồi dàn trải theo từng lớp, sau dó tưới nước có hoà chế phẩm vi sinh vật kết hợp với gỉ đường rồi lại tiếp tục chất lên lớp rác thải hữu cơ khác.
Sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ khoảng 50 – 60 ngày được đem hong khô trong điều kiện sân phơi có mái che. Sau đó dùng máy nghiền nghiền nhỏ để bón ruộng.
PGS.TS Đào Châu Thu, chủ nhiệm đề tài cho biết sau thời gian ủ, phân hữu cơ mục tơi, màu đen tuyền. Kết quả phân tích chất lượng tại phòng phân tích đại học Udine (Italia) cho thấy phân có chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn đo lường quốc gia. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học đã được bón thử nghiệm tại khu sản xuất rau an toàn trường Đại học nông nghiệp Hà Nội và vùng sản xuất rau sạch xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các loại rau, củ, quả như cà chua, cà rốt, bắp cải, đậu tương sinh trưởng nhanh, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn nhiều so với cây trồng đối chứng bón đơn thuần bằng phân hoá học.
Th.S Trịnh Thị Mai Dung cho biết các loại rau được bón phân hữu cơ sinh học đều đạt chất lượng rau an toàn. Đặc biệt hàm lượng Nitrat (một loại độc tố) trong rau thấp trong khi hàm lượng chất xơ và chất đường đều cao hơn đáng kể.
Anh Minh Thu, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho rằng bón phân hữu cơ sinh học cho cây trồng năng suất cao hơn hẳn, sạch sẽ, không gây mùi hôi như bón cho cây trồng bằng phân tươi.
Quy trình sản xuất phân hữu cơ từ rác thài sinh hoạt và phế thải nông nghiệp đã kế thừa được phương pháp ủ phân truyền thống của bà con nông dân. Tuy nhiên, phương pháp này được ứng dụng công nghệ mới- công nghệ xử lý rác thải bằng vi sinh yếm khí. Nhờ đó, rút ngắn thời gian ủ từ trên 6 tháng xuống còn 1,5 đến 2 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng của phân khi sử dụng.
Việc sản xuất phân hữu cơ từ rác thải không những tạo ra được một loại phân hữu cơ sinh học có chất lượng tốt cho sản xuất nông nghiệp sạch mà còn góp phần nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống ở khu dân cư, giảm khối lượng rác hữu cơ chôn lấp, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng.
Minh Cường
Nguồn Báo Đất Việt