Phóng xạ: Những điều cần biết

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Những câu hỏi – đáp giản dị trong bài sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn về khái niệm “phóng xạ”…

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan tới nguy cơ phóng xạ đe dọa sức khỏe:

– Con người tiếp xúc với phóng xạ như thế nào?

Biểu tượng chỉ nguy cơ phóng xạ

– Các hạt phóng xạ trong bụi, mưa phóng xạ có thể được hít vào phổi, bám vào da hoặc đi vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống nhiễm độc. Mức độ nhiễm rất khác nhau, thậm chí chỉ trong khoảng cách rất nhỏ, TS. Fred Mettler, chuyên gia X quang tại ĐH New Mexico và là trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế về tác hại sức khỏe sau sự cố Chernobyl, cho biết.

“Khi đi quanh một góc tường, bạn có thể tiếp xúc với lượng phóng xạ rất cao, nhưng khi đứng sau một cái cột thôi thì lượng phóng xạ thấp hơn rất nhiều”. Sự tiếp xúc còn phụ thuộc vào loại hạt trong bụi phóng xạ, vị trí đứng với mái che có tích tụ phóng xạ hay có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bụi phóng xạ từ bên ngoài.

– Tác hại của phóng xạ như thế nào?

– Trong ngắn hạn, phóng xạ phá hoại các tế bào đang phân chia nhanh, gồm tóc, lớp trong của dạ dày và tủy. Nó có thể gây buồn nôn, nôn, mệt mỏi, mất các tế bào bạch cầu và khiến máu vón cục.

Một loại phóng xạ là Iot phóng xạ được tuyến giáp hấp thụ, gây ung thư tuyến giáp nếu không được uống thuốc ngay để chặn lại quá trình hấp thu này. Về lâu dài, phóng xạ phá hoại các ADN và có nguy cơ dẫn đến nhiều loại ung thư.

– Lượng phóng xạ bao nhiêu thì nguy hiểm?

– Hầu hết mọi người hấp thu khoảng 1/10 rem (đơn vị đo liều lượng phóng xạ) mỗi năm trong môi trường, hầu hết từ khí phóng xạ trong đất. Ủy ban điều hành hạt nhân Mỹ nói rằng, cơ thể hấp thu liều lượng dưới 10 rem trong thời gian dài thì không có vấn đề gì.

– Khi nào phóng xạ đe dọa sức khỏe?

– Các dấu hiệu của nhiễm phóng xạ như buồn nôn, nôn, rụng tóc xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với lượng phóng xạ 50-100 rem, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết. Người tiếp xúc với liều lượng 400 rem phóng xạ tử vong trong vòng hai tháng, liều lượng 1.000 rem gây tử vong trong vòng hai tuần.

– Phóng xạ y học có nguy hiểm không?

– Mỗi lần được chụp bằng tia X, cơ thể tiếp xúc với 1/10 rem phóng xạ, chụp cắt lớp đối với bụng và khung xương chậu thì lượng phóng xạ là 1,4 rem. Liều lượng phóng xạ dần tích tụ trong cơ thể, vì thế nên các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên tránh những kiểm tra liên quan đến phóng xạ nếu không cần thiết.

– Thuốc nào có thể dùng khi xảy ra sự cố bụi phóng xạ?

Iođua kali có thể chặn sự hấp thu Iot phóng xạ và bảo vệ tuyến giáp, nhưng thuốc này cần được uống nhanh, ngay sau khi tiếp xúc với phóng xạ. Sau 12 tiếng, công dụng của nó rất hạn chế, trừ khi cơ thể vẫn tiếp phải tiếp xúc với phóng xạ.

– Nếu xảy ra mưa phóng xạ, mọi người nên sơ tán hay ở yên tại chỗ?

– Còn tùy vào tình hình cụ thể. Quan chức Nhật Bản thúc giục hàng chục nghìn người dân sơ tán khỏi khu vực 11km, nhưng nay đã mở rộng bán kính ra 20 km quanh khu vực sự cố, cũng như bảo họ ở yên trong nhà.

– Sự cố này có giống thảm họa Chernobyl?

– Không. Nhà máy điện hạt nhân của Liên Xô (cũ) không có bể cách ly quanh các lò phản ứng. Vì thế nên khi xảy ra nổ, những thanh nhiên liệu hạt nhân từ lõi lò phản ứng tràn ra. Nhiên liệu này chứa xezi, chất phóng xạ độc hơn và tồn tại lâu hơn loại iot phóng xạ đang thoát ra từ các lò phản ứng ở Nhật. Đến nay đã có một số báo cáo cho thấy lượng xezi nhất định đã bị rò rỉ ở Nhật Bản, khiến nhiều người lo lắng các lõi hạt nhân ở nước này có thể tan chảy.

Trúc Quỳnh (Theo AP)

<

p style=”text-align: justify;”>Nguồn Báo Đất Việt

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *