Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Missouri đã sử dụng virut để lây nhiễm và tiêu diệt các dòng Pseudomonas aeruginosa, loài vi khuẩn chủ yếu gây bệnh. Virut này là thể thực khuẩn, có thể được sử dụng để khử trùng hiệu quả các thiết bị xử lý nước và hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh gây chết người.
Đây là thí nghiệm đầu tiên sử dụng thể thực khuẩn kết hợp với clo để phá hủy màng sinh học do lớp vi khuẩn tạo thành trên bề mặt rắn. Theo PGS Kỹ thuật dân dụng và Môi trường Zhiqiang Hu thuộc Trường Cao đẳng Kỹ thuật MU, lợi thế của việc sử dụng virut là nó có thể tiêu diệt một cách chọn lọc vi khuẩn gây hại. Lợi khuẩn, chẳng hạn như những vi khuẩn làm nhiệm vụ bẻ gãy liên kết của chất bẩn trong các nhà máy xử lý nước thải, phần lớn sẽ không bị ảnh hưởng. Vì vậy, virut có thể được sử dụng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh trong các bộ phận lọc nước mà không cần phải thay thế, giúp tiết kiệm chi phí, giảm phí nước sạch.
Rất khó để tiêu diệt vi khuẩn khi chúng hình thành màng sinh học. Lớp vỏ bên ngoài của các màng này có thể bị clo tiêu diệt, nhưng các vi khuẩn bên trong đã được che chở sẽ khó bị tiêu diệt. Virut đã giải quyết được vấn đề này vì nó trải khắp cụm vi khuẩn. Ngoài ra thể thực khuẩn dễ hình thành hơn enzym đã sử dụng để tấn công màng sinh học. Virut cũng hoạt động tốt hơn trong việc nhắm vào các loài vi khuẩn cụ thể.
Việc kết hợp thể thực khuẩn và clo là một thành công trọng việc tiêu diệt màng sinh học. Thí nghiệm ban đầu cho kết quả tiêu diệt 97% màng sinh học trong 5 ngày. Khi sử dụng riêng lẻ, virut tiêu diệt được 89%, trong khi clo chỉ diệt được 40% vi khuẩn trên máng sinh học.
Phương pháp đã được sử dụng để xử lý Pseudomonas aeruginosa sẽ có thể được sử dụng để chống lại các vi khuẩn gây hại khác, thậm chí cả những vi khuẩn tạo ra kháng kháng sinh.
Theo Hu, nghiên cứu này đã mở ra cánh cửa cho một phương thức mới đối phó với màng sinh học vi khuẩn. Bước tiếp theo là mở rộng quy mô thí nghiệm. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Biotechnology & Bioengineering.
Hoahocngaynay.com
Nguồn NASATI/Physorg