Phát hiện ra chìa khóa hỗ trợ thuốc chống suy nhược

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Các nhà khoa học đã phát hiện thấy sự phát triển của các tế bào thần kinh mới trong não đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các loại thuốc chống suy nhược phát huy tác dụng.

[title]

Thuốc điều trị suy nhược Prozac, hay còn được gọi là Fluoxetine. (Reuters: Darren Staples)

Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí ‘Molecular Psychiatry’, do một nhóm nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là Tiến sĩ Alexandre Surget thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Na-Uy thực hiện, đã phần nào làm sáng tỏ tác dụng cải thiện tâm trạng con người của loại thuốc chống suy nhược Prozac (hay còn được gọi là Fluoxetine).

Căng thẳng là một nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn lo lắng và bệnh trầm cảm ở người. Tác động tương tự cũng được phát hiện ở chuột. Tiến sĩ Surget và nhóm nghiên cứu đã cho chuột tiếp xúc với các sự kiện gây căng thẳng vừa phải, không thể đoán trước hàng ngày, từ việc chuồng bị nghiêng đến việc phát hiện phân mèo trong nơi trú ẩn.

Những chú chuột bị căng thẳng sẽ tạo ra ít tế bào thần kinh ở một vùng trong não bộ gọi là nếp cuộn não răng cưa. Đây là một vùng não đặc biệt, nơi hình thành và phát triển của các tế bào thần kinh, nghĩa là vùng này có khả năng tạo ra các tế bào thần kinh mới trong quá trình trưởng thành.

Những con chuột có những biểu hiện trẩm cảm trầm trọng được thể hiện qua hiện tượng sút cân và bộ lông xơ xác, thậm chí chúng còn có một số dấu hiệu giống hệt như người mắc bệnh trầm cảm như không còn để ý tới các hoạt động khác như không thèm ăn bánh quy sô-cô-la để sẵn trong chuồng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu cho những chú chuột bị trầm cảm sử dụng thuốc Fluoxetine trong vòng năm tuần. Họ nhận thấy thuốc đã phát huy tác động tích cực khiến cho chúng gần như trở lại trạng thái bình thường ban đầu, kể cả thói quen ăn bánh.

Điểm nhấn trong nghiên cứu của Tiến sĩ Surget là thuốc chống suy nhược chỉ phát huy tác dụng nếu nếp cuộn não răng cưa có thể sản sinh ra các tế bào thần kinh mới. Để chứng tỏ nhận định này, nhóm nghiên cứu đã làm tổn thương vùng nếp cuộn não ở một số chú chuột trước khi thực hiện thí nghiệm sử dụng tia X-quang để theo dõi. Thực tế cho thấy, trong những trường hợp này thì thuốc Fluoxetine đã không phát huy tác dụng.

Tác dụng của nghiên cứu

Giáo sư Julio Licinio, một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), cho biết: “Trong giới khoa học đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu quá trình hình thành và phát triển của các tế bào thần kinh có tác động tích cực tới việc phát huy tác dụng của thuốc chống suy nhược hay không. Nghiên cứu mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình hình thành và phát triển các tế bào thần kinh trong việc điều trị suy nhược”.

Các thuốc chống suy nhược như Prozac có tác động rất nhanh tới Serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh hóa học chứa a-xít amin có công thức hóa học là C10H12N2O.“Chỉ trong vòng một giờ, não đã sản sinh ra nhiều chất Serotonin hơn”, Giáo sư Licinio cho biết.

Tuy nhiên, tâm trạng của bệnh nhân sẽ không cải thiện chỉ sau một giờ uống thuốc chống trầm cảm. Trên thực tế, Fluoxetine phát huy tác dụng sau vài tuần. Vì vậy, các nhà khoa học biết rằng ngoài việc tăng lượng Serotonin thì cần phải có một số hướng điều trị khác.

“Đây là một bằng chứng thuyết phục góp phần lý giải tại sao các loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng chậm bởi cần phải có thời gian để hình thành và phát triển các tế bào thần kinh mới trong não bộ”, Giáo sư Licinio nhận xét.

Hoahocngaynay.com

Nguồn bayvut.com.au

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *